Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Sài thành cổ kim ký: Những bí ẩn xung quanh Tả quân Lê Văn Duyệt

(DS&PL) -

Tả quân Tổng trấn Gia Định thành Lê Văn Duyệt là một trong những người gắn với nhiều giai thoại kỳ lạ.

Tả quân Tổng trấn Gia Định thành Lê Văn Duyệt là một trong những người gắn với nhiều giai thoại kỳ lạ. Việc ông mất vì bị hàm oan, thể xác hành hạ, mồ mả bị xiềng xích và được giải oan sau đó càng khiến người ta tò mò về ông.

Lúc còn sống, Tả quân Lê Văn Duyệt rất có quyền uy, được người dân kính nể khi hai lần được vua triều Nguyễn cử giữ chức Tổng trấn Gia Định thành 1812 - 1815 và 1820 – 1832. Ông cai quản cả một vùng rộng lớn của đất phương Nam. Thế nên, việc có nhiều giai thoại và câu chuyện lưu truyền trong dân gian về cuộc đời của ông chẳng phải là điều gì kỳ lạ.

Trong cuốn Nghệ thuật kiến trúc, trang trí, lễ hội lăng Tả quân Lê Văn Duyệt, tác giả Bùi Thị Ngọc Trang đã viết: “Tả quân Lê Văn Duyệt có “tướng tinh”, nghĩa là con cọp bạch. Vì vậy, lúc ông chưa phò chúa Nguyễn khi ngủ có người thấy thấp thoáng bóng con cọp bạch hiện ra. Lại có truyền tụng rằng những con hổ mà Lê Văn Duyệt nuôi để mang đi giao đấu rất sợ và tuân lời ông răm rắp. Nhiều khi chúng đang nổi giận gặp cái gì cũng giày xéo nhưng thấy thấp thoáng bóng tướng quân là ngoan ngoãn, điềm tĩnh ngay lại”.

Khi Tả quân Lê Văn Duyệt ngã bệnh, cột cờ trong thành Gia Định bỗng nhiên bị gãy dù trời không hề có gió. Một tháng sau, khi đang đi kinh lý biên giới, con voi ông cưỡi thình lình nằm bẹp dí xuống đất, cất tiếng rống thảm thiết dù bắt ép thế nào cũng không đứng dậy. Cuối cùng, ông phải dùng ngựa mà đi. Thấy có điềm lạ, Tả quân Lê Văn Duyệt báo cho mọi người hay biết, mình đang bị bệnh.

Chuyện xưa kể rằng, trong một lần đi lên núi Bà Đen (Tây Ninh bây giờ), ông được báo ứng biết trước hậu vận là sẽ bị hành hạ, mả mồ bị xiềng xích, tên tuổi bị đục khoét rồi mới được minh oan mà sau này diễn tiến đúng y như thật. Sử sách xưa ghi lại: “Tháng 7 năm 1832 (Nhâm Thìn), Tả quân Lê Văn Duyệt mất được an táng tại làng Bình Hòa (bây giờ là quận Bình Thạnh). Tuy nhiên, do mối tị hiềm với tả quân nên vua Minh Mạng đã ghép ông vào 11 trọng tội và “đến chỗ mả đắp, san làm đất bằng”, dựng bia khắc 8 chữ “Quyền yêm Lê Văn Duyệt phục pháp xử (Chỗ tên hoạn quan Lê Văn Duyệt chịu tội). Đến năm 1841, khi Thiệu Trị con trai trưởng vua Minh Mạng lên ngôi thì nỗi oan khiên trên mới được giải. Vua cho xuất tiền kho xây đắp lại mộ cho Tả quân Lê Văn Duyệt khang trang".

Ngày nay, lăng mộ của Tả quân Lê Văn Duyệt được đặt trong khuôn viên rộng 18.500m2 , bên hông chợ Bà Chiểu (số 126 đường Đinh Tiên Hoàng, quận Bình Thạnh, TP.HCM). Lăng mộ của ông còn được gọi là lăng Ông hay lăng Ông Bà Chiểu vì vợ của ông cũng được chôn cất ở đây. Lăng Ông là một công trình kiến trúc nghệ thuật độc đáo với mặt chính hướng ra Cầu Bông. Tường bao xung quanh được sử dụng đá ong trát xi măng. Mặt ngoài bình phong tiền có chạm hình con chim đậu trên cành cây trong tư thế xõa cánh, còn mặt trong đắp hình hai con hổ, một lớn, một nhỏ. Bình phong hậu đắp nổi một mặt rồng, chân có bốn móng trông rất uy nghi, trang nghiêm. Vì có kiến trúc độc đáo và nhiều lễ hội hàng năm nên lăng Ông trở thành địa điểm tham quan thu hút được rất đông du khách thập phương.

NAM AN 
Bài đăng trên báo giấy Đời sống & Pháp luật số 89 

Tin nổi bật