Ngày đầu tiên (11/6) áp giá trần sữa bán buôn có hiệu lực, bốn doanh nghiệp sữa lớn nhất thị trường đã đăng ký thêm 121 mặt hàng với mức giá giảm từ 15.000-70.000 đồng/hộp, phần lớn bằng giá trần.
Bộ Tài chính cho biết, Công ty Friesland Campina sở hữu nhãn hiệu Cô gái Hà Lan và Frisolac đăng ký 47 mặt hàng sữa, Mead Johnson Nutrition với các dòng sữa nhãn hiệu Enfagrow và Enfamil đăng ký 34 mặt hàng, Nestle sở hữu sữa Nan và Lactogen đăng ký 18 mặt hàng và Công ty Dinh dưỡng 3A, phân phối sữa Abbott với nhãn hiệu Abbott và Similac đăng ký 42 sản phẩm.
Như vậy, riêng đối với 4 công ty này, ngoài 20 mặt hàng cụ thể đã được Bộ Tài chính liệt kê áp trần, nay đã có thêm 121 sản phẩm sữa được áp trần giá theo tính toán của các công ty đăng ký với Bộ Tài chính.
Trường hợp công ty sữa thứ 5 nằm trong danh mục 5 công ty bị "điểm danh" làm chuẩn giá trần là Công ty Vinamilk thực hiện đăng ký giá tại Sở Tài chính TP.HCM.
Nhìn chung, các mức giá trần do các công ty tự xác định đều thấp hơn so với trước trong khoảng từ 30.000 đồng đến 70.000 đồng/hộp.
Trong đó, riêng Công ty Mead Johnson Nutrition có 29 mặt hàng sữa bao gồm cả các sản phẩm mới có mức giá đăng ký thấp hơn giá trần xác định từ vài đồng đến vài chục đồng.
Một số sản phẩm mới có mức chênh lệch hơn 100 đồng/hộp. Ví dụ như sữa Enfagrow A+3 360° Brain Plus có giá là 699.435 đồng/hộp 1.800g, thấp hơn hơn 19.000 đồng/hộp so với mức giá trần.
Sữa Enfamil A+Gentle Care 360° Brain Plus có giá đăng ký là 248.325 đồng/hộp, thấp hơn giá trần xác định 175 đồng/hộp. Sữa Enfamil A+ Lactosefree 360° Brain Plus có giá bán buôn đăng ký là 212.146 đồng/hộp, thấp hơn 154 đồng/hộp so với giá trần.
Sữa Nutramigen hộp 400g có giá đăng ký là 257.323 đồng/hộp, thấp hơn tới 177 đồng/hộp so với giá trần.
Sở dĩ có sự chênh lệch này là do Mead Johnson Nutrition đã triển khai giá bán buôn trong hệ thống đại lý từ trước khi được chấp thuận giá trần.
Ba công ty sữa còn lại đều đăng ký giá bán buôn bằng mức giá trần được Bộ Tài chính chấp thuận.
Chẳng hạn, sữa Dutch Baby Gold Step1 loại 900g của Friesland Campina có giá bán buôn tối đa là 265.400 đồng/hộp, thấp hơn 76.600 đồng/hộp so với giá cũ. Cũng dòng sản phẩm này, loại hộp 400g có giá 134.800 đồng/hộp, thấp hơn 36.200 đồng/hộp so với giá cũ 171.000 đồng/hộp.
Các dòng phổ biến khác như sữa Dutch Lady 123 Gold hộp 900 g có giá 229.800 đồng, thấp hơn 62.200 đồng/hộp. Sữa Dutch Lady 456 Gold hộp 900g có giá trần 215.300 đồng/hộp, thấp hơn 56.533 đồng/hộp.
Các sản phẩm sữa của Công ty Nestle có mức giảm khiêm tốn hơn, dưới 40.000 đồng/hộp.
Theo quy định tới ngày 21/6 giá sữa bán lẻ sẽ giảm nhưng nhiều DN đã nhanh chân giảm trước để tranh thủ mở rộng thị phần. |
Ví dụ, sữa Nan Al 110 DS082-4 hộp 400g Việt Nam có giá bán buôn mới là 162.041 đồng/hộp, chỉ thấp hơn 14.686 đồng/hộp, hay sữa Nan Pelargon BL NWKB003 hộp 400g N5 VN có giá mới là 189.488 đồng/hộp, thấp hơn 30.239 đồng/hộp. Sữa AALACTOGEN 1 Gold NWB050 loại 400g VN có giá mới là 140.452 đồng/hộp, hạ chỉ 12.729 đồng/hộp.
Tuy nhiên, phải chờ thêm 10 ngày nữa, ngày 21/6, việc áp dụng giá trần bán lẻ cho người tiêu dùng mới bắt đầu được thực hiện.
Bộ Tài chính cho biết, các mức giá trần bán lẻ sẽ chỉ được phép tăng không quá 15\% so với giá trần bán buôn trên. Đồng thời, các mức giá mới này cũng phải đảm bảo không vượt quá mức giá bán lẻ hiện nay trên thị trường.
Mới đây, chỉ có sữa Abbott có thông báo hạ giá bán lẻ sớm từ hôm 28/5. Theo đó, giá sữa bán lẻ Similac Gain Plus IQ hộp 900 g có giá 425.000 đồng/hộp, chỉ cao hơn 4\% so với giá trần bán buôn. Giá sữa Grow G Power 900g có giá bán lẻ 378.000 đồng/hộp, sữa Abbott Grow 3 900g có giá 271.000 đồng/hộp, đều chỉ chênh 5\% so với giá trần bán buôn.
Bộ Tài chính cho rằng, đây là động thái tích cực để chiếm lĩnh thị phần của hãng sữa. Mặc dù còn 10 ngày nữa mới tới hạn chót, song Bộ khuyến khích các doanh nghiệp nên giảm giá bán lẻ sớm hơn thời hạn cho người tiêu dùng. Điều này thể hiện trách nhiệm của các doanh nghiệp chia sẻ với người tiêu dùng và bảo vệ quyền lợi cho hàng triệu trẻ em Việt Nam.
Cũng theo quy định, việc đăng ký giá bán lẻ tới các Sở Tài chính sẽ chỉ áp dụng đối với các tổng đại lý, đại lý bán buôn sữa. Nếu các đại lý bán buôn sữa có chính sách phân phối hàng về các điểm nhỏ lẻ theo hình thức chiết khấu thì các đơn vị này có trách nhiệm đăng ký giá tới Sở Tài chính, các điểm bán hàng lẻ chỉ phải thực hiện niêm yết giá và bán đúng giá niêm yết.
Tuy nhiên, nếu các cửa hàng lẻ mua đứt bán đoạn thì sẽ bắt buộc phải đăng ký giá tới Sở Tài chính.