Sáng ngày 14/11, trận chung kết Đường lên đỉnh Olympia năm thứ 21 chính thức diễn ra tại trường quay S14 – Đài Truyền hình Việt Nam và 4 điểm cầu ở các trường THPT mà các “nhà leo núi” đang theo học.
Các “nhà leo núi” xuất sắc góp mặt trong chung kết Đường lên đỉnh Olympia năm thứ 21 gồm Nguyễn Hoàng Khánh (Trường THPT Bạch Đằng, Quảng Ninh), Nguyễn Việt Thái (THPT chuyên Ngoại ngữ, Đại học Ngoại ngữ - Đại học Quốc gia Hà Nội), Nguyễn Thiện Hải An (THPT chuyên Khoa học tự nhiên, Đại học Khoa học tự nhiên - Đại học Quốc gia Hà Nội) và Nguyễn Đình Duy Anh (THPT chuyên Phan Bội Châu, Nghệ An).
Thế hiện xuất sắc qua cả 4 phần thi Khởi động, Vượt chướng ngại vật, Tăng tốc và Về đích, giữ được điểm số cách biệt 3 bạn chơi, Nguyễn Hoàng Khánh đã trở thành nhà vô địch Đường lên đỉnh Olympia năm thứ 21 với 315 điểm. Được biết, Hoàng Khánh là học sinh đầu tiên của Trường THPT Bạch Đằng (Quảng Ninh) giành vòng nguyệt quế trong chung kết năm của Đường lên đỉnh Olympia.
Cậu học trò tới từ Quảng Ninh Nguyễn Hoàng Khánh trở thành nhà vô địch Đường lên đỉnh Olympia năm thứ 21. Ảnh: VTC News
Vui vì hoàn thành mục tiêu nhưng chưa quá hài lòng
Sau trận chung kết, Hoàng Khánh cho biết em cảm thấy rất vui vẻ khi đã hoàn thành được mục tiêu là giành vòng nguyệt quế của Đường lên đỉnh Olympia.
“Giờ đây em cảm thấy thoải mái sau một hành trình dài”, nam sinh Quảng Ninh chia sẻ với VietNamNet.
Trong trận chung kết, Hoành Khánh đã thể hiện kiến thức sâu rộng, đồng thời gây ấn tượng khi nhiều lần ấn chuông “chớp nhoáng”. Trong suốt các chặng thi, Hoàng Khánh luôn chiếm ưu thế ở vị trí dẫn đầu.
Liên tiếp bấm chuông giành quyền trả lời từ gói câu hỏi của các bạn chơi khác rất nhanh nam sinh trường THPT Bạch Đằng tiết lộ đó không phải chiến thuật trong cách chơi, đơn giản là “em nghĩ câu nào mình cảm thấy có khả năng trả lời được thì nhấn chuông trả lời”.
Kết quả, phần trả lời của Hoàng Khánh hầu hết là chính xác. Dù vậy, nam sinh Quảng Ninh cho hay vẫn chưa quá hài lòng và cho rằng mình có thể làm được tốt hơn.
Em nói: “Bình thường tốc độ bấm chuông của em tốt hơn rất nhiều, nhưng hôm nay tay em liên tục bị ra mồ hôi, do đó bị chậm hơn một vài câu. Trong trận thi đấu, nhiều lần em phải cho tay vào túi quần để làm khô”.
Theo nam sinh Quảng Ninh, em ấn tượng với khoảnh khắc bấm chuông trả lời Chướng ngại vật.
“Giờ nghĩ lại em thấy mình cũng có chút hơi liều. Rất may em đã thành công ở phần thi Vượt chướng ngại vật và điều đó đã giải tỏa tâm lý rất nhiều cho em”, Hoàng Khánh chia sẻ.
Ước mơ làm doanh nhân, chưa có ý định đi du học
Theo VTC News, tân quán quân Đường lên đỉnh Oympia dự kiến sẽ theo học trong nước và chưa có ý định đi du học.
“Sau ngày hôm nay em sẽ tiếp tục học tập thật tốt để thực hiện ước mơ trở thành doanh nhân, bên cạnh đó sẽ học thêm lập trình để phục vụ cho cuộc sống”, Hoàng Khánh chia sẻ sau cuộc thi.
Khi được hỏi về định hướng đi du học, Hoàng Khánh cho hay em đang cân nhắc kỹ càng. “Em sẽ nghe thêm góp ý của bố mẹ, thầy cô và bạn bè. Trong thời gian dịch bệnh này thì Việt Nam vẫn là một nơi tuyệt vời để em có thể học tập và theo đuổi ước mơ”, nam sinh Quảng Ninh nói.
Quyết định trên của Hoàng Khánh được gia đình ủng hộ. Nhà vô địch Đường lên đỉnh Olympia năm thứ 21 hiện chưa tiết lộ về trường đại học trong nước mà mình có ý định theo học.
Nguyễn Hoàng Khánh bên bố mẹ. Ảnh: VietNamNet
Chị Hoàng Thị Thu Giang, mẹ của Hoàng Khánh tâm sự: “Con có những kế hoạch của riêng mình. Thực ra cơ hội để du học của con cũng khá nhiều, nhưng đến thời điểm này, con vẫn chưa quyết định và cũng có cả một số dự định với các trường trong nước. Bởi giờ đây, học ở trong nước cũng có rất nhiều cơ hội tốt”.
Chị Giang chia sẻ thêm, không chỉ trên sân khấu mà trong cuộc sống thường ngày, Khánh cũng thể hiện là một người bản lĩnh và đôi khi còn là điểm tựa tinh thần cho cả nhà. Nam sinh ít nói, điềm đạm nhưng sống rất tình cảm, cũng rất hay làm việc nhà, đặc biệt là nấu ăn rất ngon.
Để có được thành tích đáng ngưỡng mộ, ngoài thời gian học tập trên lớp, Hoàng Khánh thường tham gia các hoạt động thể dục thể thao để có tinh thần thoải mái nhất cho cuộc thi. Song song với việc ôn luyện các kiến thức, nam sinh còn chăm chỉ lắng nghe các chương trình thời sự, đọc thêm các trang báo để nắm bắt thông tin.
“Khánh có một tủ sách rất lớn và có thể coi như là một thư viện nhỏ ở trong nhà. Con hay đọc báo, đặc biệt là báo nước ngoài”, chị Giang kể.
Đinh Kim (T/h)