Báo Dân Việt đưa tin, vào 11h22 ngày 20/5/2025, người bệnh N.T.D., ở quận Hải An, Hải Phòng nhập viện trong tình trạng nửa bàn tay trái bị đứt rời do máy cắt tôn cắt vào bàn tay. Bệnh nhân được cho dùng giảm đau, kháng sinh, chống uốn ván, băng cầm máu, bảo quản lại chi thể đứt rời, làm các xét nghiệm cơ bản.
Ca mổ bước đầu được chia thành hai kíp mổ, kíp phụ trách làm sạch chi thể đứt rời (nửa bàn tay trái), và kíp phụ trách cổ tay. Sau đó, lần lượt các kíp phụ trách tiến hành phẫu thuật: kíp chấn thương – chỉnh hình cố định xương, kíp vi phẫu mạch máu, kíp vi phẫu thần kinh, kíp vi phẫu gân cơ, kíp vi phẫu tạo hình để thực hiện các bước tiến hành khâu nối phần chi thể đứt rời gồm: Đánh giá đặc điểm vùng chi thể đứt rời; Bơm rửa, làm sạch hai đầu ổ gãy; Cố định xương gãy; Khâu nối gân tuỳ hành (gân đi kèm với một mạch máu hoặc thần kinh); Khâu nối mạch máu; Khâu nối thần kinh; Khâu nối gân cơ; Khâu phục hồi vết thương và cố định chi thể bằng nẹp bột...
Ca phẫu thuật diễn ra trong 10 giờ, bàn tay trái bị đứt rời của bệnh nhân đã được nối lại thành công. Ảnh: Báo Công lý.
Ca phẫu thuật diễn ra trong 10 giờ, bàn tay trái bị đứt rời của bệnh nhân đã được nối lại thành công.
Hiện tại bệnh nhân tỉnh, toàn trạng ổn dịnh, phần bàn tay sau khi được nối đã sống tốt, bàn tay trái hồng ấm, các đầu chi hồng ấm, kiểm tra hồi lưu mạch máu tốt, người bệnh vận động được các ngón.
Báo Công lý dẫn nguồn TS.BS Đỗ Mạnh Thắng, Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt Tiệp cho biết, phẫu thuật nối chi thể đứt rời là kỹ thuật khó, đòi hỏi trình độ chuyên môn cao, trang thiết bị hiện đại và sự phối hợp chặt chẽ giữa các khoa.
Các bác sĩ Bệnh viện Hữu nghị Việt Tiệp cũng khuyến cáo, khi thấy nạn nhân bị đứt rời chi, người dân cần gọi ngay tới cơ sở y tế để được hỗ trợ cấp cứu; đồng thời nhanh chóng sơ cứu cầm máu tại đầu mỏm cụt chi thể, bảo quản đúng cách đối với phần chi thể đứt rời và vận chuyển bệnh nhân đến tuyến chuyên khoa chuyên sâu về vi phẫu thuật để thực hiện phẫu thuật nối chi thể kịp thời.