Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Phẫu thuật thẩm mỹ: Bất mãn ngoại hình hay dũng cảm vượt số phận?

(DS&PL) -

Nhiều người đang trộn lẫn khái niệm giữa những người bất mãn với ngoại hình của mình, tốn công tốn của "đập đi làm lại" với tấm gương dũng cảm vượt lên số phận.

Nhiều người đang trộn lẫn khái niệm giữa những người bất mãn với ngoại hình của mình, tốn công tốn của "đập đi làm lại" với tấm gương dũng cảm vượt lên số phận.

Gần đây, câu chuyện về những chàng trai, cô gái trẻ “đập đi xây lại” nhan sắc của mình khiến nhiều người không khỏi ngỡ ngàng và chỉ sau một đêm, họ trở thành cái tên được nhắc nhiều nhất trên mạng xã hội. Người người nhà nhà xuýt xoa, ồ à. Xen lẫn những câu chúc mừng là những lời ao ước nửa đùa nửa thực, dạng như: "Ước gì mình cũng có nhiều tiền để đập đi xây lại", "Ước gì mình cũng có thể biến thành một người xinh lung linh"...

Bất kỳ ý định cải thiện vẻ đẹp nào cũng đều đáng được tôn trọng, nhưng xin đừng “anh hùng hóa” lý do làm đẹp của mỗi người!

Việc những bạn trẻ thay đổi "giao diện" để bản thân cảm thấy tự tin hơn tôi ủng hộ vì trên đời này có ai là không muốn đẹp, tuy nhiên lấy lý do là vì áp lực dư luận nên phải làm đẹp, tôi cho rằng nó rất nhố nhăng. Nhất là việc nhiều người được miêu tả bằng những câu chuyện kiểu na ná nhau: Sinh ra không đẹp => mọi người chê => làm đẹp => tấm gương dũng cảm, khiến tôi cảm thấy rằng tôi đang được chứng kiến một hoàn cảnh khó khăn nào đó vượt lên số phận vậy.

Rồi người ta tấm tắc rằng, nhờ dũng cảm “xây lại mặt tiền, làm lại nội thất” mà công việc cũng như đời sống tình duyên của người ấy dễ dàng và thuận lợi hơn. Nói vậy khác nào mặc định rằng, cứ phải đẹp, phải long lanh, cứ phải “bỗng dưng” có một khuôn mặt thon gọn hơn, một chiếc mũi cao hơn, một làn da trắng hơn, thì người ta mới bắt đầu... chú ý đến tài năng của họ.

Tôi nói thật, ở đời này sống cho bản thân mình đã cảm thấy khó rồi, sống cho đám đông thì gần như là không thể. Vì nay họ cho là đẹp nhưng mai họ lại cho là xấu, hoặc người này cho là đẹp nhưng người khác lại cho là xấu rồi thì còn bao nhiêu cái khác để nói nữa, thay đổi mãi được không?

Thực tế, con người thường không ai hoàn hảo. Việc người ta không hài lòng về điểm nào đó trên cơ thể và muốn cải thiện nó là điều tự nhiên. Bao lâu nay vẫn vậy.

Cách đây tầm 2 năm, chị em phụ nữ rủ nhau đi phẫu thuật thẩm mỹ cho cằm chuẩn V-line, thì hôm nay, đó lại trở thành lỗi thời, “chuẩn” đẹp bây giờ phải là mốt mặt vuông bầu bĩnh. Thế là, cả xã hội lại đổ xô thích mặt bầu, cằm vuông mà quên mất chỉ một thời gian ngắn trước đây mình từng ngày đêm ao ước có được cằm chuẩn V-line.

Chuyện vóc dáng cũng vậy, có một thời gian dài “mốt” mình hạc xương mai khiến chị em “mất ăn mất ngủ” cố hít khí trời cho qua bữa để gầy. Nhưng ngày nay, tiêu chuẩn đẹp phải là “siêu vòng 3” hay nếp gấp đùi khi mặc đồ tắm hay trang phục bó sát.

Tôi không phải là người “cố sống cố chết” giữ cái quan điểm “xấu tự nhiên còn hơn đẹp nhân tạo”. Bởi tôi hiểu, một ngoại hình quá nhiều khuyết điểm sẽ dễ làm người ta cảm thấy tự ti, mặc cảm, từ đó, họ không dám cởi mở với xã hội, dần dần tự thu mình lại, không dám dấn thân làm những điều mình muốn và mình yêu thích. Nếu như phẫu thuật thẩm mỹ giúp họ tự tin, sống thật được với mong muốn, khát khao của họ, giúp họ vươn tới ước mơ và đạt được những thành công trong cuộc sống và công việc thì cũng đáng được ủng hộ chứ.

Tuy nhiên, không lên án không có nghĩa là cổ xúy cho việc chạy theo cái sự làm đẹp một cách mê muội của một bộ phận giới trẻ. Có câu rằng: Sắc đẹp bên ngoài đưa người ta đến, còn sắc đẹp bên trong mới là cái giữ người ta lại. Bất kì ý định cải thiện vẻ đẹp nào cũng đều đáng được tôn trọng, nhưng xin đừng “anh hùng hóa” lý do làm đẹp của mỗi người!

Thùy Đinh

Tin nổi bật