Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Sự thật bất ngờ về quả nhân sâm ngàn năm trong Tây Du Ký

  • Mộc Miên
(DS&PL) -

Trương Liệt Quân đã dùng dao khắc củ đậu thành hình em bé trong tư thế ngồi, sau đó phủ lớp màu thực phẩm bên ngoài một cách khéo léo.

Trong nguyên tác "Tây Du Ký", Ngũ Trang Quán của Trấn Nguyên Đại Tiên có một cây tiên quý, được sinh ra từ khi càn khôn còn hỗn độn, trời đất chưa phân. Quả mọc trên loại cây này rất thần kỳ và có hình dáng giống con người, được đặt tên là “Vạn Thọ thảo hoàn đơn” hay “Nhân sâm quả”.

Cây nhân sâm trong Tây Du Ký.

Linh căn của trời đất được cho là đều ở trên cây nhân sâm này. Quả Nhân Sâm này có thể nói còn mạnh hơn Bàn Đào của Thái hậu. Trong nguyên tác, cây nhân sâm trên 3.000 năm mới ra hoa, 3.000 năm sau nữa mới kết quả, muốn quả chín ăn được lại phải đợi thêm 3.000 năm nữa. Tính ra phải một vạn (10.000) năm mới được ăn. Và trong một vạn năm ấy chỉ kết được ba mươi quả. Người nào có phúc được ngửi quả đó một lần thì sẽ sống thọ 360 tuổi, ăn được một quả thì sẽ sống mãi 47.000 năm.

Khi bốn thầy trò bước vào Ngũ Trang quán, hai tiểu đồng của Trấn Nguyên Tử đã mang hai trái nhân sâm tới mời Đường Tăng. Tuy nhiên, vì loại quả này trông tựa đứa trẻ mới sinh nên Đường Tăng nhất mực khước từ.

Hai tiểu đồng không còn cách nào khác đành quay về phòng và chia nhau mỗi người một quả. Bí mật này chẳng may lọt vào tai Trư Bát Giới, động tới bản tính háu ăn của “lão Trư”.

Theo đó, Bát Giới bèn xúi giục Ngộ Không hái trộm nhân sâm cho biết mùi biết vị. Sau khi phát hiện, hai tiểu đồng của Trấn Nguyên Tử đã buông lời nhục mạ cả bốn thầy trò, từ đó mà dẫn đến sự việc đáng tiếc: Tôn Ngộ Không đại náo Ngũ Trang quán, đạp đổ cây nhân sâm.

Tôn Ngộ Không đánh đổ cây nhân sâm

Lúc quay phân đoạn này (thuộc tác phẩm Tây Du Ký bản truyền hình), vì là cây nhân sâm trong nguyên tác là giống cây không có thực, do đó nữ đạo diễn Dương Khiết đã phải lao công khổ tứ tìm cho ra bằng được "cây nhân sâm" và tạo ra những trái cây hình em bé.

Không lâu sau cũng có tin từ Mã Vận Hồng báo về cho biết đã tìm thấy "cây nhân sâm", đó chính là cây ngân hành của nhân vật lịch sử Trương Tòng đời Hán cho trồng với tuổi đời hơn 1.700 năm, chiều cao 6,3m. Cây nằm ngay trong công viên văn hóa Thành Đô, tỉnh Tứ Xuyên. Bất ngờ hơn là địa điểm đó lại cũng là phần đất có khu mộ phần của cha đẻ đạo diễn Dương Khiết.

Về những quả nhân sâm trong nguyên tác, hình thù đã được Dương Khiết đã cho mời nghệ sĩ mỹ thuật Trương Liệt Quân từ Kịch viện Nghệ thuật Nhân dân Tứ Xuyên tới giúp sức và tạo ra số lượng lớn quả nhân sâm như yêu cầu của nữ đạo diễn. Sau khi bàn bạc kỹ lưỡng, họ quyết định sử dụng củ đậu của vùng Tứ Xuyên để tạo nên những quả nhân sâm huyền thoại.

Củ đậu được sử dụng để tạc thành quả nhân sâm trong Tây Du Ký.

Trương Liệt Quân dùng dao khắc củ đậu thành hình em bé trong tư thế ngồi, sau đó phủ lớp màu thực phẩm bên ngoài một cách khéo léo sao cho giống trái cây nhất có thể.

Chỉ trong vòng một thời gian ngắn, vị chuyên gia mỹ thuật này đã tạo ra hàng trăm quả nhân sâm như mong muốn của đạo diễn Dương Khiết. Khi xem Tây du ký, nếu tinh mắt, khán giả sẽ thấy lúc Tôn Ngộ Không cắn một miếng từ quả nhân sâm, lòng bàn tay của nhân vật bị dính một ít phẩm màu.

Tin nổi bật