Đóng

Sốt uống nước dừa được không?

  • Đinh Kim (T/h)
(DS&PL) -

Nhiều chuyên gia khuyên nên uống nước dừa khi bị sốt, mắc bệnh nhẹ hoặc là sau tập thể dục nhằm bù nước và điện giải bị mất đi.

Nước dừa có được uống lúc bị sốt không?

Thông tin trên báo Sức Khỏe & Đời Sống, ThS Vũ Thị Huế - Trưởng khoa Dinh Dưỡng, Bệnh viện Y học cổ truyền Trung ương cho hay, nước dừa là một dung dịch sinh học tự nhiên có chứa nhiều chất điện giải như kali, magie và canxi, cùng một lượng đường tự nhiên vừa phải (khoảng 2–3g/100ml). Đặc điểm nổi bật của nước dừa là có áp suất thẩm thấu gần giống như huyết tương người.

Theo đông y, nước dừa có vị ngọt nhạt và tính hàn, quy vào các kinh tâm, vị, thận. Loại quả này còn có tác dụng thanh nhiệt, sinh tân dịch, lợi tiểu và giải thử, có nghĩa là giải nóng do nắng nóng mùa hè.

Nước dừa là thức uống phù hợp cho những ngày hè oi nóng. Nếu dùng đúng liều lượng và đúng đối tượng, việc uống nước dừa sẽ mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe. Tuy nhiên, cần lưu ý không nên uống nước dừa thay thế hoàn toàn nước lọc.

Nước dừa có nhiều lợi ích đối với sức khỏe. Ảnh minh họa: India.com

Một số người nên uống nước dừa bao gồm người khỏe mạnh, ra nhiều mồ hôi vì nắng nóng hoặc hoạt động thể lực; người bị nhiệt trong, miệng khô và táo bón nhẹ. Trẻ em, người già có thể pha loãng nước dừa với nước lọc để sử dụng.

Người có biểu hiện nội nhiệt như khát nước, khô miệng, đi tiểu ít, nóng trong, nhiệt miệng, hoặc là sốt không ra mồ hôi cũng có thể uống nước dừa để giúp thanh nhiệt.

Theo thông tin trên VTC News, nước dừa là thức uống giàu chất điện giải, vitamin C, kali và glucose… rất tốt cho người đang bị sốt. Trong đó, vitamin C sẽ tăng cường hệ miễn dịch, còn Kali giúp cho cơ thể giữ nước, nhanh chóng lấy lại năng lượng.

Nhiều chuyên gia khuyên nên uống nước dừa khi bị sốt, khi bị bệnh nhẹ hoặc là sau tập thể dục nhằm bù nước và điện giải bị mất đi.

Lưu ý, uống nước dừa chỉ là một trong các cách giúp bù nước, hạ nhiệt và tăng cường hệ miễn dịch khi bị sốt. Nếu thấy tình trạng sốt kéo dài, mọi người cần nhanh chóng đến các cơ sở y tế để được bác sĩ thăm khám và chẩn đoán, không nên chủ quan ngay cả khi cảm thấy cơ thể chưa xuất hiện nhiều dấu hiệu nghiêm trọng.

Ai không nên uống nước dừa?

Nước dừa có nhiều lợi ích đối với sức khỏe, giá rẻ và dễ tìm mua nhưng những người dưới đây không nên sử dụng:

- Người bị suy thận mạn, tăng kali máu, hoặc là đang dùng thuốc lợi tiểu giữ kali.

- Người bị bệnh đái tháo đường. Dừa có thể làm tăng đường huyết, cần lưu ý ở cả những người tiền đái tháo đường.

- Người tỳ vị hư, hay đi lỏng, lạnh bụng và tiêu hóa kém, đầy bụng hoặc là tiêu chảy tránh uống nước dừa lạnh, thay vào đó nên uống các loại nước ấm.

Đông y cũng không khuyến khích phụ nữ đang trong kỳ kinh nguyệt hoặc là sau sinh sử dụng nhiều nước dừa do dễ gây trệ tỳ, sinh thấp. Trong trường hợp bị cảm nắng (trúng thử), nếu người bệnh có biểu hiện mệt mỏi, vã mồ hôi, tay chân lạnh, huyết áp tụt nhẹ … thì không nên sử dụng thức uống này, nhất là nước dừa lạnh.

Tin nổi bật