Chất cực độc được dùng làm chế phẩm thuốc trừ sâu và chữa bệnh ngoài da (ghẻ, lở)
Báo Tuổi Trẻ dẫn lời bác sĩ Cao Việt Hưng, khoa hồi sức tích cực - chống độc, Bệnh viện Đa khoa Phú Thọ, cho biết phần củ của cây củ đậu thường được dùng làm thực phẩm. Ngoài phần củ có thể sử dụng thì phần thân, lá, hoa, quả của cây củ đậu đều có chứa rotenon - một chất rất độc thường được dùng làm chế phẩm thuốc trừ sâu.
Ảnh minh họa.
"Khi được hấp thu vào cơ thể, rotenon gây ức chế hô hấp của tế bào gây tăng sinh lactate nhiễm toan hóa máu, tăng hình thành các gốc oxy hóa tự do và gây chết tế bào.
Sau khi ăn khoảng 30 phút đến 1 giờ, người bệnh có thể xuất hiện các biểu hiện như đau đầu, chóng mặt, đau bụng, buồn nôn, ý thức lơ mơ. Ở mức độ nặng hơn, rotenon gây ức chế thần kinh khiến người bệnh rơi vào hôn mê, co giật, ngừng thở, ngừng tim dẫn tới tử vong nhanh chóng.
Đặc biệt, ngộ độc rotenon trong hạt củ đậu không có thuốc giải độc đặc hiệu và các triệu chứng có thể tiến triển rất nhanh. Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, bệnh nhân có thể tử vong trong 2 - 5 giờ sau khi ăn phải chất độc", bác sĩ Hưng cho hay.
Ngoài ra, thông tin từ báo Tiền Phong, lá và hạt của cây củ đậu có thể dùng làm thuốc bôi ngoài da. Chất tephrosin và rotenon khi đi vào cơ thể có thể gây ngộ độc, thậm chí bị đau bụng dữ dội, co giật toàn thân, loạn nhịp tim, tụt huyết áp, suy hô hấp.
Ảnh minh họa.
Biểu hiện ngộ độc nếu ăn phải hạt và cây củ đậu
Nếu ăn phải hạt của cây củ đậu bệnh nhân sẽ có biểu hiện ngộ độc từ phút thứ 5- 40. Triệu chứng có thể tiến triển nhanh và nặng có thể tử vong trong thời gian từ 2-5 giờ. Nếu được kiểm soát tốt, triệu chứng nặng nề nhất có thể hết sau 4 -7 giờ. Vì vậy, khi mua cả chùm củ đậu tươi về chế biến, tuyệt đối cắt bỏ dây lá.
Các bác sĩ khuyến cáo tuyệt đối không sử dụng thân, lá, quả của cây củ đậu làm thức ăn. Khi phát hiện người thân ăn các loại thực phẩm này cần đưa đến cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị kịp thời, tránh tự điều trị bỏ lỡ thời gian điều trị.
Trước đó, vụ ba bố con tại tỉnh Vĩnh Phúc nhập viện sau khi ăn quả của cây củ đậu khiến nhiều gia đình nên chú ý. Cụ thể, anh V.T.T. (34 tuổi, trú tỉnh Vĩnh Phúc) cho hay chiều cùng ngày anh ra vườn nhà thấy cây củ đậu có hạt, anh đã hái và luộc ăn trong bữa cơm tối.
Hai con anh ăn thử thấy đắng nên không ăn nữa, riêng anh T. ăn nhiều hơn. Khoảng 15 phút sau khi ăn, anh T. xuất hiện các triệu chứng buồn nôn, nôn, chóng mặt, nên vợ đã đưa anh cùng hai con vào Bệnh viện Đa khoa tỉnh Vĩnh Phúc để cấp cứu.
Sau khi cấp cứu, tình trạng anh T. được cải thiện, hai con được chuyển sang khoa nhi để tiếp tục theo dõi.
Ảnh minh họa.
Những lưu ý khác khi ăn củ đậu, tránh ảnh hưởng sức khỏe
Không giảm cân bằng củ đậu
Củ đậu tốt cho những người thừa cân, béo phí. Nhưng không nên dùng loại thực phẩm này để ăn "trừ bữa" xem như một biện pháp giảm cân. Bởi củ đậu giàu chất xơ, vitamin, ít năng lượng nhưng không thể cung cấp hết tất cả các dưỡng chất mà bạn cần.
Không nên ăn nhiều
Chính vì củ đậu chứa nhiều nước, khi ăn củ đậu quá nhiều, thậm chí đến mức no căng thì dạ dày sẽ ngày một dãn ra. Khi dạ dày đã giãn ra thì dịch dạ dày sẽ tiết nhiều hơn, dạ dày cũng rỗng hơn, nhu cầu thèm ăn cao hơn.
Nguyễn Linh (T/h)