Việc giám đốc tài chính của Huawei bị bắt được cho là một phần trong kế hoạch của Mỹ nhằm ngăn chặn Trung Quốc thực hiện chiến lược “Chế tạo Trung Quốc 2025”, giúp Washington giữ ưu thế.
Bà Mạnh Vãn Châu, giám đốc tài chính của Tập đoàn Huawei, Trung Quốc. Ảnh: Chinatimes. |
Hôm 1/12 Giám đốc tài chính (CFO) kiêm Phó chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn viễn thông Huawei, Trung Quốc đã bị bắt tại Vancouver, Canada theo yêu cầu của Mỹ, với lý do vi phạm lệnh cấm vận với Iran. Mỹ đã yêu cầu dẫn độ bà Mạnh Vãn Châu về Mỹ.
Mạnh Vãn Châu là con gái của nhà sáng lập Tập đoàn Huawei Nhậm Chính Phi, một cựu kỹ sư trong quân đội Trung Quốc. Do bà Mạnh bị bắt nên hiện nay, vị trí giám đốc tài chính Huawei sẽ được tạm thời thay thế bằng Chủ tịch hội đồng quản trị Huawei là ông Lương Hoa, người gia nhập Huawei từ năm 1995.
Việc bắt giữ Mạnh Vãn Châu diễn ra ngay trong thời điểm diễn ra cuộc gặp giữa Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Donald Trump ở Argentina. Mặc dù hai bên đã đạt được “đồng thuận” về tạm dừng leo thang chiến tranh thương mại và mở ra các cuộc đàm phán mới với mong muốn đạt được thỏa thuận mà hai bên có thể chấp nhận được.
Trung Quốc phản ứng gay gắt
Việc bắt giữ bà Mạnh Vãn Châu đã dẫn tới phản ứng rất gay gắt từ phía Trung Quốc. Ngày 6/12, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng tuyên bố: “Yêu cầu đối phương lập tức làm rõ lý do bắt người, lập tức thả người”. Trung Quốc cũng đã tiến hành giao thiệp nghiêm túc với phía Mỹ.
Đại sứ quán Trung Quốc tại Canada cũng đã lên án mạnh mẽ Canada đáp ứng yêu cầu của Mỹ, tiến hành bắt giữ bà Mạnh Vãn Châu, đồng thời coi đây là “hành vi vi phạm nghiêm trọng nhân quyền”, khẳng định bà Mạnh Vãn Châu là “một công dân Trung Quốc không vi phạm bất cứ luật pháp Mỹ hay Canada nào”.
Trung Quốc yêu cầu Mỹ và Canada “lập tức sửa chữa cách làm sai lầm, trả lại tự do cá nhân cho bà Mạnh”, đồng thời sẽ áp dụng mọi hành động để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của công dân Trung Quốc.
Mục đích của Mỹ
Đến nay, phía Huawei vẫn chưa biết bà Mạnh Vãn Châu đã có hành vi “không thỏa đáng” nào dẫn đến phía Washington tìm cách bắt giữ như vậy, đồng thời nhấn mạnh công ty này tuân thủ pháp luật của các nước sở tại, bao gồm Mỹ và châu Âu.
Không ít phương tiện truyền thông phương Tây đã liên hệ việc bắt giữ bà Mạnh với lệnh trừng phạt đối với Iran và cuộc chiến về khoa học công nghệ giữa Trung - Mỹ hiện nay. Đầu năm nay, Washington lên án một tập đoàn viễn thông khác của Trung Quốc là ZTE vi phạm lệnh trừng phạt Iran của Mỹ, đã cấm ZTE tiến hành giao dịch với doanh nghiệp Mỹ.
Theo tờ Nhật báo phố Wall, Huawei cũng là đối tượng điều tra của phía Mỹ. Đây chính là nguyên nhân dẫn đến bà Mạnh Vãn Châu bị bắt.
Theo tờ Thời báo Hoàn Cầu Trung Quốc, khả năng Huawei chịu chung số phận với ZTE là không cao. Bởi vì khả năng tự chủ công nghệ của Huawei cao hơn nhiều. Huawei có đủ khả năng và trí tuệ ứng phó với rủi ro hiện nay, đồng thời sẽ giảm đến mức thấp nhất các tổn thất.
Giáo sư Julian Ku, Đại học Hofstra, Mỹ cho rằng, luật pháp nước này quy định rõ ràng cấm xuất khẩu khoa học công nghệ từ Mỹ tới một số nước cụ thể. Huawei cũng phải tuân thủ những quy định này. Mỹ tiến hành trừng phạt Huawei vì vi phạm pháp luật là hợp tình, hợp lý.
Ngoài ra, cơ quan tình báo Mỹ nhiều lần lên án Huawei đánh cắp bí mật của Mỹ, nhấn mạnh các sản phẩm của Huawei đe dọa an ninh quốc gia của Mỹ. Nhiều quốc gia như Mỹ, Australia, New Zealand và Anh đều đã lần lượt tuyên bố cấm sử dụng thiết bị của Huawei để phát triển mạng 5G.
Có chuyên gia cho rằng, việc bắt giữ bà Mạnh Vãn Châu cho thấy, Mỹ tiếp tục đánh vào những “vi phạm” của các công ty công nghệ Trung Quốc, nhằm kiềm chế chiến lược “Chế tạo Trung Quốc 2025”.
