(ĐSPL) – Sau hai thảm họa hàng không kinh hoàng MH370 và MH17, số người dân Malaysia mắc chứng “sợ bay” ngày càng nhiều.
The Star đưa tin, Chủ tịch Hiệp hội Sức khỏe Tâm lý Malaysia, Phó giáo sư Andrew Mohanraj, cho hay, ông đã điều trị cho nhiều bệnh nhân - những người thừa nhận rằng họ sợ đi máy bay sau hai thảm họa MH370 và MH17. Tuy nhiên, vị giáo sư từ chối tiết lộ về con số cụ thể.
Theo tờ The Wall Street Journal, ngành du lịch hàng không khắp thế giới đã bị tác động nặng nề sau vụ tấn công khủng bố ngày 11/9. Theo thống kê của Bộ Giao thông Mỹ, số lượng hành khách đi máy bay giảm dần từ 20\% trong tháng 10 xuống còn 17\% trong tháng 11 và còn 12\% trong tháng 12.
|
Cho đến nay, chuyến bay MH370 mất tích hôm 8/3 vẫn là một bí ẩn của ngành hàng không thế giới. |
Ngày 24/7, Thứ trưởng Bộ Phát triển Cộng đồng, Gia đình và Phụ nữ Malaysia Datin Paduka Chew Mei Fun đã đưa ra các dịch vụ tư vấn cho nhân viên của hãng hàng không Malaysia và nói rằng, nhiều người trong số họ bị chấn động tâm lý bởi hai thảm họa.
Tiến sĩ Andrew, một người nghiên cứu về tâm lý hàng không, cho biết trong một buổi phỏng vấn rằng các bệnh nhân của ông còn bao gồm cả những người làm việc trong buồng lái.
“Nhiều người có thể mắc chứng bệnh này nhưng im lặng. Họ sợ phải thừa nhận việc mắc phải hội chứng rối loạn căng thẳng hậu chấn thương tâm lý vì họ sợ buộc phải từ bỏ công việc”.
Theo Andrew, bệnh rối loạn căng thẳng hậu chấn thương tâm lý có thể dễ dàng điều trị được trong một thời gian ngắn bằng liệu pháp tâm lý một cách hiệu quả.
“Đó là một tình huống khó khăn đối với những ai cần đi máy bay khi phải thừa nhận rằng, họ mắc chứng rối loạn giấc ngủ và gặp ác mộng. Họ luôn trong tâm trạng đề phòng và tim đập nhanh. Điều này khiến người bệnh dễ cáu gắt, trầm cảm hoặc nếu nghiêm trọng có thể tự tử”, ông nói.
Tiến sĩ Andrew khuyên những ai gặp phải tình trạng này hãy đi chữa trị. “Người bệnh có thể được chữa khỏi trong thời gian từ sáu tháng đến một năm”.