Báo Sức Khỏe & Đời Sống thông tin, Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương đã có quyết định phân bổ vaccine ngừa COVID-19 đợt 143 gồm 1.382.400 liều vaccine Moderna (tính theo liều 0,25ml) do Chính phủ Úc viện trợ cho trung tâm kiểm soát bệnh tật các tỉnh thành trong cả nước để phục vụ công tác tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho trẻ từ 5 - dưới 12 tuổi.
Theo đó, TP.HCM được phân bổ 193.800 liều, Hà Nội nhận 104.000 liều, các tỉnh thành khác như Thanh Hóa được phân bổ 51.000 liều, Nghệ An 48.600 liều, Bình Dương 28.200 liều, Đồng Nai 44.400 liều, Bà Rịa - Vũng Tàu 13.600 liều, Quảng Ninh 24.000 liều...
Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương yêu cầu các đơn vị tiếp nhận vaccine, tổ chức tiêm ngay số vaccine ngừa COVID-19 được phân bổ và báo cáo kết quả thực hiện về cục Y tế dự phòng, các viện vệ sinh dịch tễ/Pasteur và trung tâm kiểm soát bệnh tật các tỉnh, thành phố theo phân vùng quản lý.
Vaccine Moderna phân bổ đợt này rã đông lúc 23h ngày 13/4/2022, tiêm liều lượng 0,25ml mỗi trẻ. Trước đó, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương đã phân bổ 921.600 liều vaccine Moderna ngừa COVID-19 cho trẻ từ 5 - dưới 12 tuổi do Chính phủ Úc viện trợ cho trung tâm kiểm soát bệnh tật các tỉnh thành trong cả nước.
Hơn 1,38 triệu liều vaccine ngừa COVID-19 vừa được phân bổ để tiêm cho trẻ từ 5 - dưới 12 tuổi. Ảnh minh họa: Pháp Luật Việt Nam
Ngày 19/4, nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước tổ chức tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho trre từ 5 – dưới 12 tuổi. Tuy nhận thức được việc tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho trẻ từ 5 – dưới 12 tuổi là cần thiết nhưng không ít phụ huynh bày tỏ sự lo lắng về các phản ứng sau tiêm đối với trẻ.
Về vấn đề nói trên, báo Pháp Luật Việt Nam dẫn lời bác sĩ Bạch Thị Chính, Giám đốc Y khoa Hệ thống tiêm chủng VNVC cho biết, sau khi tiêm vaccine ngừa COVID-19, trẻ có thể có những phản ứng thường gặp như đau, sưng, đỏ tại vị trí tiêm; toàn thân có thể xuất hiện mệt mỏi, đau đầu, đau cơ, ớn lạnh, buồn nôn hoặc nôn, sưng hoặc đau ở nách, sốt, đau khớp; sưng hạch nách ở cùng bên với vị trí tiêm, một số trường hợp sưng hạch bạch huyết khác (ví dụ ở cổ, ở trên xương đòn)...
Trước, trong và sau khi tiêm, phụ huynh cần tuân thủ đúng theo hướng dẫn của nhân viên y tế về cách theo dõi, phát hiện và xử trí sau tiêm, ở lại điểm tiêm chủng ít nhất 30 phút để theo dõi và tiếp tục theo dõi tại nhà tới 28 ngày sau tiêm.
Bên cạnh đó, cha mẹ và người chăm sóc cần ở bên trẻ 24/24 giờ, ít nhất là trong 3 ngày đầu sau tiêm vaccine ngừa COVID-19, hạn chế gửi nhà trẻ vì một vài cô giáo không thể theo dõi hết được cho tất cả các trẻ. Trong trường hợp cần phải gửi trẻ thì phải dặn cô giáo lưu ý những triệu chứng nặng cần đưa bé đi bệnh viện càng sớm càng tốt.
Đồng thời, bảo đảm dinh dưỡng đầy đủ cho trẻ, nếu phát hiện sưng, đỏ, đau, nổi cục nhỏ tại vị trí tiêm thì tiếp tục theo dõi, trường hợp sưng to nhanh cần đi khám ngay, không bôi, chườm, đắp bất cứ thứ gì vào chỗ sưng đau…
Trong khi đó, bác sĩ Nguyễn Hiền Minh, Phó Trưởng Đơn vị tiêm chủng, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM khuyên ngày đi tiêm trẻ cần ăn nhẹ, không nhịn đói nhưng cũng không ép trẻ ăn quá no.
Thời tiết đang dần nắng nóng, đặc biệt là miền Nam, trẻ dễ bị đổ mồ hôi, mau mệt trong khi chờ đến lượt tiêm, nên uống nước bổ sung. Trẻ có thể uống viên sủi hoặc siro chứa các loại vitamin đang thường sử dụng vào buổi sáng trước khi đến điểm tiêm.
Phụ huynh lưu ý không cho trẻ uống chất dễ kích thích như nước ngọt, trà sữa, cà phê, nước tăng lực... vào ngày tiêm vaccine. Đồng thời, không được tự ý ngừng các loại thuốc uống điều trị bệnh mãn tính mà trẻ đang uống theo toa bác sĩ.
Sau khi tiêm vaccine ngừa COVID-19, cha mẹ và người chăm sóc, nhà trường cần dặn trẻ nếu có bất kỳ dấu hiệu khó chịu như đau ngực, khó thở, hụt hơi, tim đập nhanh, đánh trống ngực... phải báo ngay. Ngoài 30 phút theo dõi bắt buộc sau tiêm tại điểm tiêm chủng, trẻ cần được người lớn theo dõi và phát hiện kịp thời những bất thường trong ít nhất ba ngày tiếp theo.
Chú ý, trẻ nên ăn uống ở nhà để phòng trường hợp ngộ độc thức ăn bên ngoài, không tập thể dục, vận động thể lực nặng. Các bé cần được ngủ đủ giấc, uống nhiều nước, không cần kiêng tắm hoặc kiêng ăn đồ ăn gì, trừ các thực phẩm từng khiến trẻ dị ứng trước đây, cũng như chất kích thích như cà phê, nước ngọt, trà sữa, nước tăng lực...
Đinh Kim (T/h)