Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Phút sa ngã của thiếu nữ Hà thành khi làm mẹ ở tuổi teen

(DS&PL) -

(ĐSPL) – Đến nay, gần 2 năm trôi qua kể từ khi phải vào trại cải tạo vì sử dụng ma túy tổng hợp, H. chưa ngày nào vơi đi nỗi nhớ về cô con gái bé nhỏ của mình.

(ĐSPL) – Đến nay, gần 2 năm trôi qua kể từ khi phải vào trại cải tạo vì sử dụng ma túy tổng hợp, H. chưa ngày nào vơi đi nỗi nhớ về cô con gái bé nhỏ của mình.

Chúng tôi đến Trung tâm Giáo dục Lao động Xã hội II (Ba Vì, Hà Nội) vào một buổi chiều thu nắng nhẹ và gặp gỡ cô gái tên H. (Hà Nội). Khi chia sẻ về câu chuyện của mình, ban đầu H. có chút ngập ngừng bởi em không biết phải bắt đầu từ đâu. Một câu chuyện dài với những giằng xé về nội tâm sâu sắc có thể thấy rõ qua mỗi lời tâm sự đẫm nước mắt của em.

Làm mẹ tuổi 17 và cuộc hôn nhân đổ vỡ

H. hiện tại vẫn mang nét xinh xắn của một cô gái Hà thành với nước da trắng hồng, dáng người dong dỏng cao. Có lẽ thời con gái, H đã có bao chàng trai theo đuổi. Và rồi, trái tim ngây thơ của thiếu nữ 17 tuổi ngày nào cũng bị chinh phục bởi một người đàn ông “sành đời”. Từ đây, cuộc đời của em đã rẽ sang một trang mới.

“Em không biết bắt đầu từ đâu để có thể kể hết câu chuyện dài của mình. Có lẽ sai lầm cuộc đời của em bắt đầu từ lúc 17 tuổi. Khi đó, em muốn có một cuộc sống độc lập hơn nên đã xin bố mẹ cho đi làm phục vụ bàn ở một sàn nhảy cổ điển”, H. tâm sự.

Được sự cho phép của bố mẹ, H. đã tới đó làm nhân viên phục vụ, bưng bê đồ uống cho khách. Một thời gian sau, H. đã gặp và yêu người đàn ông tên G. (Hà Nội) hơn em 3 tuổi và làm dẫn nhảy ở đó. Hàng ngày, sau khi H. tan học vào buổi sáng, G. lại đến đón em về để chuẩn bị đi làm ca chiều và tối. Tình yêu hạnh phúc của hai người cũng giống như bao cặp đôi khác cứ thế êm đêm trôi qua.

Thế rồi, vào mùa World Cup 2006, H. cùng G. và một nhóm bạn bè tụ họp xem bóng đá. Một lần không làm chủ được bản thân, H. đã trao “cái ngàn vàng” cho G. Đến tháng 2/2007, H. biết mình mang thai và hai người đã bàn tính đến chuyện kết hôn. Tuy nhiên, khi cái thai được hơn 3 tháng, mẹ H. muốn em đi phá thai vì vốn dĩ bà không ưa gì chàng rể tương lai.

“Mẹ bảo anh ấy là người có đầu óc và tính toán, nhất là có thái độ khinh thường bố em. Nhưng cuối cùng, cũng vì thương con, thương cháu, mẹ đã đồng ý và tổ chức đám cưới tươm tất cho hai đứa. Tuy nhiên, đám cưới diễn ra mà không có sự chứng kiến của bố em bởi bố đang phải ở trong trại cải tạo”, H. chia sẻ.

H. chưa bao giờ vơi đi nỗi nhớ con gái và luôn tự dằn vặt bản thân đã đẩy bố mẹ vào con đường tù tội.

Sau khi kết hôn, vợ chồng H. thuê một căn phòng gần nhà mẹ để bà tiện đường chăm sóc con gái đang mang bầu. Cuối năm 2007, H. hạ sinh một bé gái. Những tưởng từ đây hạnh phúc gia đình sẽ trọn vẹn hơn khi chào đón thành viên mới nhưng một biến cố lại xảy đến với H.

Đó là vào cuối năm 2008, mẹ H. đã bị công an Sơn La bắt giữ và kết án 20 năm tù với tội danh buôn hàng trắng. Từ đó, người chồng của H. đã thay đổi hoàn toàn. Em càng buồn bã và suy sụp khi 3 chị em (dưới H. là 2 em trai) giờ bơ vơ không có bố mẹ làm chỗ dựa.

Năm 2009, H. gửi 2 em trai cho bà ngoại và dì ruột chăm sóc, còn mình và con gái chuyển về cùng ở với gia đình nhà chồng. Tuy nhiên, chồng của H. vẫn không thay đổi mà thường xuyên về muộn và có khi đi mấy ngày không về.