Ngoài ra, ngay trong thời điểm sắp diễn ra các cuộc đàm phán thương mại Trung - Mỹ, Mỹ tiếp tục có các hành động gây sức ép lên Trung Quốc để tạo lợi thế cho đàm phán thương mại sắp tới.
Quan hệ Trung - Mỹ có thể 'xuất hiện mây đen'
Việc bắt giữ bà Mạnh Vãn Châu ngay trong ngày diễn ra cuộc gặp thượng đỉnh Trung - Mỹ đã tiếp tục “phủ mây đen” lên quan hệ Trung - Mỹ, thậm chí có thể góp phần làm cho các cuộc đàm phán Trung - Mỹ thất bại trong 3 tháng tới.
Ông Hồ Tích Tiến, tổng biên tập tờ Thời báo Hoàn Cầu Trung Quốc đã lên án Mỹ và cho rằng, Washington hoàn toàn đang bắt lỗi một cách có chủ ý, tìm cách dùng hệ thống luật pháp của nước này để “điều chỉnh” Huawei. Huawei trước hết cần tiến hành một cuộc chiến pháp lý nghiêm túc với Mỹ, tranh thủ bác bỏ mọi chỉ trích của Mỹ về mặt pháp lý.
Theo ông Hồ Tích Tiến, việc bắt giữ bà Mạnh Vãn Châu là sự “phá hoại nghiêm trọng” đối với thực hiện đồng thuận giữa lãnh đạo hai nước, điều này không phù hợp với lợi ích chính trị của Tổng thống Mỹ Donald Trump. Nếu Mỹ kiên trì cách làm sai lầm, ép Trung Quốc “giải phóng sức mạnh” thì Washington cuối cùng sẽ “hối hận”.
Hãng tin FAZ Đức cho rằng, việc bà Mạnh Vãn Châu bị bắt vì liên quan đến Iran chỉ là một phần nhỏ trong “chiến lược” của Mỹ. Điều Mỹ lo ngại nhất là khả năng Chính phủ Trung Quốc thông qua Huawei để phát động các cuộc tấn công mạng đối với Mỹ hoặc nắm được các thông tin nhạy cảm của Mỹ. Đồng thời, cơ quan an ninh Mỹ cũng đề nghị các đồng minh như Đức không nên sử dụng công nghệ của Huawei.
Đến năm 2019, Đức sẽ bán đấu giá băng tần truyền thông mạng. Huawei kỳ vọng sẽ đóng vai trò “then chốt” trong quá trình này. Hiện nay, công ty này đã là nhà cung ứng quan trọng cho công nghệ mạng của Đức. Mặc dù Deutsche Telekom của Đức từng phát hiện Huawei đã tiến hành hoạt động gián điệp công nghiệp trong dự án người máy thử nghiệm dùng cho truyền thông mạng, nhưng Huawei vẫn là nhà cung ứng linh kiện quan trọng nhất của Deutsche Telekom. Giống như tất cả các nhà cung ứng thiết bị mạng khác, Deutsche Telekom cũng sẽ tiến hành kiểm tra trước và trong quá trình sử dụng các linh kiện của Huawei.
Cách đây không lâu, Cơ quan an ninh công nghệ thông tin Đức từng khen ngợi Huawei, cho rằng so với các đối thủ cạnh tranh khác, Huawei có thái độ cởi mở hơn về công nghệ. Tháng 11/2018, “Phòng thực nghiệm đổi mới an ninh” của Huawei khánh thành ở Bonn, Chủ tịch Cơ quan an ninh công nghệ thông tin Đức Arne Schönbohm cũng đích thân tham dự và cho biết, việc xây dựng phòng thực nghiệm này sẽ có thể làm cho giao lưu giữa Huawei và Cơ quan an ninh thông tin Đức rộng rãi và sâu sắc hơn, từ đó ứng phó với các thách thức an ninh mạng trong tương lai.
Theo hãng tin FAZ, điều đáng chú ý là, mỗi khi con cái mình bị phê phán, ông Donald Trump luôn tỏ ra phẫn nộ đáp trả. Trong khi đó, với tranh chấp lâu dài với Huawei, chính quyền Donald Trump lại cố tình bắt giữ con gái nhà sáng lập của Huawei.
Tờ Suddeutsche Zeitung Đức cho rằng, xét tới mức độ nổi tiếng của người sáng lập, thì Huawei Nhậm Chính Phi ở Trung Quốc tương đương với Bill Gates ở Mỹ. Do đó, việc Trung Quốc bày tỏ phẫn nộ là điều không có gì lạ.
Mạnh Vãn Châu không phải là một nhà quản lý cấp cao doanh nghiệp bình thường, cũng như Huawei không phải là một doanh nghiệp bình thường. Người Trung Quốc hay người Mỹ đều biết rõ điều này.
Đối với ông Tập Cận Bình, Huawei, một tập đoàn có lượng tiêu thụ điện thoại di động vượt cả hãng Apple của Mỹ, đều thuộc một trong các kế hoạch to lớn của chủ tịch Trung Quốc. Đến giữa thế kỷ này, Trung Quốc có mục tiêu vươn lên trở hành người lãnh đạo toàn cầu trong lĩnh vực công nghệ lõi.
Ngoài ra, Mỹ còn nghi ngờ Huawei hợp tác với cơ quan tình báo Trung Quốc và cho phép cơ quan tình báo Bắc Kinh thu thập thông tin từ khách hàng chip và điện thoại di động. Đến nay, người Mỹ không thể nắm được bất cứ bằng chứng liên quan gì.
ĐÔNG PHONG (Theo Sina, Huanqiu, DW)