Theo thông tin từ báo Tiền phong, Sở GD&ĐT TP.HCM đã có văn bản chấn chỉnh tình hình hoạt động giáo dục gửi đến nhà đầu tư, hiệu trưởng các trường phổ thông ngoài công lập trên địa bàn.
Theo đó, Sở GD&ĐT TP.HCM yêu cầu nhà trường khi tổ chức thu học phí phải thực hiện theo quy định tại Nghị định 81 của Chính phủ. Cụ thể, các trường chỉ được thu tối đa 9 tháng/năm học và không được phép thu gộp cho nhiều năm hay toàn cấp học.
Một số phụ huynh tập trung trước một trường tư thục tại TP.HCM đòi quyền lợi sau khi đã đóng học phí gộp nhiều năm cho trường. Ảnh: Tuổi trẻ
Nhà trường phải công khai học phí và các khoản thu khác theo từng tháng, học kỳ, năm học và toàn cấp học. Việc công khai học phí phải thể hiện qua trang thông tin điện tử (website) của đơn vị và niêm yết công khai để dễ theo dõi.
Sở lưu ý các trường cần tách bạch quyền hạn và nhiệm vụ của hội đồng trường, ban kiểm soát, hiệu trưởng, phó hiệu trưởng theo đúng quy định tại Thông tư 40 của Bộ GD&ĐT.
Ngoài ra, Sở GD&ĐT TP.HCM yêu cầu các trường treo biển tên phải đúng với tên được ghi trong quyết định cho phép thành lập của UBND TP.HCM. Tương tự, website của trường cũng phải ghi đúng với tên ghi trong quyết định cho phép thành lập.
Học sinh đến trải nghiệm tại một trường quốc tế ở huyện Bình Chánh, TP.HCM. Ảnh: Tuổi trẻ
Đặc biệt, với các trường trung học phổ thông có vốn trong nước cần lưu ý thêm bảo đảm tỉ lệ ít nhất 40% giáo viên cơ hữu so với tổng số giáo viên toàn trường.
Đối với lao động là người nước ngoài, trường phải quản lý giấy phép lao động chặt chẽ. Khi nghỉ việc hoặc hết hạn giấy phép, lao động nước ngoài phải thực hiện trả giấy phép trong thời gian quy định. Khi người lao động nước ngoài được cấp giấy phép lao động, nhà trường phải thực hiện ký hợp đồng lao động.
Đồng thời, khi xây dựng kế hoạch giáo dục, nhà trường phải phân biệt giữa chương trình phổ thông 2006 và chương trình phổ thông 2018 tùy theo khối lớp. Nhà trường chú ý hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp là hoạt động giáo dục bắt buộc và có số tiết theo quy định là 3 tiết/tuần, với tổng số tiết 105 tiết/năm học.
Nhiều trường tư thục ở TP.HCM tăng học phí. Ảnh: Tuổi trẻ
Còn các trường phổ thông tư thục có vốn đầu tư nước ngoài cần lưu ý thêm thực hiện đầy đủ nội dung giáo dục bắt buộc đối với người học là công dân Việt Nam theo quy định.
Tại các trường này, số lượng học sinh Việt Nam học chương trình giáo dục của nước ngoài phải thấp hơn 50% tổng số học sinh học chương trình giáo dục của nước ngoài tại cơ sở giáo dục.
Ngoài ra, khi tuyển sinh, nhà trường đảm bảo phải có đủ 3 quyết định: Quyết định cho phép hoạt động giáo dục, quyết định giao chỉ tiêu tuyển sinh 10 và quyết định thành lập hội đồng tuyển sinh 10 do Sở GD&ĐT cấp, không được tuyển sinh vượt chỉ tiêu cho phép hàng năm.
Đối với trường phổ thông có vốn đầu tư nước ngoài, nhà trường cần lưu ý thêm: Hiệu trưởng, phó hiệu trưởng có giấy phép lao động theo quy định. Trường hợp hiệu trưởng, phó hiệu trưởng là người biệt phái từ các nước phải có đầy đủ hồ sơ pháp lý theo quy định.
Liên quan đến vấn đề này, trước đó, theo tờ Tuổi trẻ, năm học 2023 - 2024 ghi nhận xu hướng tăng học phí ở các trường phổ thông tư thục - dân lập trên địa bàn TP.HCM. Có trường khống chế mức tăng này trong khoảng từ 5 - 10% tuy nhiên thường không vượt quá 15%.
Nguyễn Linh (T/h)