H. “chết điếng” khi biết tin chồng có bồ, một cô gái cùng chỗ làm của chồng. Tồi tệ hơn, G. còn công khai dẫn bồ về nhà và mua cả xe tay ga đắt tiền cho cô bồ đứng tên. H. dằn vặt, đau khổ và không khỏi chạnh lòng mỗi khi nghĩ lại những lời nhiếc móc của chồng: “Bố mẹ tao là người tử tế còn bố mẹ mày chỉ có ra tù vào tội”.

Cuối cùng, không thể chịu đựng hơn được nữa, H. quyết định ly hôn, cô con gái được ông bà nội chăm sóc. Người đàn ông từng "đầu ấp tay kề" của H. không chút níu kéo. Không lâu sau, tháng 12/2009, anh ta tái hôn với người phụ nữ khác.

Ngày sinh nhật “định mệnh”

Sau khi ly hôn, H. về nhà bà ngoại ở. H. làm đủ mọi việc như bán cà phê, quần áo để cố gắng kiếm tiền trang trải cuộc sống và nuôi hai em. Đến năm 2010, được một người bác giới thiệu làm việc tại quán karaoke với thu nhập khá cao, H. đã thuê nhà để 3 chị em ở riêng. Ngoài lúc làm việc, H. vùi đầu vào những trò game vô bổ, thâu đêm suốt sáng, phần vì nhớ con, phần vì muốn quên đi tất cả.

Đến tháng 12/2012 khi đang ở Sài Gòn, vào đúng ngày sinh nhật của mình bên bạn bè trong tiếng nhạc chát chúa, H. đã sử dụng ma túy tổng hợp, thứ mà trước kia, em nói rằng chưa bao giờ nghĩ tới. Sau đó ra Hà Nội, “quen” với cảm giác “phê” của ma túy tổng hợp nên H. tiếp tục sử dụng và còn chơi đá một, hai lần.

Tuy nhiên, vào tháng 1/2013, H. bị công an phường Vĩnh Tuy bắt ở Lạc Trung khi đang đi trên đường cùng nhóm bạn.

“Hồi đó, do buồn chuyện gia đình nên em mới sử dụng ma túy tổng hợp. Sau khoảng một tháng thì bị bắt. Nhiều đêm em nằm khóc, giá mà có thể quay ngược thời gian, em sẽ không hành động dại dột như vậy”, H. ngậm ngùi.

Giọt nước mắt muộn màng và mong muốn làm lại cuộc đời

Đến nay, đã gần hai năm kể từ khi bị bắt, H. chưa bao giờ vơi đi nỗi nhớ con và luôn tự dằn vặt bản thân đã đẩy bố mẹ vào con đường tù tội. Theo lời H. kể, lúc bố H. bị bắt, trong gia đình chẳng có tài sản gì đáng giá. Nghe lời rủ rê của một người bạn, mẹ H. đã đi buôn hàng trắng để kiếm tiền nuôi ba con và trang trải đám cưới cho H.

Nhưng rồi mẹ em cũng phải đền tội cho sai lầm của mình bằng những ngày tháng lao tù. H. cho biết, có lẽ bố mẹ cũng chưa biết em đang bị bắt cải tạo ở đây vì gia đình giấu. Chắc hẳn, họ sẽ càng đau lòng hơn khi thấy con gái mình trong hoàn cảnh này.

Nghĩ về tương lai phía trước, H. chia sẻ, sau khi ra ngoài xã hội, em mong muốn được làm lại cuộc đời. Nếu có cơ hội, em sẽ học lại Đại học (Năm 2008, H. từng thi đại học khối D và đạt số điểm khá cao 17,5 nhưng lúc đó, chồng của H. không cho em tiếp tục học). H. ước mong sẽ tìm được một bến đỗ hạnh phúc, một người chồng biết quan tâm, đồng cảm, yêu thương mình hết lòng và nhất là biết tôn trọng bố mẹ em.

Khi nghĩ về gia đình, H. hy vọng hai em trai sẽ sống tốt, tránh xa được những cám dỗ của xã hội. Hiện giờ, hai em của H. đang đi làm cho người bác và thỉnh thoảng vẫn lên thăm chị. Đó cũng là niềm an ủi, động viên để H. có thể cải tạo tốt, sống tích cực hơn và sớm trở về bên con gái.

Nhắc đến đây, giọng H. trầm xuống, mắt nhòa lệ: “Con gái em đang học lớp hai rồi. Bé ngoan và chắc chắn sẽ không như mẹ. Em mong sẽ sớm được trở về thăm cháu”.

Tin nổi bật