(ĐSPL) - Ngoài việc mất điện "hi hữu" và "cực kỳ nguy hiểm" thì về sự cố một máy bay dân sự và một máy bay quân sự suýt đụng nhau trên vùng trời sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất cũng làm cho nhiều người "choáng". Nhưng một số chuyên gia cho rằng, những con số trong báo cáo của các bên liên quan là chưa trung thực?
Đài Kiểm soát không lưu sân bay Tân Sơn Nhất. |
Chưa kỷ luật ai
Tại buổi gặp mặt báo chí vừa qua, ông Lại Xuân Thanh, Cục trưởng Cục Hàng không cho biết, đây là sự cố bất khả kháng, theo Luật Hàng không thì các hãng bay phải thực hiện việc chăm sóc khách hàng. Còn bồi thường cho hành khách là quan hệ dân sự giữa hãng bay và hành khách.
Về thiệt hại, ông Thanh cho biết do đang tập trung xử lý sự cố nên sẽ tính toán sau. Theo thông tin công bố, trong khoảng thời gian mất kiểm soát tại sân bay Tân Sơn Nhất, có 54 máy bay đang hoạt động trong vùng thông báo bay TP.HCM, số chuyến bay bị ảnh hưởng lên đến con số 92 chuyến đi/đến Tân Sơn Nhất. Trong đó có 8 chuyến chuẩn bị hạ cánh.
Nói về hệ thống máy móc, trang thiết bị, ông Đoàn Hữu Gia, Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam cho biết, hệ thống thiết bị được đầu tư, bảo dưỡng đúng quy trình, người được phân công khai thác cũng được cấp chứng nhận đủ yêu cầu. Tuy nhiên, giống như con người có lúc đau yếu nên thiết bị cũng có lúc thế này thế khác. Tuy nhiên, theo ông Gia thì 35\% tổng doanh thu hàng năm của Tổng công ty (khoảng hai ngàn tỉ đồng) được giữ lại đầu tư, trong đó có đầu tư cho trang thiết bị.
Cũng theo ông Thanh thì Cục đã thành lập tổ điều tra về sự cố kỹ thuật. Tổ điều tra sự cố này có trách nhiệm phối hợp với Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam tổ chức điều tra, xác minh và làm rõ nguyên nhân sự cố, đề xuất các biện pháp hiệu quả để đảm bảo an toàn hoạt động bay, báo cáo trước ngày 29/11/2014. Trước mắt đã yêu cầu Tổng công ty Quản lý bay đình chỉ nhân viên trực tiếp vận hành hệ thống cấp điện và kíp trưởng kíp trực cấp điện hôm xảy ra sự cố.
Nghi ngờ từ những con số
Nói về sự cố máy bay suýt đụng nhau, TS. Nguyễn Bách Phúc, Chủ tịch hội Tư vấn Khoa học công nghệ và Quản lý TP.HCM, Viện trưởng viện Điện - Điện tử - Tin học chia sẻ, đọc những con số trong báo cáo của ông Đinh Việt Thắng, Tổng Giám đốc Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam (VATM) khiến người ta không khỏi hết hồn: Máy bay dân sự Airbus A321 (có thể chở hơn 200 hành khách), bay cách máy bay trực thăng quân sự Mi 172/423 chỉ có 60m! Với hai máy bay, tốc độ hàng trăm km/h, khoảng cách đó là một điều kinh khủng!
Về sự cố này cũng đặt ra các nghi vấn "có lẽ Cục Hàng không đưa ra câu chuyện này để nhằm chứng minh cho nhận định của Cục Hàng không và Bộ Giao thông Vận tải là: Sân bay Tân Sơn Nhất bị "tắc nghẽn bầu trời" và "chồng lấn bầu trời với sân bay Quân sự Biên Hòa".
Tuy nhiên, theo TS. Phúc, nếu đọc kỹ những con số sẽ thấy sao lại "tréo ngoe" đến thế. Theo như thông tin thì "máy bay Airbus 321 của Hàng không Việt Nam Airline (VNA) khởi hành từ TP.HCM đi Huế, sau khi cất cánh, tổ lái phát hiện có máy bay cắt ngang ở độ cao 1.000 feet (304m) gây uy hiếp an toàn bay. Khi máy bay Airbus 321 đang ở độ cao 500 feet (khoảng 150m) thì tổ lái quan sát thấy một máy bay trực thăng cắt ngang phía trước, theo nhận định của tổ lái, lúc này hai máy bay cách nhau khoảng 200 feet (khoảng 60m)".
