Báo Hà Nội mới cho biết, theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, trong 3 tháng đầu năm 2024, trên địa bàn thành phố ghi nhận 300 trường hợp mắc tay chân miệng (tăng 75 trường hợp so với cùng kỳ năm 2023).
Điều đáng nói, trong hai tuần liên tiếp gần đây, số ca mắc tay chân miệng bắt đầu có xu hướng gia tăng với khoảng 60-70 ca/tuần. Riêng trong tuần từ 22/3 đến 29/3, ghi 77 ca bệnh (tăng 15 ca so với tuần trước đó), đồng thời ghi nhận 3 ổ dịch tại 3 trường mầm non. Như vậy, từ đầu năm 2024 đến nay, thành phố đã có 5 ổ dịch tay chân miệng.
Ảnh minh họa.
Tại Đắk Lắk cũng đã phát hiện ổ dịch tay chân miệng tại một trường mầm non. Theo đó, ổ dịch xảy ra tại lớp lá 2, trường mầm non Hoa Lan, ở thôn Chiềng, xã Ya Lốp, huyện Ea Súp. Ca bệnh đầu tiên phát bệnh vào ngày 31/3 với triệu chứng sốt, đau họng, chán ăn, loét miệng và có ban dạng phỏng nước ở tay, chân, đầu gối và mông. Sau đó, nhà trường phát hiện thêm 7 trẻ có dấu hiệu bị bệnh tay chân miệng. Những học sinh này đã được nhà trường cho nghỉ học và yêu cầu phụ huynh đưa trẻ đến khám tại cơ sở y tế.
Ngay sau khi ghi nhận ổ dịch, Trung tâm y tế huyện Ea Sup đã chỉ đạo Trạm y tế xã Ya Lốp phối hợp với nhà trường điều tra dịch tễ các ca bệnh; phun hóa chất tiêu độc khử trùng và vệ sinh lớp học, đồ chơi của trẻ.
Chia sẻ trên VOV, ông Dương Văn Hải, Phó khoa Kiểm soát bệnh tật - Trung tâm y tế huyện Ea Súp cho biết, đến chiều 2/4, ngoài 8 trường hợp ghi nhận tại trường mầm non Hoa Lan, trên địa bàn xã Ya Lôp phát hiện thêm 1 trẻ có dấu hiệu của bệnh tay chân miệng. Công tác khoanh vùng, dập dịch và hướng dẫn phòng bệnh đang được Trung tâm y tế gấp rút triển khai.
Giáo viên trường mầm no vệ sinh lớp học để phòng bệnh tay chân miệng cho trẻ. Ảnh: VOV.
“Chúng tôi đã chỉ đạo trạm y tế yêu cầu các trường học báo cáo lại những trường hợp nào nghi ngờ mắc tay chân miệng để có kế hoạch phối hợp chỉ đạo giám sát tại cộng đồng nhằm chủ động phát hiện ca bệnh", ông Dương Văn Hải nói.
Số ca mắc tay chân miệng trong 3 tháng đầu năm 2024 trên cả nước cũng gia tăng. Cụ thể, theo báo cáo của Bộ Y tế, trong quý I-2024, cả nước có khoảng 6,7 nghìn trường hợp mắc tay chân miệng (tăng gấp hơn 2 lần so với cùng kỳ năm 2023).
Theo các bác sĩ của Bệnh viện Nhi trung ương, tay chân miệng là bệnh truyền nhiễm lây từ người sang người, dễ gây thành dịch do vi rút đường ruột gây ra. Cao điểm của bệnh là từ tháng 3 đến tháng 5 và từ tháng 8 đến tháng 9 hằng năm. Hai nhóm tác nhân gây bệnh thường gặp là Coxsackie vi rút A16 và Enterovirus 71 (EV71).
Trong khi các trường hợp nhiễm CA16 thường biểu hiện bệnh nhẹ, có thể chăm sóc và điều trị tại nhà, thì EV71 sẽ gây bệnh nặng hơn với nhiều biến chứng nguy hiểm như viêm não, viêm màng não, viêm cơ tim, viêm phổi, phù phổi, suy hô hấp, suy tuần hoàn, có thể tử vong nếu không được điều trị kịp thời.
N.Q (T/h)