Mặc dù trải qua những thiệt hại nghiêm trọng xong quân đội Nga vẫn thu được nhiều lợi ích về mặt chiến lược, kinh nghiệm thực chiến ở chiến trường Syria.
Nga thu được nhiều lợi ích chiến lược ở chiến trường Syria. Ảnh: Reuters |
Cuối năm 2017, Tổng thống Vladimir Putin tuyên bố Nga đã hoàn thành sứ mệnh tại Syria và sẽ bắt đầu rút quân.
Tuy nhiên, trong một tình huống gợi nhớ đến trải nghiệm của Mỹ ở Iraq và Afghanistan, Nga dường như vẫn cố gắng chuẩn bị duy trì sự hiện diện quân sự tại Syria trong tương lai gần. Đây là chủ đề chính của hội đồng tại Trung tâm vì lợi ích quốc gia (CFTNI) gọi là “Sự can thiệp của Nga tại Syria”.
Những thành viên hội đồng bao gồm Paul J. Saunders, Giám đốc điều hành của CFTNI, Đại tá Robert E. Hamilton và Michael Kofman, nhà nghiên cứu cao cấp tại Trung tâm phân tích hải quân Mỹ. Ngoài ra, ông Gil Barndollar, Giám đốc nghiên cứu Trung Đông tại CFTNI cũng tham gia kiểm duyệt nội dung cuộc thảo luận.
Ông Paul Saunders bắt đầu cuộc thảo luận bằng cách chỉ rõ mục tiêu chiến lược trước khi Nga chính thức can thiệp vào xung đột Syria hồi năm 2015. Ban đầu, Moscow khẳng định muốn “ngăn chặn sự sụp đổ của chính phủ Tổng thống Syria Bashar al-Assad” và chống chủ nghĩa khủng bố.
Bên cạnh đó, "lợi ích phụ" mà Moscow muốn đạt được là “buộc Mỹ chấp nhận đối thoại chính trị" sau khi dẫn đầu liên minh với các phương Tây cô lập của Nga vì vụ sáp nhập bán đảo Crimea. Ngoài ra, chính phủ và quân đội Nga cũng đồng thời đảm bảo được mở rộng, tăng cường hiện diện quân sự ở Trung Đông.
Ông Saunders nhấn mạnh rằng việc đạt được một trật tự chính trị ổn định ở Syria sẽ vô cùng khó khăn đối với chính Syria và các đồng minh thân cận bao gồm Nga, Iran vì không có sự hỗ trợ tài chính đáng kể từ bên ngoài cho việc tái thiết.
Mỹ và các nước phương Tây sẽ không cung cấp viện trợ cho chính phủ Tổng thống Syria. Bên cạnh đó, việc xử lý các tay súng nước ngoài cũng sẽ là một thách thức lớn vì nhiều chính phủ không mong muốn họ hồi hương.
Về phần mình, ông Michael Kofman cung cấp một cái nhìn tổng quan về chiến dịch quân sự ở Syria. Từ quan điểm của Nga, ông nói "Syria thực sự bị chia thành 3 cuộc chiến. Đầu tiên là cuộc nội chiến giữa chính phủ của ông Assad và các nhóm phiến quân; thứ hai là xung đột giữa Thổ Nhĩ Kỳ và lực lượng người Kurd; thứ ba là cuộc đối đầu giữa Israel và Iran”.
Theo ông Kofman xung đột Syria có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với các chiến thuật quân sự và khả năng hoạt động của Nga. Ông đã mô tả cuộc xung đột Syria mang lại rất nhiều kinh nghiệm và sự đổi mới cho quân đội Nga. Khoảng hai phần ba tài sản không quân của Nga đã được đưa đến thực chiến ở đất nước Trung Đông này. Các sĩ quan, nhân viên, và những người lính đã đạt được những bài học quý giá về chiến tranh hiện đại và phát triển những ý tưởng mới để thực hiện tại các cuộc xung đột trong tương lai.
"Chiến thuật được thúc đẩy bởi công nghệ và tương lai", ông Kofman nói, nhấn mạnh rằng việc phát triển chiến thuật của Nga rất hạn chế vào thời điểm trước khi Moscow can thiệp ở Syria. “Đây là một trong nhiều lý do tại sao quân đội Nga thực sự muốn ở lại Syria. Họ không thể có được một trận đấu thực sự liên quan đến công nghệ quân sự với Mỹ ở bất cứ nơi nào khác trên thế giới”.
Sau hơn 3 năm tham gia chiến dịch chống khủng bố IS ở Syria, Lực lượng hàng không vũ trụ Nga (VKS) đã thực hiện hơn 36000 chuyến bay và mất tổng cộng 5 chiếc máy bay. Tuy nhiên, kết quả mà Nga đã đạt được tại chiến trường này được đánh giá là thành công nhất trong thực tiễn suốt 20 năm qua trên thế giới.
PHƯƠNG PHƯƠNG (Theo National Interest)