Nhiều thầy cô giáo đã tìm tòi, sáng tạo những phương pháp giảng dạy, truyền cảm hứng bất tận cho học trò thân yêu.
Theo Dân sinh, năm 1987, tốt nghiệp sư phạm Văn trường Đại học Sư phạm Hà Nội 1, cô Nguyễn Thị Toán trở về quê lúa Thái Bình công tác. 5 năm sau, cô theo gia đình vào Tây Nguyên lập nghiệp rồi được phân công về dạy trường THPT Ngô Gia Tự huyện Ea Kar, tỉnh Đắk Lắk.
Công tác ở vùng đất mới muôn vàn khó khăn, thiếu thốn, cô Toán vẫn vui vẻ, quyết dành trọn thanh xuân của mình với học trò vùng sâu.
Cô Toán nhớ lại: "Thời ấy, đường sá đi lại ở Tây nguyên vô cùng khó khăn. Trừ trục đường quốc lộ ra thì hầu hết đều là những con đường đất đỏ, mùa khô bụi mù, mùa mưa bùn nhão nhoẹt, trơn trượt... Học sinh nhà xa phải dậy từ 4 giờ sáng đi bộ cả chục cây số đến trường, rồi lại thui thủi trở về trong đêm tối. Có em vì hoàn cảnh, gia đình bắt phải nghỉ học nhưng vẫn tìm mọi cách để đến lớp".
Chứng kiến những câu chuyện cảm động như vậy, cô Toán luôn trăn trở tìm mọi cách để níu chân học trò. Điều kiện vật chất không có nhưng tình yêu thương, sự sẻ chia thì cô Toán luôn sẵn có.
Cô Nguyễn Thị Toán (áo tím) bên học trò. Ảnh: Dân sinh |
Những giờ lên lớp không còn là tiết học đơn thuần mà còn là nơi cô trò sẻ chia, tâm tình vui buồn trong cuộc sống. Cô Toán biết cách biến những bài văn, trang thơ trong giấy thành một câu chuyện đầy sinh động hấp dẫn, thu hút học trò.
Gần nửa cuộc đời đứng trên bục giảng với biết bao đổi thay trong cuộc sống, cô Toán luôn dõi theo hành trình trưởng thành của các thế hệ học trò như những đứa con bé bỏng. Ai hỏi về học trò, cô Toán đều đọc tên, kể rõ tính cách, hoàn cảnh của từng người một và luôn tự hào về học sinh của mình.
Còn theo báo Đắk Lắk, cô giáo Nguyễn Thị Tăng - giáo viên môn Ngữ văn Trường THPT Chuyên Nguyễn Du (TP. Buôn Ma Thuột) cũng được biết đến là người đã giảng dạy và ôn tập học sinh giỏi đạt được nhiều thành tích cao trong nhiều năm liền.
Theo cô Tăng, môn Ngữ văn là môn khoa học xã hội rất thú vị và bổ ích song nhiều học sinh chưa thiết tha và gặp khó khăn với môn học này bởi các em không nắm được cách học phù hợp.
Để học sinh yêu thích môn văn, cô đã nghiên cứu, tìm tòi và ứng dụng phương pháp kích thích tính sáng tạo, tự học, tự tìm hiểu về kiến thức thông qua hệ thống các câu hỏi tư duy, câu hỏi mở để học sinh tự tìm hiểu ở các tài liệu.
Vì vậy, cách giảng dạy của cô là theo lối gợi mở, thảo luận nhóm. Để học sinh hiểu nhanh nội dung bài học, cô đã vận dụng nhiều phương tiện dạy học: sử dụng giáo án điện tử với các hình ảnh sinh động, các đoạn video... và khai thác tốt hơn các tài liệu phục vụ cho môn học này.
Phương pháp giảng dạy của cô Tăng đã mang lại hiệu quả rõ rệt. Những giờ học của cô luôn sôi nổi, thu hút, lôi cuốn các em học sinh. Đặc biệt, nhiều học sinh do cô bồi dưỡng đã đoạt giải cao trong các kỳ thi học sinh giỏi. Từ năm 2015 – 2018, cô Tăng đã bồi dưỡng 6 học sinh đoạt Huy chương Vàng môn Ngữ văn tại các kỳ thi Olympic 10-3; 3 học sinh đoạt Huy chương Vàng tại các kỳ thi Olympic 30-4; 1 học sinh giỏi Quốc gia. Trong năm học 2018 – 2019, học sinh do cô bồi dưỡng đã giành được 1 giải Nhì, 3 giải Ba trong kỳ thi học sinh giỏi Quốc gia.
Vũ Đậu (T/h)