Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Sách lậu thách thức pháp luật, trục lợi bằng những chiêu trò gian lận

(DS&PL) -

Đối với nhiều nhà xuất bản (NXB) hay đơn vị phát hành, việc sống chung với sách lậu giờ đã thành “cơm bữa”.

Đối với nhiều nhà xuất bản (NXB) hay đơn vị phát hành, việc sống chung với sách lậu giờ đã thành “cơm bữa”. Thay vì bày bán công khai, các đối tượng chuyên buôn bán sách giả, sách lậu khuynh đảo thị trường thậm chí chuyên nghiệp đến mức đã lập các trang mạng xã hội rồi quảng cáo, dùng chiêu thanh lý, giảm giá sâu để hút độc giả...

Để tự cứu mình, các đơn vị xuất bản phải tăng cường dán tem chống giả, hướng dẫn phân biệt sách thật – sách giả.

Tràn lan sách lậu trên mạng

Gặp nhau tại lễ trao giải thưởng Sách quốc gia 2020 tại Hà Nội vào giữa tháng 10 mới đây, câu chuyện quen thuộc của các giám đốc NXB hay công ty sách vẫn là việc sách bị in lậu, làm giả khiến họ bị thiệt hại đủ đường.

Như đại diện NXB Kim Đồng bày tỏ bức xúc khi trên mạng xã hội Facebook xuất hiện lời rao bán bộ Kính vạn hoa của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh do đơn vị này đang nắm giữ bản quyền. Suốt 20 năm qua, NXB Kim Đồng đã tái bản bộ sách này nhiều lần với các hình thức khác nhau. Bộ sách được in trên giấy chống lóa và bán trọn bộ giá khoảng 1,4 triệu đồng. Tuy nhiên, các đối tượng in lậu chỉ bán với giá 499 nghìn đồng, là mức giá khiến “các nhà xuất bản chân chính không thể cạnh tranh nổi”.

Tương tự, NXB Trẻ đang giữ bản quyền hầu hết các đầu sách của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh. Trong đó có những cuốn sách tới trên 100.000 bản ngay lần in đầu và liên tục được tái bản. Thế nhưng, các tựa sách có lượng tiêu thụ lớn như Làm bạn với bầu trời, Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ, Cô gái đến từ hôm qua... đều đã bị in lậu và rao bán công khai trên mạng, thậm chí còn quảng cáo để tiếp cận được với nhiều độc giả ở khắp mọi vùng miền. Điều đáng chú ý, chủ các trang Facebook này đều “ẩn danh”. Họ chụp ảnh bộ sách thật để chào mời nhưng khi giao hàng cho khách lại là sách giả.

Không chỉ các đơn vị lớn như NXB Kim Đồng hay NXB Trẻ, hoạt động in lậu sách còn khiến nhiều công ty sách phải đau đầu. Còn đại diện công ty First News - Trí Việt cho biết, hơn 500 đầu sách của doanh nghiệp này đã bị in lậu trong thời gian qua, có những tựa sách bị hàng chục nơi in lậu. Những cuốn sách càng được độc giả quan tâm như Đắc nhân tâm, Hành trình về Phương Đông, Nghĩ giàu làm giàu, Dám nghĩ lớn, hay bộ 18 cuốn Hạt giống tâm hồn... càng dễ bị in lậu.

Các đơn vị xuất bản khác như Nhã Nam, Alphabooks, Thái Hà Books... cũng đều có những tựa sách bị in lậu. Phía công ty sách Đông A vừa phát hiện bộ sách của nhà văn Mario Puzo gồm Bố già, Luật im lặng, Cha con Giáo hoàng, Đất máu sicily, Ông trùm cuối cùng bị in lậu. Tinh vi hơn, đối tượng in lậu đã sửa giá bìa theo chiều hướng tăng lên rồi quảng cáo “thanh lý kho” giảm giá để lừa bạn đọc.

Cụ thể, trang Facebook “Ngôi nhà tri thức” nâng giá bìa của bộ sách lên gần gấp đôi, từ 610 nghìn đồng lên gần 1,2 triệu đồng để rao bán với giá 499 nghìn đồng. Mức giá này vẫn cao hơn mức giá bán (giảm 30%) của bộ sách trên trang web chính thức của công ty Đông A cũng như một số đối tác uy tín.

Đành phải “sống chung với lũ”?

