Bát đũa cùng các vật dụng liên quan như chén, nồi, muỗng cần sớm được rửa sạch sau khi ăn. Theo chuyên trang sức khỏe Healthline, nếu để quá lâu thì đây sẽ là môi trường thuận lợi cho vi khuẩn phát triển
Được biết, vi khuẩn có thể tồn tại trên các bề mặt tới 4 ngày, ngay cả ở bề mặt sạch. Việc làm sạch bát đũa và các vật dụng trong bếp sẽ giúp giảm đáng kể nguy cơ nhiễm bệnh.
Nhiều gia đình vẫn giữ thói quen rửa bát đũa bằng tay thay vì sử dụng máy rửa bát bởi cho rằng cách này tiết kiệm và sạch hơn. Thế nhưng, theo Southern Living, các chuyên gia khuyên nên rửa bát đũa bằng máy vì những lý do dưới đây.
Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) khuyến nghị, nước cần đạt ít nhất 60 độ C để khử trùng bát đũa nhưng mức nhiệt này quá cao để có thể tiếp xúc bằng tay trần. Trong khi đó, nghiên cứu của National Sanitation Foundation (NSF) cho thấy, các máy rửa chén đạt chuẩn có thể làm nóng nước lên đến 70 độ C, đủ để tiêu diệt gần 100% vi khuẩn gây bệnh, ví dụ như E. coli hay Salmonella, thường tồn tại ở trên bề mặt bát đĩa sau khi ăn.
Nhiều gia đình vẫn giữ thói quen rửa bát đũa bằng tay mà không sử dụng máy rửa bát. Ảnh minh họa: Shutterstock
Khi rửa bát đũa bằng tay, vật dụng tiếp xúc chứa nhiều vi khuẩn nhất chính là miếng bọt biển. Đương nhiên, máy rửa chén cũng dễ bị nhiễm khuẩn không kém. Tờ Columbia Daily Tribune đưa tin, theo các nghiên cứu, 100% máy rửa chén có chứa vi khuẩn, chủ yếu là tập trung ở miếng đệm cao su của máy.
Bên cạnh đó, một nghiên cứu công bố năm 2018 trên chuyên trang Applied and Environmental Microbiology kiểm tra 24 máy rửa chén. Kết quả, nhiều loại vi khuẩn và nấm được phát hiện trên các máy rửa chén này.
Thế nhưng, tất cả các vi khuẩn này đều được xếp vào loại mầm bệnh cơ hội, có nghĩa về cơ bản chúng vô hại với người khỏe mạnh. Những người có hệ miễn dịch bị tổn thương có thể sẽ phát bệnh nếu bị nhiễm vi khuẩn và các loại nấm này.
Mặc dù vi khuẩn xuất hiện trong máy rửa bát nhưng thiết bị này vẫn được xem là tốt cho sức khỏe hơn so với việc rửa bằng tay. Nguyên nhân chính là vì nhiệt độ nước của máy rửa bát.
Máy rửa bát sẽ sử dụng nước nóng từ 60 - 63 độ C - mức nhiệt có thể gây bỏng da. Do đó, máy rửa bát sẽ tiêu diệt vi khuẩn tốt hơn và giúp chén bát sạch hơn. Máy rửa bát cũng không sử dụng miếng bọt biển, vốn là nơi trú ngụ của nhiều vi khuẩn và mầm bệnh.
Nếu vẫn muốn rửa bát đũa bằng tay, các chuyên gia khuyến cáo nên thường xuyên vệ sinh kỹ miếng bọt biển nhằm giảm thiểu vi khuẩn phát tán lên bát đũa và các vật dụng khác trong bếp, theo Healthline.
Báo cáo của tổ chức phi lợi nhuận Mỹ chuyên hoạt động ở trong lĩnh vực bảo vệ môi trường và tài nguyên thiên nhiên - Natural Resources Defense Council (NRDC), cho thấy một lần rửa bát đũa bằng tay có thể tiêu tốn đến 102 lít nước. Con số này gấp 9 lần so với máy rửa bát đạt chuẩn Energy Star, vốn chỉ dùngkhoảng 11 lít nước mỗi lần rửa.
NRDC cũng ước tính, nếu như tất cả hộ gia đình Mỹ chuyển sang sử dụng máy rửa bát tiết kiệm năng lượng thì mỗi năm có thể tiết kiệm hơn 200 tỷ lít nước, tương đương với lượng tiêu thụ hàng năm của gần một triệu người.
Các máy rửa bát hiện đại còn có chế độ Eco tiết kiệm điện, giúp giảm đáng kể chi phí điện năng hàng tháng. Không chỉ vậy, rửa bát bằng máy còn giúp tiết kiệm thời gian và bảo vệ đôi tay của bạn.
Rửa bát bằng máy giúp tiết kiệm điện, thời gian và bảo vệ đôi tay của bạn. Ảnh minh họa
Khảo sát của tổ chức phi lợi nhuận vì môi trường American Time Use Survey (2022) chỉ ra rằng, trung bình người Mỹ dành khoảng 15-30 phút/ngày để rửa bát bằng tay. Trong khi đó, việc sử dụng máy rửa bát trung bình có thể tiết kiệm hơn 180 giờ mỗi năm, tương đương với một tuần làm việc toàn thời gian.
Ngoài ra, theo các bác sĩ da liễu tại American Academy of Dermatology, việc tiếp xúc thường xuyên với xà phòng và nước nóng có thể gây mất lớp dầu tự nhiên trên da tay, dẫn đến viêm da tiếp xúc, nứt nẻ và khô ráp.
Mặc dù rửa bát đũa bằng máy có nhiều ưu điểm nhưng không phải lúc nào cũng nên sử dụng thiết bị này. Các vật dụng như dao sắc, đồ gỗ, đồ gang, đồ sứ cổ, hay bát đĩa vẽ tay không nên rửa bằng máy do dễ bị xỉn màu hoặc hỏng hóc.
Đối với các vết bẩn cháy khét hoặc là lượng bát đĩa quá ít, rửa bằng tay vẫn là giải pháp linh hoạt hơn. Ở những trường hợp này, các chuyên gia khuyến nghị dùng nước ấm, khăn sạch và cọ chuyên dụng nhằm tránh lây nhiễm vi khuẩn chéo.