Thực hiện quy định áp giá trần bán lẻ, nhiều mặt hàng sữa đã giảm giá song có nhãn hàng chỉ giảm vài nghìn đồng/hộp. Các hãng sữa cũng lách luật, đối phó bằng cách thay mẫu mã, hoặc giảm giá nhưng cắt bỏ hết chương trình khuyến mãi, khiến người tiêu dùng vẫn chưa được hưởng lợi như mong đợi.
Giảm giá cho có
Ngày 28/6, đúng một tuần sau khi quy định áp giá trần bán lẻ sữa có hiệu lực, khảo sát tại các siêu thị, cửa hàng bán sữa, 25 sản phẩm sữa nằm trong danh sách áp giá trần của Bộ Tài chính giảm giá khá mạnh.
Như sản phẩm Similac GainPlus IQ với Intelli Pro loại 1,7kg của Abbott có giá mới 715.000 - 720.000 đồng, giảm 130.000 - 145.000 đồng/hộp; Friso Gold 3 loại 1,5kg của Friesland Campina 597.000 - 600.000 đồng/hộp, giảm khoảng 70.000 đồng/hộp...
Tuy nhiên, hầu hết các loại sữa nằm ngoài danh mục áp giá trần thì vẫn giữ nguyên giá bán lẻ, hoặc giảm không đáng kể. Như các sản phẩm Dutch Lady của FrieslandCampina mang tên Tò mò, Khám phá, Sáng tạo... được các siêu thị, cửa hàng giữ nguyên giá bán hoặc chỉ giảm vài nghìn đồng/hộp.
Cô Lan, chủ cửa hàng Diệu Linh trên phố Trần Cung (Hà Nội) cho hay, theo bảng giá bán buôn mà Công ty Friesland Campina giao cho đại lý, ngoài 5 sản phẩm Friso thuộc danh mục áp giá trần có mức giảm 31.000-78.000 đồng/hộp, thì hãng có giảm giá 38 sản phẩm nhưng mức giảm cao nhất chưa đến 5.000 đồng/hộp và thấp nhất là... 800 đồng/hộp.
Tương tự, Vinamilk cũng chỉ giảm giá bán buôn vài nghìn đồng/hộp sữa, như Optimum giảm khoảng 5.000 đồng/hộp. “Hầu hết các hãng chỉ giảm giá nhiều với những sản phẩm nằm trong danh mục áp giá trần. Những sản phẩm còn lại giảm giá cho có để đối phó với cơ quan chức năng, nên đại lý cũng không thể giảm giá bán lẻ những mặt hàng sữa này được”, cô Lan phân trần.
Vì sữa giảm giá không đồng đều, nên dẫn đến hiện tượng bất hợp lý về giá. Như Nutifood - dòng sản phẩm được coi là bình dân, một hộp sữa Nuti IQ loại 900gr số 3 có giá 260.000 đồng, trong khi một hộp sữa Abbott Grow số 3 loại 900gr của Abbott - thương hiệu nổi tiếng hơn được bán với giá 265.000 - 267.000 đồng/hộp.
Hay theo thông lệ, cùng một dòng sản phẩm, thì sữa dành cho trẻ lớn sẽ luôn rẻ hơn sữa dành cho trẻ nhỏ. Thế nhưng, cùng là sản phẩm của Abbott, một hộp Grow thường số 4 loại 900gr giá 300.000 - 310.000 đồng/hộp, nhưng Grow thường số 3 nhờ nằm trong danh mục áp giá trần chỉ còn từ 265.000 - 270.000 đồng/hộp...
Từ khi áp giá trần, các hãng sữa cắt hết ưu đãi cho đại lý và khuyến mãi cho khách hàng nên thực chất người mua không được hưởng lợi. |
Thay vỏ hộp, cắt khuyến mãi
Những ngày này, rất dễ nhận ra một số sản phẩm sữa quen thuộc đối với người tiêu dùng trở nên hiếm hoi trên thị trường, điển hình là các dòng sản phẩm Grow của Abbott và Enfamil của Mead Johnson.
Ngày 28/6, tại siêu thị Metro Thăng Long vẫn chưa có sản phẩm Grow số 3 loại 900gr, Grow G-Power vanilla loại 900gr. Nhân viên siêu thị cũng không thể trả lời vì sao mặt hàng này hết sạch từ một tuần qua. Trong khi đó, mặt hàng sữa Pediasure của Abbott loại hộp 900gr đã được thay bằng loại hộp mới có trọng lượng 850gr, giá bán lẻ là 565.000 đồng/hộp, chỉ thấp hơn loại hộp 900gr trước đây 5.000 đồng.
Tại đại lý sữa Nghi Nga trên đường Tây Sơn (Hà Nội), nhân viên bán hàng cho biết, các sản phẩm sữa Enfamil A+ 1, 2 “tạm hết hàng” và nhanh chóng giới thiệu dòng sản phẩm mới Enfamil A+ 3600 Brain Plus, Enfa Grow A+ 3600 Brain Plus với giá bán lẻ cao hơn loại cũ 80.000 - 100.000 đồng/hộp.
Từ khi áp giá trần sữa, các chủ đại lý sữa đều than thở về việc các hãng sữa cắt hết các chương trình ưu đãi dành cho đại lý và khuyến mãi cho khách hàng. Do nay chỉ còn trông vào khoản lợi nhuận từ việc bán sản phẩm, nên dù hãng có giảm giá bán, đại lý cũng khó giảm theo. Và khi các chương trình khuyến mãi từ hãng sữa bị cắt giảm thì dù sữa có giảm giá, người tiêu dùng cũng không thực lợi.
Cô Lan ví dụ, hồi tháng 5, Abbott áp dụng chương trình khuyến mãi cho khách mua 3 hộp sữa Grow số 3 loại 900gr được thưởng một bộ bowling 10 trái trị giá 110.000 đồng. Nhưng từ khi áp giá trần, loại sữa này giảm hơn 30.000 đồng/hộp thì chương trình khuyến mãi bị cắt luôn, tức được mua sữa rẻ hơn khoảng 90.000 đồng tiền mặt, thì người tiêu dùng thiệt món đồ chơi trị giá 110.000 đồng.
Bộ Tài chính cho biết, theo báo cáo của các địa phương, đến ngày 26/6 chưa phát hiện được cửa hàng sữa nào bán vượt giá trần cho phép. Tuy nhiên, Cục Quản lý giá vẫn yêu cầu Sở Tài chính các địa phương thường xuyên cập nhật thông tin, rà soát, kiểm tra, giám sát việc xác định giá bán lẻ tối đa và đăng ký giá bán lẻ sữa đến người tiêu dùng. |