Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Số ca mắc tăng nhanh, TP.HCM công bố dịch sởi

  • Mộc Miên
(DS&PL) -

Số ca sởi ở TP.HCM tăng nhanh và đã có ba trẻ tử vong do sởi. TP.HCM chính thức công bố dịch sởi trên toàn thành phố.

Báo Pháp luật TP.HCM đưa tin, theo quyết định của UBND TP.HCM, thời gian xảy ra dịch là tháng 8/2024 với quy mô toàn thành phố, nguyên nhân do virus sởi (Polynosa morbillorum) gây ra.

Về tính chất, mức độ nguy hiểm của dịch thuộc bệnh truyền nhiễm nhóm B, người có nguy cơ mắc bệnh là người chưa được tiêm chủng hoặc tiêm chủng chưa đầy đủ. Bệnh có thể dẫn đến biến chứng nặng, thậm chí có thể tử vong nếu không được chăm sóc và điều trị đúng cách.

Bệnh sởi lây truyền qua đường hô hấp từ người sang người.

Trẻ mắc sởi điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng 1. Ảnh: VnExpress

Các biện pháp phòng, chống dịch được thực hiện theo Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm, gồm: Kiện toàn Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch TP, quận, huyện, TP Thủ Đức, phường, xã, thị trấn; Các trường hợp mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh phải thực hiện khai báo đầy đủ, chính xác với cơ quan y tế trong 24 giờ sau khi có chẩn đoán để được quản lý và xét nghiệm theo quy định.

Đồng thời, thành phố thực hiện Chiến dịch tiêm bổ sung vaccine Sởi - Rubella không kể tiền sử tiêm chủng vaccine Sởi - Rubella trước đó cho tất cả trẻ em từ 1-5 tuổi đang sống tại TP (có thể mở rộng độ tuổi theo tình hình dịch bệnh theo đúng quy định: Tổ chức thu dung, điều trị, chăm sóc, cách ly y tế và kiểm soát dịch tại cộng đồng theo đúng các hướng dẫn chuyên môn của Bộ Y tế.

UBND TP.HCM giao Giám đốc Sở Y tế chủ trì phối hợp với Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch các quận, huyện và TP Thủ Đức triển khai các biện pháp, phòng chống dịch.

Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM, tuần qua ghi nhận 85 ca sốt phát ban nghi sởi sống tại TPHCM. Trong đó có 20 ca dương tính, 44 ca không lấy mẫu, 17 ca chưa có kết quả.

Tổng số ca sốt phát ban nghi sởi tích lũy từ đầu năm đến tuần qua là 525 ca, đã có 3 trường hợp tử vong.

Biểu hiện của sởi là sốt, viêm long đường hô hấp, đường tiêu hóa và kết mạc mắt kèm nổi ban đặc trưng. Sau khi mắc sởi, đáp ứng miễn dịch của cơ thể giảm sút nên trẻ dễ mắc các bệnh nhiễm trùng khác. Trẻ nhỏ chưa tiêm chủng, trẻ suy dinh dưỡng, phụ nữ có thai và người bị suy yếu hệ thống miễn dịch là những người có nguy cơ biến chứng nặng nếu mắc sởi.

Hiện, sởi vẫn chưa có thuốc đặc trị, chỉ điều trị triệu chứng. Đến nay, sởi vẫn là một trong 11 bệnh truyền nhiễm phải được tiêm chủng bắt buộc đối với trẻ em, gồm mũi thứ 1 tiêm lúc trẻ tròn 9 tháng tuổi và mũi thứ 2 lúc trẻ 18 tháng tuổi.

Tin nổi bật