Airbus bay ở độ cao 152m, máy bay trực thăng bay ở độ cao 304m thì khoảng cách gần nhất có thể chỉ xảy ra khi hai máy bay "đội đầu" nhau. Thực tế, khoảng cách "đội đầu" gần nhất đó chỉ bằng 304 - 152 = 152m! Cục Hàng không lại bảo chúng chỉ cách nhau 60m! Cục Hàng không đưa ra thông tin như vậy có dụng ý gì?
TS. Phúc lý giải thêm: Cất cánh từ sân bay Tân Sơn Nhất, theo hướng Đông Tây, Airbus 321 phải bay về phía Tây. Chúng ta hãy thử xác định xem vị trí này của máy bay ở đâu? Tốc độ nâng độ cao của mỗi máy bay tùy thuộc nhiều yếu tố như loại máy bay, thời tiết... nhưng thông thường, với máy bay dân dụng, tốc độ đó nhỏ nhất là 5m/giây. Cho rằng máy bay A321 bay với tốc độ nâng độ cao nhỏ nhất này khi máy bay đạt độ cao 150m thì thời gian bay tính từ khi cất cánh chỉ là 152m/ (5m/giây) = 30 giây.
Với 30 giây này, máy bay mới rời mặt đất được một quãng đường chỉ hơn 2km. Tính quãng đường này như sau: Tốc độ khi cất cánh của máy bay dân sự thường là 250km/giờ, quãng đường S = vxt = 250km/giờ x (30/3000)giờ = 2,08km. Nếu tính chi li ra, máy bay tăng dần tốc độ sau khi rời mặt đất, sẽ khiến quãng đường này dài thêm được 0,04km, kết quả S = 2,08km + 0,04km = 2,12km.
Như vậy, theo Cục Hàng không, máy bay A321 đã phát hiện máy bay cắt ngang khi mới rời sân bay Tân Sơn Nhất chỉ 30 giây, mới xa sân bay chỉ hơn 2km, tức là ngay trên vùng trời quận Tân Phú, TP.HCM. Nhưng thông tin lại cho rằng, sau khi máy bay A321 cất cánh được 9 giây, thì máy bay trực thăng được lệnh cất cánh từ sân bay Biên Hòa. Thật lạ lùng, chỉ với thời gian 30 giây - 9 giây = 21giây, máy bay trực thăng đã kịp vọt từ sân bay Biên Hòa, đến chắn ngang máy bay A321 đang ở gần Tân Sơn Nhất!.
Trực thăng đã vượt khoảng cách từ sân bay Biên Hòa đến Tân Sơn Nhất 25km, cộng thêm 2km máy bay Airbus đã bay, tổng cộng 27 km, chỉ trong 21 giây. Vậy thì, theo Cục Hàng không, tốc độ của máy bay trực thăng Mi 172 là (25km+2km)/21giây = 2km/(21/3000)giờ = 4628km/giờ! Xin hiểu rằng những máy bay chiến đấu siêu thanh hiện đại nhất hiện nay cũng chỉ có tốc độ hơn 3000 km/giờ, trong khi Cục Hàng không "hô biến" cho loại máy bay trực thăng dòng Mi 172 của Nga, với tốc độ tối đa chỉ 250km/giờ, thành máy bay "siêu siêu thanh" 4.628km/giờ!
Đài Kiểm soát Không lưu Tân Sơn Nhất mới có tổng mức đầu tư hơn 400 tỉ đồng Theo thông tin PV có được thì đài Kiểm soát Không lưu Tân Sơn Nhất mới có tổng mức đầu tư hơn 400 tỉ đồng (được bàn giao ngày 14/5/2013 bởi công ty Công nghệ Dicom - đơn vị cung cấp dịch vụ lắp đặt, tích hợp hệ thống liên lạc thoại điều hành bay tại đài Kiểm soát Không lưu Tân Sơn Nhất). Lập tổ điều tra sự cố Liên quan đến sự cố hai máy bay dân sự và quân sự suýt đụng nhau, ông Lại Xuân Thanh cho biết, đánh giá sơ bộ ban đầu do phối hợp hiệp đồng bay dân sự - quân sự, lỗi của kiểm soát viên hiệp đồng trong việc canh nghe các huấn lệnh của kiểm soát viên không lưu. Cục Hàng không và bên không quân cũng đã lập tổ điều tra sự cố, làm rõ và xử lý nghiêm trách nhiệm của cá nhân liên quan cũng như lỗi hệ thống. |