Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Phi hình sự hóa tội kinh doanh trái phép: Nên hay không?

(DS&PL) -

(ĐSPL) - Một nội dung đáng chú ý trong dự án Bộ luật Hình sự (sửa đổi) đang được giới hữu trách đưa ra bàn thảo là đề xuất phi hình sự hóa đối với hai tội danh...

(ĐSPL) - Một nội dung đáng chú ý trong dự án Bộ luật Hình sự (sửa đổi) đang được giới hữu trách đưa ra bàn thảo là đề xuất phi hình sự hóa đối với hai tội danh: Tội kinh doanh trái phép và tội báo cáo sai trong quản lý kinh tế.
Theo đánh giá của giới chuyên gia, đề xuất trên là tương đối hợp lý, bởi hành vi cấu thành tội này không rõ ràng, ranh giới giữa có tội hay không có rất nhiều lý giải trái chiều, gây lo ngại cho giới kinh doanh. Tuy nhiên, vẫn còn không ít ý kiến lo ngại, việc đề xuất “cởi trói” cho tội kinh doanh trái phép, có thể dẫn đến hiện tượng lách luật, hình thành các nhóm tội phạm gây lũng đoạn nền kinh tế. PV báo ĐS&PL đã tham vấn nhiều ý kiến của các chuyên gia kinh tế, pháp lý nhằm đưa ra những góc nhìn đa chiều về đề xuất này.

Những lắt léo pháp lý

Theo quy định của pháp luật, kinh doanh trái phép là hành vi kinh doanh không có đăng ký kinh doanh, kinh doanh không đúng với nội dung đã đăng ký hoặc kinh doanh không có giấy phép riêng trong trường hợp pháp luật yêu cầu phải có giấy phép. Pháp luật hình sự, cụ thể là BLHS năm 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009) cũng đã có điều khoản riêng quy định chi tiết về tính chất, hành vi cũng như khung hình phạt cho loại tội danh này.

Ảnh minh họa.

Trên thực tế, chúng ta cũng từng chứng kiến rất nhiều vụ án kinh doanh trái phép, trong đó có không ít vụ nảy sinh nhiều tranh luận về mặt pháp lý. Đơn cử như vụ án “bầu” Kiên – từng tốn khá nhiều giấy mực của báo giới. Sau khi Nguyễn Đức Kiên được xét xử sơ thẩm, với việc “bầu” Kiên bị tuyên phạt về tội kinh doanh trái phép, không ít người tỏ ra lo ngại cho sự an toàn trong hoạt động đầu tư kinh doanh của mình. Lý do thực chất không phải ở chỗ tất cả mọi người đều theo dõi và hiểu bản chất vụ án “bầu” Kiên là gì, mà chỉ nghe đến việc kinh doanh trái phép là vi phạm pháp luật.
Để làm rõ hơn về hành vi kinh doanh trái phép của “bầu” Kiên và những rắc rối pháp lý trong vụ án này, PV báo ĐS&PL đã tham vấn ý kiến của luật sư Trương Thanh Đức - Chủ tịch công ty Luật BASICO, Trọng tài viên – trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC).
Theo luật sư Đức, “bầu” Kiên bị xử phạt về 2 hành vi kinh doanh trái phép là kinh doanh vàng tài khoản và kinh doanh tài chính không có giấy phép. Đối với hành vi kinh doanh vàng tài khoản, LS. Đức cho rằng, sở dĩ có sự tranh cãi phức tạp về tội này là do hành vi kinh doanh vàng tài khoản thì có yếu tố pháp luật không phân biệt rõ ràng giữa vàng hàng hoá và vàng tiền tệ. Hơn nữa, lại xảy ra vào lúc giao thời, giữa lúc chưa có quy định và chưa được phép, nên có thể dẫn đến việc hiểu theo nhiều cách khác nhau.
Một trường hợp khác từmg khiến dư luận dậy sóng, liên quan đến lời khẳng định của ông Trần Xuân Giá (nguyên Chủ tịch HĐQH ngân hàng ACB) trên một tờ báo trước khi bị khởi tố: “Tôi có bảo bối để bảo vệ mình”.
Ông nói: “Bảo bối của tôi hiện nay là cái mà pháp luật không có quy định, không cấm thì doanh nghiệp và người dân được làm. Trước năm 1989 khi luật Doanh nghiệp chưa ra đời, người dân làm bất kỳ việc gì miễn là Nhà nước cho phép, còn sau đó, thì được phép làm bất kỳ việc gì mà pháp luật không cấm”.
Theo lẽ đương nhiên, ông Giá sẽ phải chịu trách nhiệm về những hành vi vi phạm của mình, nhưng sự việc trên cũng phần nào cho thấy những lắt léo pháp lý đang tồn tại liên quan đến hành vi kinh doanh trái phép.
Phá “bẫy”?
Trong cuộc trao đổi với PV báo ĐS&PL, các chuyên gia cũng đặt ra tình huống, một doanh nghiệp cho một số cá nhân, doanh nghiệp khác vay một vài chục tỉ đồng. Mặc dù Bộ luật Dân sự, luật Doanh nghiệp... vẫn thừa nhận việc các cá nhân và doanh nghiệp cho vay và đi vay vốn lẫn nhau nhưng câu hỏi đặt ra là liệu đó có phải là hành vi kinh doanh tiền tệ trái phép bị nghiêm cấm theo luật Các tổ chức tín dụng hay không? Hay việc cá nhân, doanh nghiệp không đăng ký kinh doanh, mà cứ mua cổ phần, cổ phiếu thì có phạm tội kinh doanh trái phép hay không?