Là người lên tiếng mạnh mẽ nhất trong việc phản đối sách lậu, ông Nguyễn Văn Phước, Giám đốc công ty First News - Trí Việt chia sẻ: “Tôi là người tham gia trực tiếp quá trình làm sách, từ khâu mua bán bản quyền, dịch thuật, biên tập đến in ấn... Chúng tôi coi mỗi tác phẩm như đứa con tinh thần, chứ không phải sản phẩm thương mại. Thế nên, tôi không chấp nhận đứa con tinh thần của mình bị “xẻ thịt”, hay sản xuất “vô tính” một cách đầy sai sót, vô lương tâm và coi thường pháp luật. Đây không chỉ là vấn đề tiền bạc hay lợi nhuận”.

Vị này cũng nhìn nhận, doanh thu của hoạt động xuất bản đóng góp cho nền kinh tế không nhiều nhưng đây là ngành giúp nâng cao giáo dục, văn hóa và dân trí. Vì thế, giới trí thức cần lên tiếng về nạn sách lậu. Bởi lẽ, một tập sách đúng quy trình, từ khâu tiếp nhận bản thảo đến lúc ra sách, ít nhất cũng phải mất nửa năm, qua sự thẩm định phê duyệt của các cấp quản lý mới được xuất bản. Tại sao sách giả lại dễ dàng tuồn ra thị trường như vậy?

Còn theo ông Nguyễn Thành Nam, Phó Giám đốc NXB Trẻ, những cuốn sách in lậu có chất lượng rất kém, bìa bị nhòe, giấy mỏng và xấu. Với tình trạng sách lậu, trước tiên bạn đọc là người thiệt thòi vì mua phải sản phẩm kém chất lượng.

Người thiệt tiếp đến là các tác giả. Vì khi sách bị làm giả hay in lậu, số lượng bán ra thị trường rất nhiều, nhưng các tác giả không có tiền tác quyền. Trường hợp xấu hơn là các NXB nước ngoài sẽ không muốn hợp tác với NXB hay công ty sách ở Việt Nam nếu việc này tiếp diễn.

Hậu quả khó lường về nhận thức, văn hóa

Ghi nhận của PV tạp chí ĐS&PL, ông Lê Hoàng, Phó Chủ tịch hội Xuất bản Việt Nam khẳng định, tình trạng sách lậu xuất hiện tràn lan như hiện nay, đã và đang dẫn đến nhiều hệ lụy nghiêm trọng về kinh tế lẫn văn hóa.

Trong những năm qua, hoạt động in lậu, in giả, in nối bản trái phép tại Việt Nam diễn ra với quy mô lớn và tính chất ngày càng phức tạp. Tình trạng này đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền, lợi ích hợp pháp, gây thiệt hại lớn về kinh tế cho tác giả, cho các nhà xuất bản, đối tác liên kết, làm thất thu ngân sách Nhà nước, ảnh hưởng đến uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế khi tham gia công ước Berne về bảo hộ các tác phẩm văn học, nghệ thuật.

“Nếu cứ như hiện nay, người làm sách chân chính sẽ không dám đầu tư nữa. Vì đầu tư quyển nào tốn rất nhiều tiền mà bán chạy thì bị in lậu, làm giả. Tác giả cũng chung mối lo này. Ngoài ra, vấn nạn này còn dẫn đến thiệt hại thứ ba là lòng tin của người dân đối với ngành xuất bản và cơ quan quản lý Nhà nước khi đặt ra câu hỏi tại sao không khắc phục được thực trạng này”, ông Hoàng cho hay.

Vị chuyên gia cũng kiến nghị, ngành xuất bản cần phải đấu tranh với sách lậu trên cơ sở thu thập chứng cứ trong lúc việc nhờ cậy cơ quan quản lý Nhà nước còn bất cập. “Chẳng hạn như Quản lý thị trường, họ không đủ lực lượng để làm. Mà trong khi đó, sách của đơn vị nào thì đơn vị đó mới biết. Cho nên, các NXB và công ty sách phải lập vi bằng khi phát hiện sách của mình bị in lậu, thông qua các chuyên gia và kết hợp với lực lượng chức năng để đấu tranh đến nơi đến chốn”, ông Hoàng đề nghị.

Sắp có thêm “quả đấm thép” và những chế tài để mạnh tay “dẹp loạn”

Ông Nguyễn Nguyên, Cục trưởng cục Xuất bản, In và Phát hành.

Làm rõ hơn quy định pháp luật và chế tài xử lý đối với sách lậu, PV ĐS&PL đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Nguyên, Cục trưởng cục Xuất bản, In và Phát hành (bộ Thông tin & Truyền thông).

Thưa ông, trước sự lên tiếng của nhiều đơn vị xuất bản về tình trạng sách lậu, phía cơ quan quản lý có đánh giá ra sao?

Hiện nay, vấn đề in sách lậu hết sức phức tạp. Đặc biệt, từ năm 2002 trở lại đây, khi phân cấp quản lý xuất bản cho các địa phương, trong đó có quản lý in, cũng gây ra những bất cập trong việc phát hiện và xử lý các sai phạm.

