Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Sếp lớn ngân hàng từ nhiệm: Có phải chiến thuật kinh doanh mới?

(DS&PL) -

(ĐSPL) - Hàng loạt lãnh đạo cấp cao của nhiều ngân hàng đua nhau từ nhiệm theo nhiều chuyên gia, chưa bao giờ sự thay đổi nhân sự cấp cao lại diễn ra dồn dập như “mùa” ĐHCĐ năm nay.

(ĐSPL) - Cùng với xu hướng mua bán, sáp nhập ngân hàng trong “mùa” đại hội cổ đông (ĐHCĐ) năm nay, hàng loạt ngân hàng thương mại đã công bố kế hoạch thay đổi nhân sự của mình. Theo đó, lãnh đạo cấp cao của nhiều ngân hàng đua nhau từ nhiệm để “mở đường” cho những người khác lên thay. Theo nhiều chuyên gia, chưa bao giờ sự thay đổi nhân sự cấp cao lại diễn ra dồn dập như “mùa” ĐHCĐ năm nay.

Điều này sớm muộn cũng sẽ xảy ra
Làn sóng thay đổi nhân sự cấp cao của ngân hàng thương mại đang diễn ra hết sức sôi động và ở hầu khắp những ngân hàng tên tuổi. Theo nhiều chuyên gia, những biến động ở bộ phận lãnh đạo chủ chốt năm nay tấp nập, sôi động hơn hẳn so với mấy năm trước. Tại đại hội cổ đông (ĐHCĐ) của ngân hàng Đông á tổ chức vào ngày 26/4 vừa qua, ông Phạm Văn Bự đã rời ghế chủ tịch do đến tuổi nghỉ hưu. Trước đó, ông Đặng Phước Dừa, thành viên HĐQT ngân hàng Đông Á cũng thôi nhiệm để sang đảm nhiệm vị trí thành viên HĐQT ngân hàng Eximbank. Trong khi đó, tại ĐHCĐ của ngân hàng Nam Á (NamA Bank) tổ chức cuối tháng ba vừa qua, các cổ đông ngân hàng cũng đã thông qua việc từ nhiệm của Chủ tịch HĐQT là bà Nguyễn Thị Xuân Loan và Phó Chủ tịch Huỳnh Thanh Chung.
Ngoài việc các lãnh đạo chủ chốt của nhiều ngân hàng đồng loạt từ nhiệm thì nhiều thành viên HĐQT cũng xin thôi chức để sang đảm nhiệm vị trí mới tại các ngân hàng khác. Tiêu biểu nhất là trường hợp của ông Phạm Hữu Phú, Chủ tịch ngân hàng Sacombank xin từ nhiệm để sang đảm nhiệm vị trí thành viên HĐQT ngân hàng Eximbank. Trước đó, hàng loạt tổng giám đốc, phó tổng giám đốc của các ngân hàng lớn khác cũng từ nhiệm. Lý do được đưa ra là họ chuyển vị trí công tác hoặc vì “những lý do cá nhân”.  Tuy nhiên, nhiều chuyên gia kinh tế lại cho rằng, việc này xảy ra khi mà làn sóng mua bán, sáp nhập ngân hàng đang diễn ra mạnh mẽ. Khi tiến hành sáp nhập, hợp nhất ngân hàng thì các vị trí chủ chốt trong ban lãnh đạo, điều hành ngân hàng sẽ được thay đổi. Người mới thay thế thường sẽ là đại diện đến từ các tổ chức góp vốn vào ngân hàng. Trường hợp từ nhiệm vị trí thành viên HĐQT của ông Trần Phát Minh tại ngân hàng Kiên Long (KienLongbank) là một ví dụ điển hình. ông Minh hiện nắm cổ phần rất lớn ở ngân hàng khác là Sacombank.
