Chiều ngày 31/5, Bệnh viện Chợ Rẫy thông tin về tình hình của 2 anh em ruột bị ngộ độc botulinum ở TP.HCM sau gần 3 tuần điều trị.
Cụ thể, báo Người Lao Động dẫn thông tin từ bác sĩ CKII Đỗ Thị Ngọc Khánh - Phó khoa Bệnh Nhiệt đới Bệnh viện Chợ Rẫy cho hay, người em 18 tuổi nhập viện ngày 18/5 trong tình trạng bệnh nặng, sức cơ tứ chi 1/5, liệt cơ hoàn toàn, thở máy qua nội khí quản.
Bệnh viện đã điều trị tích cực, mở khí quản sớm, tăng cường kiểm soát nhiễm trùng, chống huyết khối, điều trị dinh dưỡng và các hỗ trợ khác. Tuy nhiên, sau gần 3 tuần điều trị, tình trạng liệt dây thần kinh cơ vẫn không cải thiện, sức cơ tứ chi vẫn 1/5, đang được kiểm soát tình trạng nhiễm trùng.
Trong khi đó, người anh 26 tuổi nhập viện trong tình trạng khá hơn người em, sức cơ tứ chi lúc đó từ 2/5 đến 3/5, tỉnh táo. Thế nhưng, sau thời gian điều trị, tình trạng liệt thần kinh cơ của bệnh nhân vẫn không diễn tiến khá hơn, sức cơ tứ chi vẫn như cũ từ 2/5 đến 3/5.
Người bệnh được mở khí quản sớm, ngăn ngừa chống huyết khối, chống nhiễm trùng. Hiện tại, sức cơ ở gót chi bệnh nhân là 2/5 và ở ngọn chi là 3/5 đến 4/5.
Người em đang được điều trị tích cực tại bệnh viện. Ảnh: VietNamNet
Theo VietNamNet, hai bệnh nhân nói trên nằm trong chùm ca bệnh người lớn ngộ độc botulinum tại TP.HCM vừa qua. Người bệnh có triệu chứng của rối loạn tiêu hóa, đau bụng, choáng váng sau một ngày ăn bánh mì kẹp chả lụa.
Sau đó, các dấu hiệu nặng hơn, xuất hiện nhìn đôi, đau cơ và bệnh nhân nhập viện ngày 15/5 với chẩn đoán ngộ độc botulinum. Khi đó, cả nước đều không còn thuốc giải đặc hiệu BAT.
6 lọ thuốc được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) viện trợ về đến TP.HCM vào tối ngày 24/5, trong đó Bệnh viện Chợ Rẫy tiếp nhận 2 lọ. Do đã quá thời gian dùng thuốc giải độc hiệu quả, hai người bệnh không có chỉ định truyền thuốc.
Tối cùng ngày, một bệnh nhân ngộ độc botulinum ở Bệnh viện Nhân dân Gia Định (TP.HCM) tử vong mà không kịp dùng thuốc giải.
Đinh Kim (T/h)