(ĐSPL) - Trong một chuyến công tác, chúng tôi được nghe một câu chuyện kỳ dị mang đầy sự ma mị giữa vùng Hưng Hà của quê lúa Thái Bình. Lời nguyền này độc địa tới mức có người từ chối làm “quan to” của một tỉnh nọ thời trước bởi vì xuất thân từ làng Chuộn xưa (nay là thôn Vĩnh Truyền, xã Văn Lang, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình). Lời nguyền do một cụ tú xưa để lại cho dân làng Chuộn rằng hễ ai làm quan to đều phải chịu cái chết “bất đắc kỳ tử”...
Giai thoại từ những lời nguyền xuyên qua hai thế kỷ
Tương truyền, làng Chuộn xưa kia là một vùng đất hội tụ cả tứ linh: Long - Ly - Quy - Phụng phục chầu, là vùng đất sản sinh ra nhiều nhân tài cho đất nước. Thế nhưng, một số cụ lý giải rằng, long mạch của làng xưa kia bị động khiến cho con đường công danh của con cháu trong làng Chuộn lần lượt gặp trắc trở mà thậm chí những ai đã đỗ đạt thành danh làm quan to đều gặp những trúc trắc khó hiểu.
Câu chuyện thực thực, hư hư còn chưa rõ thế nào thế nhưng trong câu chuyện của ông Vũ Văn Nhuế, một cao niên trong làng Chuộn, chuyên nghề thầy cúng cho biết, câu chuyện về làng Chuộn được thêu dệt mang tính liêu trai chí dị khi xưa kia.
Không biết từ khi nào, nhưng theo các cụ kể lại thì cách đây hai thế kỷ, khi đó dân làng Chuộn nghèo đói lắm. Cả làng hầu như chẳng có cái ăn, cuộc sống vất vả vô cùng chẳng ai nghĩ tới việc học hành khoa bảng, tất cả trong đầu mọi người chỉ mong kiếm được bữa cơm no.
|
Con đường vào làng Chuộn, xưa kia nơi đây được cho rằng kiệu của quan bảng Đinh Khắc Tú Bật dừng lại!? |
Tuy nhiên, trong cơn đói của cả làng, có một chàng trai tên là Đinh Khắc Tú Bật, sinh ra trong một gia đình có truyền thống hiếu học của dòng họ Đinh, một trong những dòng họ đầu tiên đến lập nghiệp ở làng Chuộn vẫn kiên trì việc đèn sách.
Vốn là con người thông minh sáng dạ, lại kiên trì việc đèn sách, bút nghiên, Tú Bật đã lên kinh ứng thí và đậu bảng vàng, được vua ban võng kiệu để vinh quy bái tổ. Theo lệ thường của các làng phong kiến xưa kia, mỗi khi có người đỗ đạt cao khi trở về làng đều được dân làng trọng thị đón tiếp, nghênh đón từ huyện về.
Thế nhưng thuở ấy, làng Chuộn lại gặp đói kém, dân làng ly tán kiếm ăn, những người ở lại làng chủ yếu là bà già, con trẻ kém hiểu biết lễ nghi, cả làng cũng nghĩ lúc đói kém như vậy ai còn tâm trí mà học hành nên khi kiệu của quan trạng Tú Bật về làng chẳng có ai đón tiếp. Khi về đến ngã ba Giá đầu làng, không thấy dân làng Chuộn nghênh đón quan trạng, quan trạng Tú Bật lúc bấy giờ lấy làm giận dữ.
Ngay lập tức, kiệu quan trạng hạ xuống và rút trong túi áo lụa ra một con dao nhọn rồi ném thẳng xuống giếng làng, miệng không ngừng quát lớn: "Nay ta đỗ quan mà về dân làng Chuộn không nghênh đón, phải chi khinh ta quá nghèo, từng là dân đen. Nếu vậy, làng Chuộn quả thật là quá bạc tình. Xin thề với trời đất, từ nay không còn về làng Chuộn nữa. Nếu về đất này thì chết một đời cha, bảy ba đời con".
Sau khi ném dao xuống giếng làng, người làng Chuộn từ đó không con nhìn thấy quan trạng Tú Bật về lại làng nữa. Nếu chỉ như vậy, có lẽ câu nói của quan trạng Tú Bật chỉ như một câu nói nóng giận tức thời. Tuy nhiên, khi những cái chết của những người làng Chuộn khi có chút chức sắc người ta lại vin vào câu nói của quan trạng Tú Bật khi xưa. Câu chuyện truyền tai nhau qua hàng thế kỷ nên đã phát sinh rất nhiều dị bản.
