Theo AFP, hàng trăm người Philippines ngày 16/5 đã xuống đường tuần hành ở thủ đô Manila để bày tỏ sự ủng hộ Việt Nam, đòi Trung Quốc rút giàn khoan trái phép Hải Dương 981 (Haiyang Shiyou 981) khỏi Biển Đông.
Người biểu tình đi dọc theo các con phố ở trung tâm tài chính Manila, gần tòa nhà lãnh sự Trung Quốc, đem theo các biểu ngữ mang dòng chữ “Việt Nam và Philippines tay trong tay,” “Đề nghị Trung Quốc ngừng uy hiếp Việt Nam và Philippines,” “Chúng tôi ủng hộ Việt Nam.”
AFP cho biết, người biểu tình cũng hô vang “Hoàng Sa - Việt Nam."
Nhiều người biểu tình đeo những tấm bìa các-tông màu xanh cắt hình mai rùa, ý muốn nhắc đến vụ một số ngư dân Trung Quốc bị nhà chức trách Philippines bắt giữ vì đánh bắt rùa biển trái phép ở vùng biển nước này.
|
Người Philippines xuống đường trong một cuộc biểu tình phản đối Trung Quốc gây hấn ở Biển Đông (Nguồn: AFP/Getty) |
Trong tuần này, Philippines đã khởi tố hình sự đối với 9 ngư dân Trung Quốc vì đã đánh bắt hàng trăm con rùa biển quý hiếm cần được bảo vệ, hành động vi phạm luật pháp nước này cũng như công ước quốc tế về bảo vệ động vật hoang dã.
Theo AFP, nhiều chính trị gia Philippines cũng như cộng đồng người Việt ở Malina đã tham gia vào cuộc biểu tình ôn hòa ngày 16/5.
“Chúng tôi có mặt tại đây để phản đối những gì mà Trung Quốc đang làm chống lại Việt Nam. Chúng ta cần kêu gọi sự ủng hộ của bạn bè quốc tế,” Arya Nguyen, một Việt kiều sống tại Philippines tham gia cuộc biểu tình nói với AFP.
“Nếu họ (chính quyền Trung Quốc) làm điều gì gây hại cho Việt Nam thì họ có thể làm điều đó với tất cả các nước khác,” Janicee Buco, đại diện Hiệp hội Việt Nam – Philippines phụ họa.
Những người biểu tình nói rằng họ cảm thấy phẫn nộ trước thái độ hung hăng của Trung Quốc thời gian gần đây, cụ thể là việc tàu Trung Quốc uy hiếp tàu Việt Nam, cũng như chính sách ngang ngược của Trung Quốc khi đòi chủ quyền gần như trọn Biển Đông.
Hiện Philippines cũng đang cáo buộc Trung Quốc âm mưu cải tạo đất tại Trường Sa, đồng thời kêu gọi ASEAN đoàn kết trong vấn đề Biển Đông.
Năm 2002, Trung Quốc đã ký với ASEAN Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông DOC, song nước này thường xuyên đơn phương vi phạm Tuyên bố trên, đồng thời ra sức trì hoãn việc ký Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC).