Tối ngày 25/5, PGS.TS Phạm Khánh Phong Lan -Trưởng Ban quản lý an toàn thực phẩm TP.HCM chia sẻ với Tri Thức Trực Tuyến về kết quả xét nghiệm chả lụa nghi gây ngộ độc cho 5 bệnh nhân ở TP.HCM. Theo đó, mẫu chả lụa này âm tính với độc tố botulinum.
Theo PGS.TS Phạm Khánh Phong Lan, hiện vẫn chưa thể xác định được nguồn nào gây ngộ độc botulinum cho các bệnh nhân này. Cụ thể, cơ quan chức năng xác định chủ lò bánh mì lấy chả lụa tại một cơ sở sản xuất giò lụa ở phường Trường Thọ (TP.Thủ Đức, TP.HCM).
Trước đó, Phòng Y tế TP Thủ Đức đã phối hợp cùng Công an phường Trường Thọ và UBND phường Trường Thọ tiến hành kiểm tra cơ sở này. Khi kiểm tra, cơ quan chức năng xác định cơ sở hoạt động không phép và yêu cầu dừng hoạt động. Đồng thời, lấy mẫu chả lụa từ cơ sở, mẫu thức ăn thừa của các bệnh nhân đưa đi xét nghiệm.
PGS.TS Phạm Khánh Phong Lan khuyến cáo người dân cần thực hiện kỹ "ăn chín uống sôi", lựa chọn thực phẩm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng để tránh ngộ độc botulinum.
Liên quan đến sự việc, báo Tuổi Trẻ thông tin, ngày 13/5, 3 người gồm hai anh em ruột (18 tuổi và 26 tuổi) ăn bánh mì kẹp chả lụa của người bán dạo và một người đàn ông 45 tuổi đã ăn một loại mắm để lâu ngày.
Sau khi ăn xong, đến ngày 14/5, cả ba đều có triệu chứng rối loạn tiêu hóa, mệt mỏi, đau đầu, choáng váng, tiêu chảy… Các bệnh nhân tiến triển nặng hơn dẫn đến yếu cơ, khó nuốt và được chẩn đoán ngộ độc botulinum.
Hiện tại, hai anh em ruột đang được điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy, còn người đàn ông 45 tuổi điều trị tại Bệnh viện Nhân dân Gia Định đã tử vong.
Một trường hợp ngộ độc botulinum đang được điều trị. Ảnh: Tuổi Trẻ
Cũng trong ngày 13/5, gia đình 4 người ở TP.Thủ Đức gồm một người dì và 3 anh em ruột là N.V.H. (14 tuổi), N.V.Đ. (13 tuổi) và N.T.X. (10 tuổi) mua chả lụa từ người bán dạo để ăn với bánh mì.
Đến ngày 14/5, cả 3 anh em được đưa vào Bệnh viện Nhi đồng 2 cấp cứu trong tình trạng mệt lả và được chẩn đoán ngộ độc botulinum.
Ba trẻ nhỏ kịp thời được truyền thuốc giải Botulinum Antitoxin Heptavalent (BAT) do Bệnh viện Chợ Rẫy điều chuyển vào ngày 16/5. Đây là số thuốc giải botulinum cuối cùng ở Việt Nam.
Ba bệnh nhân còn lại người lớn được điều trị tại Bệnh viện Nhân dân Gia Định và Bệnh viện Chợ Rẫy bằng thở máy.
Đêm ngày 24/5, 6 lọ thuốc BAT được gửi từ kho của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Thuỵ Sỹ đã về đến TP.HCM để dùng cho các bệnh nhân. Số thuốc này được phân về 3 bệnh viện: Bệnh viện Chợ Rẫy nhận 2 lọ; Nhân dân Gia Định nhận 1 lọ; Nhi đồng 2 nhận 3 lọ.
Tuy nhiên, nam bệnh nhân 45 tuổi được điều trị tại Bệnh viện Nhân dân Gia Định tử vong do bị biến chứng nặng và quá thời gian chỉ định dùng thuốc.
Trong khi đó, cả 2 trường hợp đang điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy đều không thể dùng thuốc giải độc, theo thông tin trên báo Tuổi Trẻ. Lý do là vì từ khi ngộ độc cho đến hôm nay là 10 ngày, quá muộn so với "thời gian vàng" chỉ định sử dụng thuốc giải độc.
Đinh Kim (T/h)