Theo tin tức đã đưa trên báo VOV, tờ trình của Chính phủ do Bộ trưởng Giao thông - Vận tải Đinh La Thăng báo cáo cho biết: Dự án cảng HKQT Long Thành có tổng mức đầu tư giai đoạn 1 khoảng 164.589 tỷ đồng. Trong đó, vốn nhà nước bao gồm ngân sách nhà nước, trái phiếu Chính phủ, vốn vay ODA là 84.624 tỷ đồng, vốn khác (vốn doanh nghiệp, cổ phần liên doanh liên kết, hợp tác công tư) là 79.965 tỷ đồng. Toàn bộ dự án sẽ được chia thành 3 giai đoạn.
Số vốn đầu tư này sẽ được huy động từ nhiều nguồn, tùy thuộc vào hạng mục đầu tư cụ thể, theo nguyên tắc Nhà nước chỉ đầu tư hoặc hỗ trợ đầu tư phần kết cấu hạ tầng không có khả năng thu hồi vốn; khuyến khích đầu tư vào các dự án thành phần dịch vụ khai thác, có khả năng thu hồi vốn đầu tư.
Một góc phối cảnh sân bay Long Thành - Ảnh: Chinhphu.vn |
Mặc dù đa số ý kiến của các thành viên Ủy ban thường vụ Quốc hội nhất trí với chủ trương xây dựng sân bay Long Thành nhưng câu hỏi về vốn đầu tư xây dựng vẫn là vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm.
Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc của Quốc hội, ông Ksor Phước bày tỏ sự đồng tình xây dựng Cảng HKQT Long Thành thay vì phương án cải tạo, nâng cấp Sân bay Tân Sơn Nhất. Tuy nhiên, ông Ksor Phước đặt vấn đề: Bây giờ còn câu chuyện vốn ở đâu? Giai đoạn 1 cần khoảng 80.000 tỷ. Từ năm 2014-2016 là thời gian thu xếp vốn. Tuy nhiên, riêng năm 2014 và 2015 huy động vốn từ trái phiếu chính phủ là không còn nữa, vì năm 2015 Quốc hội khóa vốn rồi. Chính phủ phải giải trình tiền nhà nước là lấy ở đâu. Hay là Quốc hội lại phải ra Nghị quyết đặc biệt để bổ sung trái phiếu Chính phủ. Nếu không giải quyết được thì sẽ kéo dài thời gian đền bù, giai đoạn 1 dự án.
Cùng chung quan điểm này, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho rằng, phân kỳ đầu tư thành 3 giai đoạn, vậy ở đây cần phân tích rõ vốn ngân sách, trái phiếu, vay nước ngoài… tính khả thi của mỗi nguồn này trong từng giai đoạn.
Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn cũng bày tỏ: “Việc tôi lo nhất là tiền. Giai đoạn đầu tiên là công tác đền bù. Việc đền bù phải khẩn trương. Nếu không đền bù bây giờ thì sau này giá sẽ lên, giải quyết không ổn thỏa sẽ dễ sinh khiếu kiện”.
Thông tin trên báo Tiền Phong cũng ghi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Phúc cho biết, thời gian vừa qua cho thấy, nhiều dự án giao thông phát sinh chi phí rất lớn so với tổng mức đầu tư ban đầu. Do vậy, băn khoăn về tính chính xác của số liệu dự án và lo ngại quá trình triển khai dự án sẽ còn phát sinh thêm nhiều chi phí.
“Mặt khác, trong bối cảnh nền kinh tế còn nhiều khó khăn, việc huy động các thành phần kinh tế tham gia đầu tư dự án Cảng HKQT là không đơn giản. Do vậy, đề nghị làm rõ hơn trong cơ cấu nguồn vốn sử dụng nêu trên thì từng loại vốn cụ thể như thế nào, dự kiến vốn ngân sách nhà nước và trái phiếu Chính phủ, vốn ODA cần huy động mỗi năm".
Trong khi đó, báo Tuổi Trẻ cũng đưa tin, Chính phủ đưa ra phương án giải phóng mặt bằng toàn bộ 5.000 ha trong giai đoạn một của dự án. Thường trực Ủy ban Kinh tế cho rằng với kinh phí đền bù, hỗ trợ, tái định cư rất lớn dùng vốn ngân sách nhà nước (khoảng 20.000 tỷ) lại thực hiện trong thời gian ngắn sẽ dẫn đến cân đối vốn rất khó khăn.
Quốc hội sẽ quyết định có đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành hay không tại kỳ họp tháng 10 tới đây.