(ĐSPL) - Hiện Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đang nghiên cứu một gói sản phẩm liên kết 4 nhà để quản lý dòng tiền cho thị trường BĐS. Sản phẩm này không phải là gói tín dụng hỗ trợ như nhiều người lầm tưởng.
Trên đây là phát biểu của ông Nguyễn Viết Mạnh, Vụ trưởng Vụ Tín dụng NHNN tại phiên họp thường kỳ của Chính phủ hôm qua, 28/2.
Tại phiên họp, ông Mạnh khẳng định đến nay không có một gói tín dụng nào có quy mô 100.000 tỷ đồng cho BĐS. Tuy nhiên, hiện Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đang nghiên cứu một gói sản phẩm liên kết 4 nhà (Ngân hàng, nhà sản xuất vật liệu xây dựng, nhà thầu và chủ đầu tư) để quản lý dòng tiền cho thị trường BĐS. Sản phẩm này không phải là gói tín dụng hỗ trợ như nhiều người lầm tưởng.
Theo ông Mạnh, điểm mới ở đây là thay vì một ngân hàng cho vay trực tiếp tới khách hàng thì nay các ngân hàng ngồi lại với nhau, phối hợp với nhau để đảm bảo dòng tiền, vốn cho vay ra đến đúng địa chỉ, không thất thoát và phát huy đúng hiệu quả của từng đồng vốn theo như mô hình liên kết 4 nhà.
Theo Vụ trưởng Nguyễn Viết Mạnh, trong sản phẩm này, việc ngân hàng nào cho vay, cho vay bao nhiêu là hoàn toàn tự nguyện; NHNN chỉ đóng vai trò là trung gian liên kết để tăng niềm tin về hiệu quả nguồn vốn cho thị trường BĐS.
|
Sẽ có gói sản phẩm mới cho thị trường bất động sản?
|
Được biết, đề xuất về gói sản phẩm này là của Ngân hàng Xây dựng. Ông Phan Thành Mai – TGĐ Ngân hàng Xây dựng khẳng định, chúng tôi sẽ có thông tin chính thức về gói sản phẩm này trong thời gian 1 tháng nữa.
Ông Phan Thành Mai cho biết, ngân hàng này có đưa ra đề xuất liên minh với 4 NHTM quốc doanh để xây dựng gói sản phẩm trên.
Gói sản phẩm này có quy mô 70.000 tỉ đồng tới 100.000 tỉ đồng chứ không cố định là 100.000 tỉ đồng, và đây mới chỉ là đề xuất của Ngân hàng Xây dựng, chưa được phê duyệt của các cấp có thẩm quyền, nên hiện tại chưa thể công bố thông tin chính thức tới báo chí.
Bình luận về mô hình liên kết giữa “4 nhà”, gồm: ngân hàng, nhà thầu, nhà cung cấp vật liệu xây dựng (VLXD) và chủ đầu tư, TS. Lê Xuân Nghĩa, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia cho rằng, mô hình sẽ tạo thành một chuỗi giao dịch kép kín. Ví dụ, tiền mua VLXD của chủ đầu tư dành cho các công trình xây dựng nhà ở sẽ được ngân hàng giải ngân trực tiếp tới tài khoản của nhà cung cấp VLXD. Điều này sẽ tránh được tình trạng đồng tiền đi ngang, đi chéo”.
Hoài An
Mời độc giả xem thêm Clip: Mất quyền lợi vì cách tính diện tích căn hộ