GS. Đặng Đình Đào.

Trả lời cho câu hỏi trên, GS. TS Đặng Đình Đào – nguyên Viện trưởng viện Kinh tế và Phát triển (ĐH Kinh tế Quốc dân Hà Nội) giải thích: “Điều nguy hiểm là ở chỗ, chúng ta không quy định rõ ràng về việc này. Chính vì thế nhiều người vẫn than thở rằng, chỉ khi nào BLHS hủy bỏ tội danh kinh doanh trái phép, thì mới thật sự tránh được “cái bẫy” phạm tội kinh doanh trái phép”. Theo quan điểm của chuyên gia kinh tế này, nếu hình sự hoá quá nhiều những vấn đề kinh tế, có thể gây cản trở phát triển. Đưa tất cả vào xử lý hình sự không ai dám làm, “bó chân” tất cả thì người kinh doanh sẽ sợ.
Đồng quan điểm, chuyên gia tài chính ngân hàng – TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, việc phi hình sự hóa tội kinh doanh trái phép sẽ gỡ bỏ lo ngại “sảy chân” vào tù của người kinh doanh. TS. Hiếu nói: “Theo quan điểm cá nhân tôi, việc xem xét hình sự hoá hay không phải tuỳ thuộc vào ý đồ và hậu quả của hành vi kinh doanh trái phép”. Theo chuyên gia này, về mặt tích cực, việc đề xuất phi hình sự hoá góp phần làm an tâm cho các chủ thể tham gia hoạt động kinh tế. Bởi, hành vi cấu thành tội này không rõ ràng, ranh giới giữa có tội hay không rất mơ hồ, gây lo ngại cho giới kinh doanh.
Xem thêm video: Dọa "nhầm" người có súng, trò đùa giả chết biến thành bi kịch.

TS. Hiếu dẫn chứng, với tội kinh doanh trái phép, tinh thần của luật Doanh nghiệp là doanh nghiệp được kinh doanh những gì pháp luật không cấm, nên không thể buộc tội kinh doanh trái phép với hành vi kinh doanh không đúng với nội dung đã đăng ký như BLHS hiện hành.
“Khi chúng ta chưa thể chi tiết hoá các hành vi cấu thành tội thì lo ngại “sảy chân” vào tù của người kinh doanh có thể sẽ được gỡ bỏ phần nào với đề xuất này. Tất nhiên, nếu ý đồ kinh doanh trái phép ở những lĩnh vực bị cấm, mang tính chất lừa đảo thì phải xem xét ở góc độ hình sự. Còn việc kinh doanh đơn thuần là giao dịch thương mại và không để lại hậu quả nghiêm trọng, hình sự hoá là không công bằng. Thực tế hiện nay, luật của chúng ta đang có khuynh hướng hình sự hoá tất cả sai phạm. Điều đó là không hợp lý. Sai phạm nào mang tính chất lừa đảo, khuynh đảo để trục lợi mới xem xét bởi luật Hình sự, còn sai phạm không mang tính chất chủ ý mà do cẩu thả, sơ suất thì không nên hình sự hoá”, TS. Hiếu nói.
Theo đánh giá của giới chuyên gia, việc áp dụng mức phạt tù là hình thức xử lý tương đối nặng và có tính chất răn đe cao với người phạm tội. Tuy nhiên, có những sai phạm trong lĩnh vực thương mại chỉ nên áp dụng biện pháp xử lý hành chính, hoặc dân sự. Hai hành vi kinh doanh trái phép và báo cáo sai trong quản lý kinh tế nếu gây hậu quả nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng thì cần phải xử lý hình sự. Còn nếu hai hoạt động trên ở mức độ thông thường mà hình sự hoá tất cả sẽ rất nguy hiểm.

