(ĐSPL)- Chỉ trong một thời gian ngắn trong làng có đến 5 người chết. Trong đó có 1 người chết không rõ nguyên nhân, còn 4 người còn lại đang khỏe mạnh tự nhiên bệnh tật rồi treo cổ tự tử.
Những cái chết bất ngờ khiến tất cả 16 hộ dân ở trong tổ dân cư số 2 thôn Bút Tưa (xã Sông Kôn, huyện Đông Giang, tỉnh Quảng Nam) tự ý đập phá nhà cửa của mình về ở nhờ trong nhà người thân. Dù được chính quyền nhiều lần vận động thế nhưng họ thà ở trong chuồng bò nhà anh em, chứ không chịu quay lại nhà cũ vì cho rằng làng cũ có ma.
Anh A Lăng Cam, người thôn Bút Sơn chỉ cho chúng tôi những ngôi nhà mà anh giúp gia chủ tháo dỡ. |
Những người “thi gan” với nỗi sợ mơ hồ
Sáng 15/2, sau khi vượt qua hành trình hàng trăm km từ Đà Nẵng, PV báo Đời sống và Pháp luật đã có mặt tại thôn Bút Tưa . Gặp PV, anh A Lăng Điều, Trưởng thôn Bút Tưa đã tình nguyện dẫn PV đến ngọn đồi heo hút, nằm cheo leo trên dãy Trường Sơn, nơi trước đây được gần hai mươi hộ dân với gần 100 nhân khẩu tổ dân cư số 2, thôn Bút Tưa chọn làm nơi sinh sống. PV bàng hoàng khi phải chứng kiến những ngôi nhà xây kiên cố đang bị đập phá tan hoang, nền nhà ngổn ngang gạch ngói và những thứ bị người dân bỏ lại. Mọi thứ xung quanh PV lạnh tanh chẳng một bóng người khiến cảm giác thật rờn rợn, da gà nổi lên hàng loạt.
Anh A Lăng Điều cho biết: "Vào năm 2005, thay vì đưa trực tiếp tiền đền bù đất nông nghiệp, hoa màu trên đất cho bà con đồng bào Cơ Tu sinh sống ở thôn Bút Tưa thì Ban quản lý dự án Thủy điện Sông Côn 2 quyết định xây nhà tái định cư cho 19 hộ dân còn khó khăn về nhà ở, ở một ngọn đồi nằm cạnh ngay con đường dẫn vào Thủy điện Sông Côn 2, cách chỗ ở cũ chưa đầy 500m. Ngay sau đó không lâu, 19 hộ hân hoan làm lễ mừng nhà mới, chia tay cha mẹ, anh em để đến sinh sống ở những ngôi nhà mới trị giá hàng trăm triệu đồng, được bê tông hóa đến tận hiên nhà.
Tuy nhiên, kể từ khi mọi người chuyển về nhà mới sinh sống, mà sau này được đặt là tổ dân cư số 2, thôn Bút Tưa trên mảnh đất mà họ vừa bỏ đi khi chỉ trong thời gian ngắn có đến 5 người chết. Vào năm 2005, chồng của chị A Lăng Thị Cứu (SN 1970) chết không rõ nguyên nhân. Từ đó đến nay, trong thôn còn có 4 người đàn ông treo cổ tự tử chết. Trước đây, mỗi lần trong thôn Bút Tưa có người tự tử, nhờ sự kịp thời của chính quyền địa phương nên những người dân ở đây đều đồng ý ở lại sinh sống trong làng cũ.
Thế nhưng lần này, tất cả 16 hộ dân đã quyết định đập phá nhà cửa của mình, mang theo tất cả đồ đạc của gia đình về nơi ở nhờ trong các nhà người quen, anh em của mình chứ nhất định không chịu quay lại nhà cũ. Chỉ còn ba hộ dân "bình tĩnh" ở lại nhờ lập trường vững vàng cũng như "may mắn" khi những căn nhà của họ nằm tách biệt với nơi sinh sống của 16 hộ dân trên. Khi chỉ trong vòng hơn một tháng trong thôn có hai người treo cổ tự tử. Gần đây nhất là ngày 3/2/2014, A Lăng Nghĩa (SN 1982) treo cổ tự tử trên xà nhà. Trước đó, vào cuối tháng 12/2013, A Lăng Tròn (SN 1977) treo cổ tự tử. Sự việc diễn ra quá nhanh khiến chính quyền địa phương không kịp trở tay, chỉ còn biết lắc đầu ngao ngắn tiếc rẻ những ngôi nhà hàng trăm triệu đồng bị phá bỏ.
Tìm về tổ dân cư số 1 (thôn Bút Tưa), nơi 16 hộ dân đang sinh sống trong nhà người quen, anh em. Dọc con đường vào thôn, ngổn ngang những xà cột, tôn lợp mà người dân vừa tháo dỡ, nay chất đống chờ dựng nhà mới. Nhiều căn nhà nay là nơi sinh sống cũng như để đồ dùng sinh hoạt của ba, bốn thậm chí là năm hộ gia đình. Thậm chí hộ chị A Lăng Thị Liếc do nhà em trai không còn chỗ ở trong nhà nên phải chui rúc trong chiếc chuồng bò trước nay bỏ hoang. Thậm chí năm hộ gia đình không có nhà ở phải dựng tạm lều trên bãi bồi của thôn Bút Tưa ở tạm. Tất cả họ đều nhất định không chịu quay lại những căn nhà cũ trị giá cả trăm triệu đồng vì... sợ ma.
