Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: “Hãy nở nụ cười khi ra đường”

(DS&PL) -

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chia sẻ quan niệm về cách làm du lịch: “Thay vì cau có, cẩu thả… thì bây giờ hãy nở nụ cười. Mỗi người hãy cho du lịch nụ cười!”

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chia sẻ quan niệm về cách làm du lịch: “Thay vì cau có, cẩu thả… thì bây giờ hãy nở nụ cười. Mỗi người hãy cho du lịch nụ cười!”.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chia sẻ quan điểm về cách làm du lịch tại buổi làm việc với  tỉnh Khánh Hòa (18/7) và hội thảo Phát triển du lịch vùng duyên hải miền Trung gắn kết với Đại ngàn Tây Nguyên (Ninh Thuận, 17/7).

Thái độ là hàng đầu

“Tôi sang Ấn Độ, ngồi ăn cơm cùng Phó Chủ tịch đảng Quốc đại Ấn Độ Rahul Gandhi và quan chức nhiều nước. Ông Rahul Gandhi kể chuyện đi du lịch Miền Tây Nam bộ Việt Nam”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam dẫn câu chuyện một nhân vật quan trọng trong chính trường Ấn Độ nói về du lịch Việt Nam.

Ông Rahul Gandhi ngồi xuồng ba lá, trên thuyền cũng có nhiều người Mỹ. Người chèo thuyền tốt bụng kể về trận đánh làm anh bị thương mất cả mảnh xương trán trong chiến tranh chống Mỹ. Người thương binh vui vẻ nói: “Các bạn Mỹ hay Ấn đều là khách quý, là bạn. Còn ai đến xâm lược thì chúng tôi đều đánh”.

Câu nói của người chèo thuyền làm tất cả mọi người trên thuyền đều rất cảm động.

Ông Đam nói, một người dân tham gia làm du lịch nhưng cũng làm bè bạn hiểu hơn về con người, về đất nước ta. Đó cũng chính là góp phần làm đối ngoại, làm chính trị...

Phó Thủ tướng nhấn mạnh đến thái độ ứng xử: “Thái độ là hàng đầu” bằng phần tiếp của câu chuyện mà vị chính khách Ấn Độ kể lại. Ông Rahul Gandhi đến khách sạn mới phát hiện không mang theo cục sạc pin điện thoại. Ông tới quầy lễ tân hỏi mượn nhưng không có. Ông cũng cố giải thích và nhờ đi mua nhưng có vẻ mấy người nhân viên không hiểu. Một lát sau có người gõ cửa. Ông rất bất ngờ khi thấy người nhân viên mang theo mấy chiếc để ông chọn…. Trước nhiều quan khách, ông Gandi bày tỏ: “Người Việt Nam thật tuyệt vời”.

Phó Thủ tướng  Vũ Đức Đam chia sẻ thêm về thái độ, hơn hai chục năm trước, ông qua Nhật Bản. Đang ăn, một người trong đoàn nhăn mặt, người phục vụ hớt hải chạy tới hỏi han đầy lo lắng. Người bạn Nhật đi cùng đoàn nói: “Ở Nhật, nhân viên đau khổ khi khách không vui và hạnh phúc khi khách vừa lòng”.

Bày tỏ quan điểm về du lịch Việt Nam, Phó Thủ tướng cho rằng, không chỉ những người làm trong ngành du lịch mà cần vận động cả người dân.

Thay vì hôm qua ra đường, ăn cái kẹo, hút điếu thuốc xong vứt xuống đất, hôm nay không vứt nữa. Hãy tâm niệm rằng, mình làm thế để sạch hơn, du khách thích hơn, đến nhiều hơn, mình giàu lên.

Ngày hôm qua, đi xe cố lách lên; khi đi đến đèn đỏ nhưng trời khuya không có ai nên cứ vượt. Hôm nay, không lách lên nữa, không có ai thấy cũng không vượt đèn đỏ nữa… Nhất định cố gắng với tâm niệm, mỗi người đều cố thì đất nước mới văn minh hơn, mới phát triển, mới giàu mạnh được.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam. Ảnh: VGP/Đình Nam.

