Trong năm 2016, trong số 24 doanh nghiệp mà SGCC đầu tư thì có 14 công ty hoạt động kinh doanh có lãi, 4/24 công ty chưa bù đắp được số lỗ luỹ kế, 11/24 công ty bị lỗ luỹ kế.
Theo tin từ Đất Việt, sáng ngày 4/6, ông Trần Vĩnh Tuyến - Phó Chủ tịch UBND TP.HCM đã trao quyết định điều chuyển công tác cho ông Đoàn Ngọc Hải - Phó Chủ tịch UBND quận 1 về công tác tại Tổng công ty Xây dựng Sài Gòn TNHH Một thành viên (SGCC). Ông Hải sẽ giữ chức vụ Phó Tổng Giám đốc SGCC.
Về SGCC, thông tin phản ánh trên Dân trí thể hiện, báo cáo kiểm toán Báo cáo tài chính, các hoạt động liên quan đến quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước năm 2016 của SGCC cho thấy tình trạng thua lỗ kéo dài ở nhiều doanh nghiệp thành viên của Tổng công ty này.
Cụ thể, theo báo cáo tài chính hợp nhất của Tổng công ty, tổng doanh thu và thu nhập năm 2016 đạt gần 1.052 tỷ đồng, bằng 131,73% so với thực hiện năm 2015; tổng lợi nhuận trước thuế đạt 501 tỷ đồng, bằng 345,3% so với 2015.
Cơ quan kiểm toán đánh giá, Tổng công ty đã bảo toàn được vốn Nhà nước, hoạt động sản xuất kinh doanh có lợi nhuận, có hiệu quả. Tuy nhiên, hiệu quả kinh doanh của các doanh nghiệp có vốn góp của Công ty mẹ thì không mấy khả quan. SGCC đầu tư vào 24 doanh nghiệp thì trong đó có 14 công ty hoạt động kinh doanh có lãi trong năm 2016 nhưng tới 4/24 công ty chưa bù đắp được số lỗ luỹ kế, 11/24 công ty bị lỗ luỹ kế.
Khoản đầu tư vào 2 công ty con không hiệu quả là CTCP Kim Thạch với vốn góp 22,2 tỷ đồng, lỗ luỹ kế đến 31/12/2016 là hơn 38,3 tỷ đồng; CTCP Gạch ngói Sài Gòn với vốn góp hơn 7,66 tỷ đồng, lỗ luỹ kế là 916 triệu đồng.
Hiệu quả kinh doanh của các doanh nghiệp có vốn góp của SGCC không mấy khả quan. Ảnh: SGCC |
Bên cạnh đó, báo cáo Kiểm toán cũng chỉ ra rằng, khoản đầu tư vào 6 công ty liên doanh, liên kết không hiệu quả với số lỗ luỹ kế hơn 313,9 tỷ đồng.
Tại thời điểm kiểm toán, CTCP Xây dựng số 3 và CTCP Đầu tư và Phát triển hạ tầng IDI không nộp BCTC do 2 đơn vị này đã ngừng hoạt động, rủi ro đầu tư của công ty mẹ sẽ bị mất vốn với số tiền 3,4 tỷ đồng.
Khoản đầu tư dài hạn vào CTCP Đầu tư Y tế Sài Gòn đang trong giai đoạn thực hiện dự án, lỗ luỹ kế 217,9 tỷ đồng, đầu tư góp vốn dài hạn bằng tiền vào 3 công ty với số lỗ luỹ kế hơn 136,2 tỷ đồng.
Cũng theo báo cáo kiểm toán thì việc một số khoản đầu tư tài chính không có hiệu quả, có trách nhiệm của Ban Giám đốc Tổng công ty các thời kỳ, người đại diện vốn tại các đơn vị có vốn đầu tư của Tổng công ty.
Theo Vietnamfinance, trước đó, Kiểm toán Nhà nước cũng từng kiến nghị SGCC phải nộp bổ sung 267 tỷ đồng vào ngân sách nhà nước do hạch toán thiếu nguồn thu từ cổ phần hóa các công ty con năm 2016.
Cụ thể, báo cáo kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước đối với SGCC về báo cáo tài chính, các hoạt động liên quan đến quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước năm 2016 hé lộ một loạt vi phạm của SGCC, trong đó, đáng chú ý nhất là việc "hụt" hàng trăm tỷ tiền nộp ngân sách nhà nước.
Cụ thể, các khoản phải nộp ngân sách nhà nước của SGCC trước khi kiểm toán là 65,8 tỷ đồng. Tuy nhiên, sau kiểm toán, con số lên đến 333,3 tỷ đồng. Tựu chung, mức chênh lệch các khoản phải nộp ngân sách nhà nước là 267,4 tỷ đồng.
Mức chênh lệch trên chủ yếu do chênh lệch lợi nhuận sau thuế trước và sau khi kiểm toán, tăng từ 150,5 tỷ đồng lên 501,1 tỷ đồng, tương đương tăng hơn 350 tỷ đồng.
Đi sâu hơn, nguyên nhân khiến lợi nhuận tăng lên chủ yếu là do tăng doanh thu hoạt động tài chính đối với khoản thu từ cổ phần hóa các công ty con (tăng từ 157 tỷ đồng lên 504 tỷ đồng).
Tính đến hết ngày 31/12/2016, tổng tài sản của SGCC đạt 2.854 tỷ đồng; nợ phải trả sau kiểm toán đạt 1.069 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu sau kiểm toán đạt 1.787 tỷ đồng.
Vũ Đậu (T/h)