Nhận định về việc những “sếp lớn” ngành ngân hàng thương mại đồng loạt từ nhiệm, TS. Bùi Ngọc Sơn, Trưởng phòng Kinh tế, viện Nghiên cứu Chính trị thế giới cho biết: “Điều này không có gì là khó giải thích cả. Trong bối cảnh nhiều ngân hàng thương mại cổ phần đang tiến hành tái cơ cấu theo chủ trương của ngân hàng Nhà nước (NHNN) thì việc sáp nhập tất yếu phải xảy ra. Một khi tiến hành sáp nhập thì thay đổi lãnh đạo cũng không có gì là khó hiểu. Thực ra, mấy năm trước, ngành ngân hàng cũng đã tiến hành tái cơ cấu và cũng đã có hàng loạt những lãnh đạo chủ chốt của nhiều ngân hàng phải từ nhiệm. Theo tôi, đây là giai đoạn hai của quá trình tái cơ cấu. Bản thân, NHNN đã công bố kế hoạch sáp nhập từ 7 – 10 ngân hàng từ nay tới năm 2015. Dư luận thì có thể không biết cụ thể là ngân hàng nào sẽ sáp nhập nhưng trong giới ngân hàng thì hầu như mọi chuyện đã sáng tỏ. Vì thế, việc từ nhiệm của những vị trí lãnh đạo không sớm thì muộn cũng sẽ xảy ra”.
Trong khi đó, chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong nhận định, việc hàng loạt “sếp lớn” ngân hàng thương mại từ nhiệm đã thể hiện được diện mạo việc tái cấu trúc ngành ngân hàng mấy năm gần đây. Rõ ràng, đợt tái cấu trúc trước đã không mang lại những hiệu quả như kỳ vọng và NHNN phải tiếp tục tiến hành tái cấu trúc. Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong phân tích: “Với tổng GDP của Việt Nam hiện nay thì rõ ràng, chúng ta có quá nhiều ngân hàng thương mại. Tôi cho rằng, chủ trương tái cấu trúc của NHNN để quy hoạch còn 15 ngân hàng thương mại là phù hợp. Hơn nữa, vốn điều lệ tối thiểu của một ngân hàng là 3.000 tỉ đồng nhưng thực tế con số thật (vốn ròng dựa vào chất lượng tài sản...) đã bị suy giảm rất nhiều do nợ xấu ở nhiều ngân hàng thương mại. Do đó, việc sáp nhập các ngân hàng để tăng vốn chủ sở hữu, cơ cấu lại mạng lưới để giảm chi phí là cần thiết”.

