Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Sản xuất thực phẩm chức năng: Chỉ là "treo đầu dê - bán thịt chó"

(DS&PL) -

Bộ trưởng Bộ Y tế cùng các cơ quan chức năng đã chứng kiến hàng loạt sai phạm của việc kinh doanh thực phẩm chức năng của Cty TNHH đầu tư thương mại XNK Bảo Khang.

Trực tiếp kiểm tra Cty TNHH đầu tư thương mại XNK Bảo Khang, Bộ trưởng Bộ Y tế cùng các cơ quan chức năng đã chứng kiến hàng loạt sai phạm của việc kinh doanh thực phẩm chức năng (TPCN) của doanh nghiệp này.

Lần đầu tiên Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến dẫn đầu đoàn thanh tra của bộ đột xuất kiểm tra những vấn đề liên quan đến lĩnh vực y tế, trong đó có Cty TNHH đầu tư thương mại XNK Bảo Khang (địa chỉ 1069 Phan Văn Trị, phường 10, quận Gò Vấp) – một cơ sở kinh doanh lớn về thực phẩm chức năng. Lập tức, hàng loạt sai phạm bị phát hiện.

Bộ trưởng tận mắt thấy sự thật...

Tại Cty TNHH Bảo Khang, đoàn thanh tra đã phát hiện đơn vị này quảng cáo nhiều loại TPCN với tên gọi “thuốc chữa bệnh” có công dụng như “thần dược”, chẳng hạn như sản phẩm giảm cân Express Slimming. Với sản phẩm Ever Slim thì quảng bá “sản phẩm ngăn ngừa chất béo tích tụ, đào thải mỡ ra ngoài...”. Với sản phẩm giảm cân Quế và Mật ong, Cty quảng cáo: “Uống nước này 2 lần mỗi ngày giảm... 4 - 5kg trong vài tuần”...

Bộ trưởng Bộ Y tế đang kiểm tra sản phẩm Express Slimming.

Phó Cục trưởng Cục Vệ sinh An toàn thực phẩm Nguyễn Thanh Phong đề nghị phía Cty cung cấp tên của nhà khoa học nghiên cứu về sản phẩm và các kết quả thử nghiệm... nhưng phía Cty đã không làm được điều đó. Ông Nguyễn Thanh Phong cho biết: “Cty đã quảng cáo vượt quá giới hạn được cấp phép, thổi phồng sự thật...Làm ăn như thế này chẳng khác nào “treo đầu dê - bán thịt chó”!

Đã vậy, sản phẩm nhập khẩu lại không có nhãn tiếng Việt. “Nguồn gốc sản xuất ở quốc gia nào phải ghi quốc gia đó, không thể ghi công nghệ và chất lượng Mỹ. Công nghệ và chất lượng Mỹ thì chẳng ai biết sản phẩm này có xuất xứ từ đâu” - ông Nguyễn Văn Nhiên - Trưởng phòng Thanh tra, Cục Vệ sinh An toàn thực phẩm - cho biết.

Theo giải thích của đại diện Cty, TPCN Slimming Express được đơn vị phân phối cho nhà nhập khẩu là Cty Thiên Hà Xanh, nên không có phiếu kiểm tra nhà nước về sản phẩm nhập khẩu lô hàng này. Tuy nhiên, khi đoàn thanh tra yêu cầu cung cấp hợp đồng của đơn vị với Cty Thiên Hà Xanh để chứng minh nguồn gốc, cũng như tính hợp pháp của sản phẩm này thì lãnh đạo đơn vị không cung cấp được.

Tiếp tục kiểm tra giấy phép nhập khẩu của Cty này thì phát hiện Cty Thiên Hà Xanh do chính ông Nguyễn Duy Bảo (hiện là TGĐ Cty Bảo Khang) làm giám đốc. Được biết, tại địa chỉ 688 Phan Văn Trị không hề có dấu hiệu của Cty Thiên Hà Xanh, mà ở đó chỉ là cơ sở thẩm mỹ Ngọc Loan (?).