Hết đời này sang đời khác, mỗi một thế hệ lại thêm thắt những điều dị bản khác nhau mang nặng tâm linh khiến nhiều người phải nổi gai ốc, khiếp sợ mỗi khi nhắc đến. Cũng có dị bản khác cho rằng cụ Tú Bật lúc đó không ném dao xuống giếng làng mà ném nghiên bút.
Những cái chết “bất thình lình”- chỉ là trùng hợp ngẫu nhiên
Trải qua hai thế kỷ với lời nguyền độc địa ấy, người dân làng Chuộn dần dần hình thành trong tâm trí mình về câu chuyện lời nguyền của làng đi khắp nơi trên cả nước. Theo thời gian, có lẽ lời nguyền độc địa kia cũng dần dần bị lãng quên. Thế những gần đây, những cái chết của các vị lãnh đạo bất ngờ liên tiếp xảy ra đã khiến mọi người phải giật mình sực nhớ ra có liên quan đến lời nguyền thề của cụ Tú Bật.
Trường hợp hy hữu mà cũng là trùng hợp nhất đó là trường hợp của ông Đinh Văn Cừ. ông Cừ ngày đó được bổ nhiệm chức Chủ tịch UBND xã Văn Lang, thế nhưng khi vừa mới giữ cương vị không bao lâu đã ra đi đột ngột.
|
Anh Đinh Quốc Oai - Bí thư chi bộ thôn Vĩnh Truyền. |
Người ta kể về cái chết của ông Cừ cũng hết sức ma mị, một ngày tháng 6, khi trời nắng như đổ lửa, giữa 12h trưa, ông qua ao đình thấy lũ trẻ trong làng tắm ông cũng xuống tắm cùng. Sau đó, 0h đêm hôm đó ông Cừ bị cảm, khi gia đình đưa ông đến viện cũng là lúc bệnh tình của ông đã vô phương cứu chữa. Cái chết của ông Cừ được dân làng đồn rằng, vì ông làm lãnh đạo nên phạm vào lời nguyền truyền kiếp(?). Tuy nhiên, sự thực là đêm đó ông Cừ bị cảm và khi đến bệnh viện một ngày sau ông mới ra đi, nguyên nhân đã được các bác sỹ thông báo cho người nhà biết.
Cũng theo lời ông Nhuế, nhiều cái chết của những người trong làng trùng hợp đến khó tin với lời nguyền của cụ Tú Bật khi xưa. Nhiều cái chết trẻ của các vị trong làng cứ nối tiếp nhau, những người đó đều có chức tước, danh vọng. Nhiều người thậm chí chưa kịp nhậm chức đã chết một cách đầy bí ẩn dù trước kia đều khoẻ mạnh.
Cũng liên quan đến lời nguyền, câu chuyện về vị Phó tổng giám đốc chết ngay sau khi đang đợi nhận chức Tổng giám đốc cũng là một người dân làng Chuộn này khiến nhiều người bán tín bán nghi.
Vị Phó tổng giám đốc đó là ông Tr. sinh ra và lớn lên tại quê hương làng Chuộn. Vì được bố mẹ lo cho ăn học vẹn toàn nên khi trưởng thành, ông sớm đỗ đạt, thoát ly đi làm ăn kinh tế và được giữ cương vị Phó tổng giám đốc của một công ty đóng tàu lớn ở Hải Phòng. Con đường công danh của ông Tr. ngày càng thăng tiến hơn thì ít tháng sau, khi đang chờ quyết định bổ nhiệm làm Tổng giám đốc, ông lại đột ngột ngã bệnh và ra đi rất nhanh.
Câu chuyện của làng Chuộn xưa kia không biết bao nhiêu phần là thực bao nhiêu phần là hư. Tuy nhiên, khi chúng tôi gặp gỡ và trao đổi với nhiều người dân trong thôn Vĩnh Truyền ngày nay, rất nhiều người thuộc thế hệ trẻ đều không biết về lời nguyền của cụ Tú Bật khi xưa và hơn thế, họ cũng cho biết họ không quan tâm lắm đến lời đồn thổi này.
Anh Đinh Quốc Oai, Bí thư chi bộ thôn Vĩnh Truyền cho biết, không biết là câu chuyện cụ Nhuế kể có đúng hay không, tuy nhiên dân làng Vĩnh Truyền hiện nay hầu như không tin vào câu chuyện của làng Chuộn xưa.
"Những năm gần đây, người thôn Vĩnh Truyền chưa có nhiều người đỗ đạt, giữ những vị trí cao, tuy nhiên trước kia cũng có nhiều người có giữ vị trí cao nhưng chưa thấy có ai bị chết "bất đắc kỳ tử" cả. Nếu như câu chuyện cụ Tú Bật ở làng này nói trong lúc nóng giận mà quy thành lời nguyền thì cũng hết sức vô lý, không có căn cứ", ông Oai nói.