Nhiều lãnh đạo ngân hàng thương mại đồng loạt xin từ nhiệm (ảnh minh họa).

Sáp nhập ngân hàng là điều đúng đắn?
Trao đổi về vấn đề  thay đổi vị trí của lãnh đạo ngân hàng thương mại, TS. Cao Sỹ Kiêm, nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết: “Việc sáp nhập các ngân hàng thương mại thời gian qua đã chứng minh được những tác dụng của nó. Sức mạnh của ngân hàng sau khi sáp nhập đã tăng rõ rệt, đồng thời tình hình kinh doanh sau sáp nhập cũng đang dần tốt lên và trở thành động lực khiến NHNN tiếp tục thực hiện kế hoạch sáp nhập những ngân hàng yếu kém. Chính những điều này khiến cho hàng loạt những lãnh đạo chủ chốt của những ngân hàng đó phải từ nhiệm. Tuy nhiên, họ từ nhiệm không phải vì họ không có năng lực mà có thể đây là một chiến lược kinh doanh. Bản thân các lãnh đạo ngân hàng chủ chốt dồn dập xin từ nhiệm vào thời điểm này cho thấy, họ khá nhạy cảm với chủ trương của NHNN. Việc sáp nhập diễn ra chủ yếu ở những ngân hàng yếu kém. Khi tiến hành sáp nhập thì vị trí của họ có thể bị đe dọa nên có thể họ hành động trước. Nhưng theo tôi, bản thân việc từ nhiệm không đơn giản chỉ nằm ở vấn đề danh dự mà quan trọng hơn là cả một chiến dịch quay trở lại ghế lãnh đạo của những người đó. Nhưng, mỗi cá nhân lại có một kế hoạch làm việc riêng nên đó cũng chỉ là những phán đoán cá nhân”.
TS. Cao Sỹ Kiêm cũng cho biết: “Việc thay đổi nhân sự cấp cao cũng đặt ra nhiều thách thức quan trọng. Bài toán xử lý nợ xấu của các ngân hàng sau khi sáp nhập rõ ràng là một thách thức đối với những nhà lãnh đạo mới. Bởi lẽ, ngân hàng lớn khi đồng ý cho ngân hàng nhỏ sáp nhập nghĩa là họ gánh thêm số nợ từ ngân hàng này, thậm chí, điều đó còn làm giảm lãi của ngân hàng lớn. Vì thế, việc thay đổi lãnh đạo đối diện với những thách thức không nhỏ”.
TS. Bùi Ngọc Sơn: Việc từ nhiệm của nhiều lãnh đạo ngân hàng là do ảnh hưởng từ một số vụ án kinh tế gần đây.
Trong khi đó, TS. Bùi Ngọc Sơn lại phân tích những ảnh hưởng của các vụ án đình đám liên quan đến ngân hàng tới quyết định từ nhiệm của nhiều lãnh đạo ngân hàng. TS.Sơn cho biết: “Dựa trên thực tế đang xảy ra, chúng ta có thể đưa ra phán đoán rằng, các vụ án về ngân hàng đã và đang xét xử có ảnh hưởng nhất định tới những quyết định từ nhiệm của các vị trí quan trọng ở ngân hàng thương mại. Ngân hàng là một lĩnh vực rất nhạy cảm, chỉ cần một tác động nhỏ cũng có thể làm ảnh hưởng tới giới đầu tư. Trên phương diện tài chính, khi xảy ra những vấn đề lớn thì họ ít nhất là phải nghe ngóng, xem xét tình hình trước khi tiến hành đầu tư. Trong khi đó, những lãnh đạo ngân hàng cũng phản ứng rất thận trọng vì chỉ cần một chút sơ sẩy, số phận của họ cũng sẽ không khác gì với các đối tượng từng bị xử lý”.
Theo nhận định của TS. Sơn, bản thân nhiều ngân hàng khi tiến hành sáp nhập có thể để lấp đi những lỗ hổng nào đó. Bởi lẽ, những ngân hàng phải sáp nhập thường là những ngân hàng yếu kém và có nhiều vấn đề khác nhau. Nếu có “sự cố” gì xảy đến thì vấn đề trách nhiệm lại được đặt ra. Mặc dù, chỉ là những phán đoán dựa trên tình hình thực tế nhưng có thể thấy, hàng loạt lãnh đạo ngân hàng từ nhiệm một phần là do tác động của vụ án kinh tế này. Bên cạnh đó, những người từ nhiệm thường đại diện cho một bên góp vốn. Tuy nhiên, bên góp vốn đó đã tiến hành thoái vốn hoặc không còn là cổ đông chính nên dù “cố đấm ăn xôi” thì vị trí của họ cũng sẽ không thể đảm bảo. “Nhìn chung, việc từ nhiệm của lãnh đạo chủ chốt ngân hàng xuất phát không phải từ một, hai nguyên nhân. Nó là sự tổng hợp nhiều yếu tố khác nhau”, TS. Sơn nhận định.       

Không bắt buộc các ngân hàng sáp nhập

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình từng đăng đàn trả lời báo chí rằng, hiện nay đã có 8/9 ngân hàng thương mại yếu kém đã hoàn thành bước đầu lộ trình tái cơ cấu. Phương án cơ cấu lại của các ngân hàng đều được tiến hành trên nguyên tắc tự nguyện. Ngân hàng Nhà nước chưa phải áp dụng biện pháp can thiệp bắt buộc nào.

Tin nổi bật