Quảng cáo quá sự thật

Kiểm tra đăng ký kinh doanh, đoàn kiểm tra của Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến còn phát hiện Cty chẳng hề liên quan lĩnh vực kinh doanh dược, nhưng Cty lại đề bảng hiệu là “Dược Bảo Khang”, điều này cho thấy, Cty này đã quảng cáo quá chức năng của chính Cty này.

Thanh tra Bộ Y tế chỉ những sai phạm trong quảng cáo TPCN. 

Trước những sai phạm nêu trên, Bộ trưởng Bộ Y tế yêu cầu đoàn thanh tra lấy mẫu các sản phẩm tại Cty mang đi kiểm nghiệm để đối chiếu chất lượng được công bố trên sản phẩm, yêu cầu Cty Bảo Khang phải thu hồi ngay những tài liệu, tạp chí quảng bá về các sản phẩm mà Cty cho lưu hành để tiêu hủy; gỡ bỏ ngay tức khắc các nội dung quảng bá sai trái về sản phẩm đăng trên các website của Cty; thống kê số lượng các sản phẩm vi phạm đã nhập khẩu và phân phối để tiến hành thu hồi; buộc Cty tháo bỏ chữ “dược” trước chữ Bảo Khang...

Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết: “Mục đích chính của thực phẩm là phục vụ sức khỏe người dân. Chính vì thế, việc quảng cáo sai sự thật, quảng cáo quá chức năng của sản phẩm khiến người dân hiểu nhầm là không nên”. Bộ trưởng yêu cầu đoàn thanh tra làm rõ mối quan hệ của Cty Thiên Hà Xanh và Cty dược Bảo Khang, nếu sai phạm tiếp tục có hình thức xử lý triệt để.

Đại diện Cục Vệ sinh An toàn thực phẩm cho biết, ngoài sai phạm của Cty Bảo Khang vừa được phát hiện, qua kiểm tra từ đầu năm đến nay, cục cũng đã xử phạt gần 30 Cty kinh doanh sản phẩm TPCN. Trong đó nội dung vi phạm thường thấy là quảng cáo sai về người sử dụng, thành phần cấu tạo, công dụng. Một số mẫu quảng cáo khiến người đọc dễ nhầm thực phẩm có khả năng chữa bệnh như thuốc.

TS Trần Quang Trung - Cục trưởng Cục Vệ sinh An toàn thực phẩm - cho biết: Vừa có 8 Cty kinh doanh TPCN vi phạm về quảng cáo sai quy định và vi phạm về chất lượng sản phẩm bị xử phạt với tổng số tiền phạt hơn 180 triệu đồng.

Trong đó có 7 đơn vị vi phạm quảng cáo, gồm: Cty cổ phần dược mỹ phẩm Bảo An (Hà Nội) có đến 5 sản phẩm TPCN là Kankavin, Thanh Huyết Khang, Bảo An Tiền liệt đơn Gastfuco và Slala; Cty TNHH Thịnh Chương (Hà Nội) đã thực hiện hành vi quảng cáo sản phẩm TPCN Meganin - On và Trà Tam Thanh, dù trước đó, đơn vị này đã có 3 lần vi phạm bị cục xử lý; Cty TNHH một thành viên đầu tư và xuất nhập khẩu Việt Nam JSC quảng cáo sản phẩm TPCN Dược lực Maca; Cty cổ phần dược phẩm Hoa Thiên Phú quảng cáo sản phẩm Viên uống Hoa Thiên; Cty TNHH đầu tư và phát triển Đông Tây với thực phẩm chức năng Hộ Tạng Đường, Cty cổ phần dược mỹ phẩm CVI với sản phẩm Cumargold và Cty TNHH dược phẩm Anh Thy với sản phẩm TPCN Byzaky đều quảng cáo không đúng sự thật so với cấp phép.

Tin nổi bật