Cụ thể, đến nay có đến 93,5% các cơ sở in là do địa phương cấp giấy phép và trực tiếp quản lý. Do đó, vai trò của các địa phương đi đầu trong vấn đề quản lý chặt chẽ công tác xuất bản, trong đó có quản lý in lậu là rất quan trọng. Nhưng thực tế, do hạn chế về nguồn nhân lực, vật lực nên không ít các địa phương rất khó kiểm soát những sai phạm trong việc in lậu.

Như vậy, vai trò của cơ quan chức năng, cụ thể là cục Xuất bản, In và Phát hành được thể hiện như thế nào?

Trước tình trạng in lậu khá phức tạp với nhiều biến tướng, nhất là các hành vi làm, phát hành sách giả, sách lậu trên mạng, chúng tôi đã và đang triển khai đồng bộ một số giải pháp vừa mang tính cấp bách, vừa mang tính lâu dài, để ngăn chặn, xử lý với sách lậu, sách giả, sách vi phạm bản quyền.

Đặc biệt, Cục đã phối hợp các cơ quan an ninh mạng, triển khai các biện pháp nhằm xóa bỏ tình trạng chào bán sách lậu, sách giả trên mạng. Đầu tiên, Cục sẽ cùng các nhà xuất bản trong việc đấu tranh với các trang mạng xuyên quốc gia.

Bởi lẽ, lợi dụng mạng xã hội, nhất là các mạng xã hội xuyên quốc gia, các trang web có tên miền ở nước ngoài, không ít đối tượng chào bán sách lậu, sách giả, sách tăng giá so với giá bìa, thậm chí là sách có nội dung sai trái, độc hại. Vì thế, việc đấu tranh, ngăn chặn chống in lậu cần được coi như nhiệm vụ trọng tâm của ngành.

Cục chủ động phối hợp các cơ quan quản lý thông tin điện tử, an ninh mạng, công an... để rà soát, triển khai các biện pháp đấu tranh, ngăn chặn các trang web, mạng xã hội chào bán sách lậu, sách giả, vi phạm bản quyền, gỡ bỏ các trang này, không để bày bán sách lậu, sách giả.

Còn đối với các đơn vị làm sách, ông có đề nghị gì để họ tự bảo vệ bản quyền của mình?

Cục Xuất bản, In và Phát hành đã hướng dẫn các nhà xuất bản có những bước đi để tự bảo vệ mình. Trong đó có việc giúp các cơ quan chức năng phân biệt sách giả, sách lậu bằng tem chống giả.

Nếu nhìn bằng mắt thường, rất khó phân biệt được đâu là sách thật, đâu là sách giả. Chỉ khi sờ vào bìa sách mà không thấy tên sách được in nổi, chất liệu giấy kém và thấy không in màu ở trang cuối như sách thật, mới có thể khẳng định đó là sách giả.

Do đó, thực hiện tem chống giả là vô cùng cần thiết. Để giúp các nhà xuất bản, chúng tôi đã làm việc với nhiều đơn vị sản xuất tem chống giả, khuyến khích các đơn vị này cung ứng ra thị trường sản phẩm tem bảo vệ bản quyền với yêu cầu về chất lượng, giá cả hợp lý, thuận lợi sử dụng.

Từ đó giới thiệu đến các nhà xuất bản, đơn vị làm sách, tạo điều kiện cho người làm sách được tự lựa chọn phương tiện bảo vệ bản quyền của mình.

Theo ông, quy định pháp luật để xử lý vấn đề này đang ở mức độ như thế nào?

Qua nhiều năm thực hiện, Nghị định 159 của Chính phủ ban hành năm 2013 đã không còn phù hợp vì chế tài chưa đủ mạnh. Sau một thời gian dài chuẩn bị, dự thảo sửa đổi, bổ sung đã cơ bản hoàn thành, đang trình Chính phủ.

Tổng quát dự thảo dự kiến gồm 5 chương, 42 điều. Trong đó, chương 3 về xử lý vi phạm trong hoạt động xuất bản có 11 điều với nhiều nội dung sửa đổi, bổ sung về hành vi vi phạm và chế tài cho phù hợp với thực tế. Hy vọng sau khi Nghị định được thông qua, việc xử lý những sai phạm sẽ mạnh tay hơn, góp phần ngăn chặn, đẩy lùi vấn nạn in và phát hành sách lậu.

Cảm ơn ông!

Hà Nhân

Bài đăng trên ấn phẩm Đời sống & Pháp luật số thứ Tư (169)

Tin nổi bật