Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Quan chức mất tiền tỷ: Khai phần nhỏ, phần lớn chuyển con cháu

(DS&PL) -

Quan chức Quốc hội cho rằng, những tài sản được kê khai của quan chức Việt Nam chỉ là phần nổi trong tảng băng chìm khổng lồ.

Quan chức Quốc hội cho rằng, những tài sản được kê khai của quan chức Việt Nam chỉ là phần nổi trong tảng băng chìm khổng lồ.

Trước việc ông Đào Anh Kiệt, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM mất số tiền 1,6 tỷ đồng ở cơ quan và trước đó hàng loạt lãnh đạo bị mất cả trăm cây vàng, hàng tỷ đồng khi trộm ghé thăm, VTC News đã có buổi trò chuyện với ông Lê Như Tiến - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng Quốc hội.

Ông Lê Như Tiến - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng Quốc hội cho rằng nhiều cán bộ đang kê khai tài sản không trung thực.

- Ông nghĩ sao về việc liên tục xảy ra chuyện quan chức bị lộ gia sản khổng lồ khi trộm vào nhà?

Các phương tiện thông tin đại chúng vừa liên tục đăng tải tình trạng một số cán bộ bị trộm vào nhà mới phát hiện ra khối lượng tài sản chìm lớn nhiều tỷ đồng hay gần trăm cây vàng.

Sự việc trên cho thấy công tác quản lý tài sản của cán bộ công chức ở Việt Nam rất lỏng lẻo.

Nhiều người có kê khai tài sản nhưng phần lớn của “tảng băng chìm” lại chuyển sang cho con cháu, người thân. Chỉ kê khai phần nhỏ tài sản của mình. Kê khai như thế là không trung thực và không minh bạch.

Ngoài ra, hiện nay cán bộ ở Việt Nam đang “kê khai nhưng không công khai".

Hàng năm, các cán bộ đều phải kê khai, kiểm tra tài sản. Nhưng kết quả kê khai chỉ để trong ngăn tủ cơ quan, được khóa kỹ lưỡng; không công khai nơi cư trú hay thông tin tài sản về người được kê khai. Điều này khiến người dân, cử tri không biết thông tin, không thể giám sát được công chức mà họ bầu ra. Kê khai mà không công khai là hoàn toàn vô nghĩa.

- Chúng ta làm thế nào biết được đâu là tài sản không minh bạch?

Ở Việt Nam đã có rất nhiều công cụ để giám sát tài sản của cán bộ như Luật phòng chống tham nhũng, Luật cán bộ công chức. Và để xác minh tài sản của cán bộ thì nhiều cơ quan có thể vào cuộc như Ủy ban Kiểm tra của Đảng, sự giám sát của Quốc hội, thanh tra của Chính phủ và các cơ quan điều tra.

Trong luật ghi rõ, cán bộ phải giải thích được sự gia tăng của tài sản. Nếu không giải thích được sự tăng lên bất thường của tài sản thì có nghĩa là không minh bạch.

Ông Trần Văn Truyền - nguyên Tổng thanh tra Chính phủ sở hữu một khối tài sản khổng lồ cùng rất nhiều biệt thự khủng đã gây xôn xao dư luận.

Nếu như là tiền sạch thì cán bộ phải có trách nhiệm chứng minh. Trong các quy định đều nêu rõ cán bộ phải có trách nhiệm giải trình, chứng minh số tiền đó là tiền mồ hôi nước mắt đã tích tụ trong nhiều năm, hoặc tiền do con cái ở nước ngoài gửi về, tiền do thừa kế từ ông bà, cha mẹ...

Nếu những giải trình này là hợp lý thì không sao. Chúng ta cũng không quá khắt khe với việc cán bộ công chức có tài sản một cách chính đáng bởi vì dân có giàu thì nước mới mạnh.

Nếu cán bộ công chức không giải trình được thì rõ ràng người đó có vấn đề. Nếu phát hiện ra sự chuyển dịch tài sản cho con cháu, người thân trong gia đình thì các cơ quan điều tra phải vào cuộc.

Các cơ quan điều tra cần cần xác định đối tượng là con, cháu, người nhà của cán bộ liệu có được khối lượng tài sản lớn như thế hay không.

Tôi lấy ví dụ có trường hợp một đồng chí lãnh đạo cao cấp của một tỉnh chuyển dịch tài sản lớn cho con vừa mới trưởng thành. Bản thân người con này không thể có khối lượng tài sản lớn như thế được. Người con này mới hơn 20 tuổi đã có biệt thự cùng nhiều lô đất đắt tiền là bất hợp lý. Vì vậy, cơ quan phòng chống tham nhũng ở địa phương phải vào cuộc và có kết luận cho nhân dân được biết.

- Ông đánh giá thế nào về việc thanh tra tài sản cán bộ công chức thời gian qua?

Thời gian vừa qua, cơ quan thanh tra đã tiến hành trên 64.000 cuộc thanh tra nhưng chỉ chuyển sang cơ quan điều tra 464 vụ, chiếm 0,6\%. Điều đó chứng tỏ quá trình điều tra cũng chưa đạt hiệu quả như mong muốn.

Con số vụ việc chuyển sang cơ quan điều tra là quá ít ỏi. Chúng ta xử lý hành chính nhiều dẫn tới một bộ phận quan chức nhờn luật.

Theo tôi, cần có những cơ chế giám sát chặt chẽ, đặc biệt đối với người ở những vị trí dễ lạm dụng chức vụ để tham nhũng như quản lý đất đai công sản, thu chi ngân sách, quản lý tài chính, bổ nhiệm đề bạt cán bộ, ban hành chính sách…

- Theo ông, làm thế nào để giảm tham nhũng?

Để giảm tối đa tham nhũng, nên đưa tất cả các khoản thu nhập của cán bộ công chức vào trong các thẻ để không sử dụng tiền mặt. Hạn chế sử dụng tiền mặt thì có thể kiểm soát được tài sản của cán bộ.

Trước đây, một số ý kiến đã đề xuất cần có cơ chế cho cán bộ có mức lương cao hơn mặt bằng trung bình để người đó yên tâm công tác và không tư tưởng đến việc bòn rút tiền từ ngân sách nhà nước.

Tôi cho rằng những người nắm giữ những vị trí nhất định trong xã hội phải có thu nhập trước hết là đủ sống, sau đó là có thể tích lũy và đầu tư cho việc tái tạo sức lao động. Họ phải đủ sống để không có sự xà xẻo tiền của nhà nước.

Bên cạnh việc đề xuất sự vào cuộc mạnh mẽ của các cơ quan chức năng, cần phải thấy được trách nhiệm của người đứng đầu với việc quản lý cán bộ công chức, trong đó có quản lý tài sản của công chức.

Tin nổi bật