Họ bảo trước khi chuyển về làng mới không có chuyện gì xảy ra. Thế nhưng, từ khi họ chuyển về làng mới thì trong làng có 16 hộ dân thì có đến 5 người tự tử, không sợ sao được. Nhất là đối với A Lăng Tròn, A Lăng Nghĩa trước khi chuyển về nhà mới họ đều là những thanh niên khỏe mạnh. Sau khi chuyển về nhà mới, họ đều mắc bệnh thần kinh. A Lăng Nghĩa trước khi treo cổ tự vẫn còn nhiều lần dùng dao truy đuổi mẹ ruột nhưng bà đều may mắn thoát được, không tự chủ được hành vi bản thân. Thậm chí, hàng xóm của anh Nghĩa còn cho biết thay vì ngủ dưới giường như người bình thường thì anh thường treo mình lên xà nhà mỗi khi đi ngủ.
Giải mã những câu chuyện rùng rợn
Sau cái chết của A Lăng Tròn, rồi A Lăng Nghĩa, rất nhiều đồng bào Cơ Tu sinh sống trong tổ dân cư số 2 luôn tỏ ra lo lắng, sợ sệt. Để củng cố niềm tin của mình, họ đã đi xem rất nhiều thầy cúng uy tín ở trong vùng, tất cả các thầy cúng đều nói rằng mảnh đất mà họ đang sinh sống có ma ám, không ở được nữa, phải chuyển đi nơi khác ở mới có thế yên ổn làm ăn được. Chính vì vậy, sau khi ăn xong Tết Nguyên đán, tất cả những ngôi nhà đồng loạt được họ nhờ bạn bè anh em ở các thôn xung quanh đến tháo dỡ chứ không dám tự mình phá bỏ vì sợ ma ám.
Tìm về tổ dân cư số 1, thôn Bút Tưa nơi 16 hộ dân đang ở nhờ trong nhà người thân anh em, PV gặp chị A Lăng Thị Liếc đang sắp xếp lại đống bát đĩa mà chị vừa chuyển từ nhà cũ về. Khi PV hỏi chị đã gặp ma ở nhà cũ bao giờ chưa thì chị luôn tỏ ra sợ sệt, chỉ đến khi mẹ chồng chị đứng bên cạnh trấn an, thì chị nói chưa gặp. Thế nhưng khi ở trong nhà cũ thì chồng con chị luôn bất an, nhiều đêm thức trắng không ngủ được. Kể từ khi chuyển về ở nhờ nhà em chồng dù phải ở tạm trong chuồng bò thế nhưng chồng và các con tôi có thể ngủ ngon yên tâm làm ăn.
Rất nhiều người khi PV hỏi thăm có biết vì sao làng cũ có ma ám thì họ đều lảng tránh câu hỏi bằng những cuộc trò chuyện bằng thứ ngôn ngữ riêng của đồng bào Cơ Tu. Phải rất vất vả lắm PV mới trò chuyện được với A Lăng Đan, già làng thôn Bút Tưa, người đang nắm "quyển sử làng" của mảnh đất này. Lý giải về lịch sử mảnh đất mà được ban quản lý Dự án thủy điện Sông Côn 2 dùng để dựng nhà cho 16 hộ dân ở tổ dân cư số 2, thôn Bút Tưa, già làng A Lăng Đan cho biết: "Lúc ông còn bé, mảnh đất này từng diễn ra cuộc giao tranh giữa thanh niên làng Bút Tưa cùng với trai làng bên khiến nhiều người chết".
"Lúc đó do điều kiện còn nhiều khó khăn khi chiến tranh xảy ra liên miên, dân làng phải chạy giặc thường xuyên nên không có điều kiện chôn cất những người chết cho tử tế, cũng như làm lễ thờ cúng đàng hoàng. Mà theo phong tục thờ cúng tổ tiên, tâm linh của người Cơ Tu thì những người chết không được dân làng thờ cúng đàng hoàng sẽ về ám, trừng phạt những người đang sinh sống trên mảnh đất mà họ chết trước đây. Trong phong tục của đồng bào Cơ Tu thì những mảnh đất có người chết do đánh nhau được coi là những mảnh đất xấu, đất không sạch. Khi chọn nơi để dựng nhà thì cũng không chọn những mảnh đất như vậy", già làng A Lăng Đan giải thích.
Sớm ổn định đời sống của nhân dân Chiều 15/2, trao đổi với PV, ông Bh'ríu Sơn, Chủ tịch UBND xã Sông Kôn cho biết: "Trong chiều nay, chính quyền xã phối hợp với chính quyền các cấp họp toàn bộ 16 hộ dân đã tự ý đập phá nhà cửa, để nghe nguyện vọng của mọi người, từ đó nhanh chóng tìm nơi để bà con dựng nhà, bố trí lại đất sản xuất để mọi người sớm ổn định trở lại". |
NGUYỄN CƯỜNG
Xem thêm Clip đánh cược mạng sống trên những cây cầu treo "tử thần":