Một số vụ án kinh doanh trái phép và cái kết bất ngờ

Năm 2012, một sự việc hi hữu đã khiến làng giải trí xôn xao, liên quan đến một nam siêu mẫu có tiếng, mang tên V.T. (ngụ tại TP HCM). Theo cáo trạng của VKS, nam người mẫu này đã mua điện thoại iPhone và máy tính xách tay Apple Macbook là hàng lậu mang về từ Úc để bán kiếm lời. V.T. và các đồng phạm được xác định đã mua gần 1.000 sản phẩm, linh kiện điện tử từ đường dây này. Tại công đường TAND TP.HCM, HĐXX xác định V.T dù có hành vi tiêu thụ hàng điện tử “lậu” nhưng không biết nguồn gốc số hàng này nên chỉ phạm tội kinh doanh trái phép. HĐXX đã tuyên phạt siêu mẫu này 6 tháng tù cho hưởng án treo vì tội danh trên.
Một vụ án khác xảy ra cách đây ít lâu tại Quảng Ninh. Theo cáo trạng, công ty TNHH TMDV Gas Đ.Q. do bà Nguyễn Thị Lý làm giám đốc chưa được bộ Công Thương cấp phép sản xuất vỏ bình gas mới và chưa được cục Sở hữu trí tuệ cấp GCN đăng ký sử dụng, đăng ký nhãn hàng hóa, thương hiệu gas HLPETRO và ADL, nhưng công ty này đã lắp đặt dây chuyền sản xuất vỏ bình gas và đã sản xuất mới 44.799 vỏ bình gas các loại 12kg, tổng trị giá hơn 20 tỉ đồng. Trong đó, 44.199 vỏ bình gas nhãn hiệu HLPETRO đã đưa ra thị trường... Hồi tháng 8/2014, TAND tỉnh Quảng Ninh đã xử phạt bị cáo Lý 9 tháng tù cho hưởng án treo về tội danh này.
Năm 2010, Công an tỉnh Tiền Giang bắt giữ ô tô chở 92kg vàng từ An Giang lên TP.HCM tiêu thụ. Khi bị bắt, không ai xuất trình được giấy tờ chứng minh nguồn gốc. Năm 2011, VKSND tỉnh Tiền Giang có cáo trạng truy tố các bị can tội buôn lậu nhưng TAND tỉnh không xét xử mà trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung. Tháng 9/2013 cơ quan CSĐT – Công an Tiền Giang mới có quyết định thay đổi tội danh từ buôn lậu sang kinh doanh trái phép; chuyển về Công an huyện Châu Thành điều tra lại từ đầu. Ngày 20/1/2014, TAND huyện Châu Thành đưa ra xét xử vụ án kinh doanh trái phép - trước đây là vụ buôn lậu vàng qua biên giới.
Một vụ án khác xảy ra cách đây ít lâu tại Khánh Hòa. Quá trình điều tra, công an xác định các ông Thông, Minh, Trinh sử dụng thiết bị công nghệ thông tin để khai thác, mua bán bitcoin và các loại tiền ảo khác. Ngày 4/6/2014, cơ quan CSĐT ra các quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với các ông này cùng về tội kinh doanh trái phép. Tuy nhiên, ngày 14/10, VKSND tỉnh Khánh Hòa đã hủy quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can tội kinh doanh trái phép của Cơ quan CSĐT.

 H.LAN - A.VĂN - Đ.THƠM

Tin nổi bật