Ông cũng chia sẻ thêm, khi đi du lịch, có thể du khách sẽ gặp những vấn đề, thậm chí bức xúc, nhưng chắc chắn, du khách sẽ thấy rất dễ chịu bởi thái độ mến khách, sự phục vụ tận tình, cho dù có thể không hiểu lời nói. 

“Độc lập, chủ quyền bị đe dọa càng cho thấy không có cách nào khác là phải giàu mạnh lên. Tiềm lực mạnh thì giữ nước chắc hơn. Muốn giàu mạnh thì tất cả mọi người đều phải cố vượt lên chính mình. Từ việc lớn đến việc nhỏ. Ra đường từ ăn mặc, tới thái độ… Thay vì cau có, cẩu thả… thì bây giờ hãy nở nụ cười. Mỗi người hãy cho du lịch nụ cười!” 

“Không nhất thiết phải là đại học”

Phó Thủ tướng chia sẻ, gần đây, nhiều nơi đề nghị thành lập trường Đại học về du lịch. Ông cho rằng nhân lực trình độ đại học là cần thiết nhưng cũng cần đặc biệt coi trọng nhân lực nghề, trung cấp, cao đẳng. Đó chính là đội ngũ tiếp xúc nhiều, trực tiếp phục vụ du khách. Ngoài tinh thần, thái độ rất cần kỹ năng, tính chuyên nghiệp.

Phó Thủ tướng dẫn chứng, ở Châu Âu có khách sạn 5 sao cũ lắm, phòng nhỏ, nội thất cũng không thật hiện đại nhưng cung cách phục vụ, chất lượng dịch vụ dịch vụ rất cao. Từ cách đi đứng, cúi chào, động tác đều rất chuyên nghiệp... 

Ông nói: “Nhân lực ngành du lịch trước hết cần cẩn trọng, tỷ mỷ, khiêm tốn, trung thực… Đi công tác, du lịch đến nước phát triển không nói, nhưng ngay những nước đang phát triển, có thứ mình chưa vừa lòng nhưng trước thái độ rất lễ phép, tận tình của nhân viên thì sẽ mất cảm giác khó chịu. Đó là những điều không cần học đại học mới có”.

Với người làm du lịch Việt Nam, Phó Thủ tướng cho rằng hãy phát huy đúng những đức tính tốt đẹp vốn có của người Việt Nam mà chúng ta vẫn luôn tự hào.

Tại buổi làm việc với tỉnh Khánh Hòa (18/7), trước đề nghị của tỉnh Khánh Hòa cho thành lập Trường Đại học Khánh Hòa để đào tạo về Văn hóa - Du lịch và Ngoại ngữ theo tinh thần kết luận của Bộ Chính trị và Thủ tướng, Phó Thủ tướng đề nghị tỉnh cân nhắc thật kỹ lưỡng nhu cầu nhân lực trình độ đại học trong tương quan với nhân lực trình độ cao đẳng, trung cấp.

Phó Thủ tướng cho rằng, nếu đào tạo nghề, trung cấp cao đẳng có chất lượng, đáp ứng đúng yêu cầu thị trường lao động để người học ra có việc làm ổn định thì cũng góp phần giảm sức ép cứ phải vào đại học dù học xong ra trường không có việc. Mặt khác, đã đào tạo đại học thì phải đảm bảo chất lượng. Chất lượng thấp, học xong không có việc là lãng phí lớn. 

“Nhu cầu lao động về du lịch lớn nhưng phần nhiều không phải trình độ đại học. Kể cả ngoại ngữ, không nhất thiết phải là đại học ngoại ngữ”. Phó Thủ tướng nhấn mạnh “dù là bậc gì thì cũng cần đặc biệt quan tâm chất lượng.”.

Tin nổi bật