Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Sập Phu Văn Lâu: Trung tâm Bảo tồn di tích thừa nhận chủ quan

(DS&PL) -

(ĐSPL) -. Sau khi khu di tích Phu Văn Lâu bị sụp đổ, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế thừa nhận nguyên nhân là do chủ quan.

(ĐSPL) - Trong khi các công trình di tích khác liên tục được trùng tu thì di tích Phu Văn Lâu lại bị quên lãng. Sau khi khu di tích bị sụp đổ, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế thừa nhận nguyên nhân là do chủ quan.

Phu Văn Lâu bị sập đổ một góc sáng 15/5.

....Không quá "bất ngờ"

Sau khi Phu Văn Lâu bị sụp đổ, nhiều người dân thắc mắc “tại sao di tích Phu Văn Lâu nằm trước mặt kinh thành Huế mà bấy lâu nay chưa được quan tâm đúng mức, nếu không nói là thiếu quan tâm, chủ quan trong công tác trùng tu di tích”.

Nhà nghiên cứu văn hóa Huế, ông Nguyễn Xuân Hoa cho biết: “Một phần tôi rất ngạc nhiên khi công trình Phu Văn Lâu bị đổ vỡ nhưng một phần thì không hề bất ngờ. Bởi vì qua nhiều lần tu bổ nhưng không đúng cách và thật sự không quyết tâm cao nên công trình đã không còn như trước”.

Mặc dù lớp sơn bên ngoài còn khá mới nhưng bên trong lại bị hư hại hoàn toàn do mối mọt.

Tuy nhiên, ông Hoa cho rằng trong cái họa lại có cái may. Bởi, đây chính là dịp để cho các nhà lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế trùng tu lại hệ thống kiến trúc quanh khu vực này.

“Di tích Phu Văn Lâu chiếm rất nhỏ trong quần thể di tích cố đô Huế nhưng xét về góc độ giá trị lịch sử và kiển trúc thì tầm quan trọng của khu di tích là không hề nhỏ”, ông Hoa cho biết.

Từ thời triều đình Nguyễn, Phu Văn Lâu được dùng làm nơi niêm yết các chỉ thị của Vua ban một cách công khai; ghi danh bảng vàng các tiến sĩ triều đình sau mỗi khoa thi cử; ngoài ra, còn là nơi để nhà Vua tổ chức các bữa tiệc đặc biệt cho toàn thể nhân dân, các tiết mục nghệ thuật cao cấp.

Một giá trị nữa của khu di tích này theo nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa là: “Phu Văn Lâu dù nhỏ nhưng lại có giá trị to lớn về mặt kiến trúc. Nó làm cho kinh thành Huế đồ sộ bớt nặng nề, bề thế trở nên có duyên và thanh thoát hơn. Nó nằm ở một vị trí hết sức đặc biệt, ở giữa kinh thành Huế, tạo điểm nhấn cho Huế đẹp hơn, uyển chuyển hơn”.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân bày tỏ sự bàng hoàng khi thấy công trình này bị sụp đổ một góc. Qua quan sát, ông Xuân cho biết, ông không nghĩ đến khả năng di tích bị sập do mối mọt. “Cần phải xem lại chất lượng công trình, đơn vị thi công lúc đó”, ông Xuân nói. 

Nhà nghiên cứu Hồ Tấn Phan bày tỏ sự bức xúc khi Phu Văn Lâu bị sụp đổ và nghi ngờ sự bất thường: “Phu Văn Lâu có vị trí quan trọng, được xem là bộ mặt của kinh thành Huế, là điểm dừng chân lý tưởng của khách tham quan. Tuy nhiên thời gian qua, các cơ quan chức năng quản lý di tích và chính quyền sở tại không quan tâm dẫn đến di tích bị sập đổ. Đây là sự cố đáng tiếc nhưng cũng rất may là khi di tích bị sụp đổ không có ai bị thương vong”.

Nhà nghiên cứu Hồ Tấn Phan.

