Vietnamplus đưa tin, liên tiếp trong hai ngày 31/7 và 1/8, Bệnh viện Đa khoa huyện Đồng Văn đã tiếp nhận 11 trẻ từ 3 đến 12 tuổi bị ngộ độc do ăn quả lạ, theo xác nhận loại quả này có tên là hồng châu. Theo gia đình nạn nhân, vào dịp nghỉ Hè không phải đi học, con em các gia đình đi cắt cỏ cho gia súc xong rồi rủ nhau đi hái quả hồng châu ăn.
Vậy quả hồng châu là gì?
Cây Hồng Châu có tên khoa học là Capparis versicolor Griff, họ Màn màn (Capparaceae). Theo tiếng địa phương, cây hồng châu còn được gọi là cây Rom, cây Mề gà, cây Khua mật, cây Móc quạ, chi pản sloa.
Cây hồng châu là loại cây thường mọc ở khu vực núi đá thuộc dạng cây leo. Vỏ thân cây màu xanh nhạt, có gai nhọn, cứng. Lá cây to bằng 2 ngón tay người lớn, dài khoảng từ 11-12cm, màu của lá xanh đậm.
Quả hồng châu khá hiếm gặp, chủ yếu xuất hiện ở vùng núi phía Bắc như Hà Giang, Cao Bằng...
Quả hồng châu khá hiếm gặp, chủ yếu xuất hiện ở vùng núi phía Bắc như Hà Giang, Cao Bằng... Quả tròn to bằng quả trứng gà, vỏ nhẵn mượt không có lông, quả non vỏ màu xanh nhạt, khi quả chín vỏ có màu tím và hơi mềm, bửa vào trong có lớp vỏ mầu hồng.
Mỗi quả có từ 4 - 6 hạt, các hạt có một lớp cùi màu trắng đục, nhiều nước và mềm bao bọc, bên trong cùi có một hạt to bằng hạt ngô có màu tím và hơi dẹt. Quả chín vào thời gian tháng 6 đến tháng 8 hàng năm do vậy đây cũng là thời điểm hay xảy ra những vụ ngộ độc quả này nhất.
Tại sao quả hồng châu lại có thể gây ngộ độc?
Theo Phụ nữ Việt Nam, độc tố của quả hồng châu là alcaloid, chứa chính trong nhân hạt (chưa thấy trong cùi) của quả. Độc tính của chúng tác động chủ yếu lên tế bào cơ tim và gây phù phổi cấp
Alcaloid có hoạt tính sinh lý rất cao đối với cơ thể con người và động vật, nhất là đối với hệ thần kinh. Một lượng nhỏ alkaloid cũng có thể gây chết người. Đặc biệt, các alcaloid trong thực vật thường ở dạng muối của các axit hữu cơ như axit malic, limonic, oxalic, succinic... dễ tan trong nước. Vì vậy nên dễ được hấp thu qua bộ máy tiêu hoá của người và động vật, gây độc mạnh.
Thử nghiệm trên động vật cho thấy, liều tối thiểu gây chết qua đường tiêu hóa của hạt có cả cùi đối với thỏ là 18g/kg thể trọng, đối với chuột cống trắng là 72g/kg thể trọng (động vật chết do suy hô hấp và trụy tim mạch). Hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu ngộ độc do quả hồng châu.
Quả tròn to bằng quả trứng gà, vỏ nhẵn mượt không có lông, quả non vỏ màu xanh nhạt quả chín vỏ có màu tím và hơi mềm.
Triệu chứng khi bị ngộ độc quả hồng châu
Khi bị ngộ độc quả hồng châu, người ngộ độc thường thấy các biểu hiện như nôn, buồn nôn, đau bụng, tiêu chảy. Nếu không được chữa trị kịp thời thì sẽ dẫn đến nguy hiểm đến tính mạng.
Khi phát hiện người bị ngộ độc, cần nhanh chóng xử trí bằng cách như gây nôn ngay lập tức, cho uống đủ nước (tốt nhất là dùng oresol) và bổ sung thêm than hoạt (liều 1gam/kg cân cặng người bệnh), sau đó nhanh chóng đưa người bệnh đến cơ sở y tế gần nhất bằng phương tiện vận chuyển, tuyệt đối không để người bệnh đi bộ.
Nếu người bệnh hôn mê, co giật thì phải cho người bệnh nằm nghiêng. Nếu người bệnh thở yếu, ngừng thở, phải hà hơi thổi ngạt hoặc hô hấp nhân tạo bằng các phương tiện cấp cứu tại chỗ.
Cách phòng ngộ độc tốt nhất là tuyệt đối không ăn các loại hoa quả, thực vật lạ và chính quyền địa phương, nhà trường cần tuyên truyền, phổ biến cho học sinh cách nhận biết những loại cây có thể gây ngộ độc để tránh những vụ việc đáng tiếc xảy ra.
Hiện chưa có thuốc điều trị trúng độc quả hồng châu. Những người bị ngộ độc quả hồng châu sẽ được điều trị các triệu chứng và điều trị căn nguyên.
Như Quỳnh (T/h)