Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Phát hiện sếu đầu đỏ về Vườn quốc gia Lò Gò - Xa Mát

(DS&PL) -

Sau hai năm vắng bóng, ngày 25/4, tại khu vực trảng Tà Nốt, thuộc Tiểu khu 17 Vườn quốc gia Lò Gò - Xa Mát (VQG), các cán bộ VQG đã phát hiện đàn sếu đầu đỏ về kiếm ăn

Sau hai năm 2012 - 2013 vắng bóng, ngày 25/4/2014, tại khu vực trảng Tà Nốt, thuộc Tiểu khu 17 Vườn quốc gia Lò Gò - Xa Mát (VQG) tỉnh Tây Ninh, các cán bộ VQG đã phát hiện đàn sếu đầu đỏ về kiếm ăn.

Qua khảo sát, các cán bộ VQG bước đầu xác định được đàn sếu đầu đỏ (còn gọi là sếu cổ trụi, hồng hạc, tên khoa học là Grus Antigone) được phát hiện bao gồm 7 cá thể. Đây là lần có số lượng cá thể sếu xuất hiện ở VQG Lò Gò – Xa Mát nhiều nhất (các năm trước đây chỉ có từ 2 - 3 cá thể).

Ảnh minh họa

Sau khi phát hiện sếu, Ban lãnh đạo VQG Lò Gò - Xa Mát đã liên hệ với các cơ quan đang nghiên cứu, theo dõi và bảo tồn loài này, được Tiến sĩ Hoàng Minh Đức - Viện Sinh thái học miền Nam cho biết, ngày 10/3/2014 tại Phú Mỹ - Kiên Giang cũng ghi nhận có 53 cá thể sếu.

Ở thời điểm tổng kiểm kê sếu (tiến hành đồng loạt đếm sếu ở tất cả các địa điểm mà loài này về Việt Nam kiếm ăn) - ngày 29/3/2014 thì số lượng sếu ghi nhận được của năm 2014 giảm đáng kể so với các năm trước đây: ở Phú Mỹ - Kiên Giang đếm được chỉ còn hơn 30 cá thể; ở Vườn quốc gia Tràm Chim, tỉnh Đồng Tháp chỉ có hơn 20 cá thể (năm 1990 nơi đây đếm được hơn 1.110 cá thể)…

Điều này cho thấy, môi trường để cho loài chim quý hiếm này kiếm ăn, sinh sống ở đồng bằng sông Cửu Long đang có diễn biến không thuận lợi.

Được biết, sếu đầu đỏ là loài chim di cư, chỉ sống ở các vùng đất phèn ngập nước, có cỏ năn, xuất hiện ở đồng bằng sông Cửu Long vào mùa khô từ tháng 10 năm trước tới tháng 3 năm sau để kiếm ăn. Lò Gò - Xa Mát chỉ là điểm để loài chim này dừng chân và bổ sung thêm thức ăn trước khi bay về Đông Bắc Campuchia để sinh sản.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng số lượng sếu về Việt Nam ngày càng ít, nhưng nguyên nhân quan trọng nhất là vùng đất để loài này tìm kiếm thức ăn ngày càng bị thu hẹp, do bị chuyển đổi sang các hoạt động sản xuất khác nhau.

Nếu không thay đổi cách ứng xử, giảm bớt tác động đến môi trường kiếm ăn, sinh sống của loài chim này thì trong tương lai Việt Nam có nguy cơ không còn thấy sếu ngoài tự nhiên nữa.

Tin nổi bật