Các sông băng của dãy Alps đang trên đà tan chảy và biến mất với tốc độ nhanh nhất trong ít nhất 60 năm qua. Đây là hậu quả từ những đợt nắng nóng khắc nghiệt ập đến hầu hết các khu vực của châu Âu vào mùa hè này.
Ngày 8/8, cảnh sát xác nhận 2 nhà leo núi người Pháp đã phát hiện bộ xương người khi đang khám phá sông băng Chessjen ở bang Valais (Thụy Sĩ) vào ngày 3/8. Dựa trên những gì còn sót lại từ bộ hài cốt, ông Dario Andenmatten, quản lý nhà nghỉ Britannia Hut trên dãy Alps, cho rằng người này có thể chết vào khoảng những năm 1970 hoặc 1980.
Tuần trước, một bộ hài cốt khác được phát hiện ở sông băng Stockji gần khu nghỉ dưỡng Zermatt trên núi Matterhorn. Truyền thông Đức cho rằng đây là hài cốt của tỷ phú Karl-Erivan Haub, người đã mất tích khi trượt tuyết vào tháng 4/2018, và được tuyên bố đã chết vào năm 2021. Tuy vậy, nhà leo núi phát hiện bộ hài cốt nhận định quần áo "theo phong cách thời trang những năm 80".
Các sông băng của dãy Alps đang trên đà tan chảy.
Trước đó, các mảnh vỡ của một chiếc máy bay bị tai nạn ở dãy núi Alps của Thụy Sĩ năm 1968 đã được phát hiện trên một sông băng sau hơn 54 năm. Những mảnh vỡ đã nổi lên trên sông Aletsch ở bang Wallis phía Tây Nam, gần các đỉnh núi Jungfrau và Monch.
Cảnh sát địa phương thông báo: “Cuộc điều tra đã xác định rằng các bộ phận là từ mảnh vỡ của chiếc máy bay Piper Cherokee, số hiệu HB-OYL, bị rơi tại địa điểm này vào ngày 30/6/1968. Công tác thu gom mảnh vỡ sẽ được tiến hành càng sớm càng tốt”.
Vụ tai nạn máy bay chết người xảy ra cách thung lũng Jungfraujoch nằm giữa hai đỉnh núi 500 m về phía Nam. Các thi thể đã được tìm thấy vào thời điểm đó, nhưng xác máy bay thì không.
Cảnh sát cho biết: “Vào thời điểm xảy ra vụ tai nạn, cách đây hơn 50 năm, các phương tiện kỹ thuật để tìm kiếm trục vớt xác máy bay ở những địa hình khó khăn còn hạn chế. Đến nay, do biến đổi khí hậu dẫn đến tan chảy các sông băng, đặc biệt là vào mùa Hè, vì vậy các mảnh vỡ đã nổi lên”.
Những mảnh vỡ từ xác máy bay rơi vào năm 1968.
Nhiệt độ ở Zermatt - khu nghỉ mát trượt tuyết nổi tiếng ở Thụy Sĩ đã tăng lên 30 độ C trong mùa hè này. Trong khi đó, nhiệt độ ở dãy Alps đang ấm lên vào khoảng 0,3°C mỗi thập kỷ, nhanh gấp 2 lần so với mức trung bình toàn cầu.
Hầu hết các sông băng trên núi của thế giới đang tan chảy do biến đổi khí hậu. Tuy nhiên những con sông ở dãy Alps ở châu Âu đặc biệt dễ tan chảy hơn vì chúng hẹp hơn với lớp băng phủ tương đối mỏng. Theo các chuyên gia, nếu lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính tiếp tục tăng, các sông băng trên dãy Alps dự kiến sẽ mất hơn 80% khối lượng hiện tại của chúng vào năm 2100.
Linh Chi (T/h)