Ông Phan cũng nhấn mạnh rằng, thời gian qua, Phu Văn Lâu bị quên lãng, trong khi Trung tâm Bảo tồn di tích lại đi trùng tu miếu sát bên Phu Văn Lâu (cách khoảng 50m) là Miếu Long Thuyền, miếu này hoàn toàn không có giá trị lịch sử, cũng không phải di tích. Mặc dù chúng tôi nhiều lần góp ý, phản ứng, thậm chí ông Mai Khắc Ấn, thành viên của Hội đồng khoa học của Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế phải thốt lên rằng “một việc làm quá vớ vẩn”. Nhưng sau đó không hiểu vì sao nó cũng được trùng tu xây dựng.

Long Thuyền miếu ít có giá trị lịch sử lại được xây dựng khang trang ngay sát bên Phu Văn Lâu.

Thừa nhận "có" chủ quan

Ông Phan Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm bảo tồn di tích (TTBTDT) Cố đô Huế thừa nhận trách nhiệm và có phần chủ quan khi Phu Văn Lâu - di tích đặc biệt quốc gia bị sập một góc.

“Phu Văn Lâu sập một phần là vì chúng tôi chưa đánh giá hết được sức chịu đựng khi quá trình trùng tu, tôn tạo cứ cách 20 năm làm một lần. Dù đã đến thời điểm trùng tu nhưng vì chưa có kinh phí nên công việc chưa được tiến hành. Đây cũng là một rủi ro khi chúng tôi thường xuyên có công tác rà soát kiểm tra các công trình chống đỡ trước mùa mưa bão nhưng không ngờ tới sự cố này.

Hội đồng nhanh chóng sẽ bắt tay vào họp và triển khai tìm các giải pháp khắc phục sớm nhất. Nhưng về lâu dài thì phải có dự án hỗ trợ đầu tư chứ không phải là vấn đề một sớm một chiều khi trùng tu lại di tích cổ này, bởi nó còn liên quan đến kinh phí, kỹ thuật”, ông Hải nói.

Vì sao một di tích được trùng tu đã lâu, xuống cấp mà chưa trùng tu? Trả lời câu hỏi này, ông Hải nói: “Đây là di tích cấp quốc gia đặc biệt, việc trùng tu không thể tùy tiện mà phải theo kế hoạch, quy trình được Chính phủ phê duyệt. Phu Văn Lâu là di tích thuộc dạng ưu tiên thứ hai, sau các di tích trong Đại nội Huế. Trước mắt chúng tôi sẽ cho chống đỡ để tránh sụp đổ những phần còn lại; xin ý kiến của Bộ Xây dựng. Về lâu dài phải lập dự án để trùng tu toàn thể công trình”.   

Ông Hải cho biết thêm, dù là nguyên nhân nào thì Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế cũng có phần trách nhiệm. Dù đã biết nó xuống cấp nhưng không ngờ lại nghiêm trọng như vậy. Và qua sự cố này, đơn vị cũng rút ra kinh nghiệm và cho kiểm tra lại toàn bộ di tích Huế, nếu có di tích nào xuống cấp, hư hỏng sẽ trình phương án trùng tu, sữa chữa. “Chúng tôi cũng có chút chủ quan là ngay sau mùa mưa bão không trùng tu sữa chữa mà chỉ tháo dỡ phần chằng chống di tích”, ông Hải nhấn mạnh.

Sự cố xảy ra là do đầu 1 thanh xà gỗ gắn vào cột bê tông ở góc đông bắc bị đứt rời phần đầu mộng, gắn gá vào đầu cột bê tông, kéo theo sự sụp đổ của một phần góc mái và chiếc cột gỗ cũng đã hết tính năng chịu lực bên cạnh.

Ngay trong sáng 16/5, Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế đã cho gia cố, chống đỡ toàn bộ hệ khung để tăng khả năng chịu lực, đảm bảo an toàn cho công trình. Đồng thời rà soát lại hồ sơ các lần tu sửa trước đây, có báo cáo nhanh gửi Ủy ban Nhân dân tỉnh, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch để có hướng xử lý kịp thời; bảo đảm an toàn và mỹ quan cho công trình.

ĐĂNG HẬU

Xem thêm clip: Bộ Ngoại giao yêu cầu TQ rút giàn khoan ra khỏi vùng biển VN

Tin nổi bật