Theo Sohu, phụ nữ khi tham gia mỗi cuộc phỏng vấn xin việc hiện nay ở Trung Quốc, đều quá quen thuộc với câu hỏi "Bạn đã kết hôn và có con chưa?". Hay khi vào làm việc, được yêu cầu hứa "không mang thai trong một thời gian nhất định, nếu vi phạm lời hứa sẽ sẽ bị sa thải",...
Với việc chính sách "hai con" và "ba con" được ban hành và phổ biến dần dần ở Trung Quốc, tình trạng phân biệt đối xử nơi công sở với phụ nữ có thai cũng xảy ra thường xuyên hơn.
Cô Zhu đến từ thành phố Hàng Châu, giữ chức vụ quản lý của công ty, đã gặp phải tình huống phân biệt đối xử tương tự.
Vào tháng 2/2019, cô Zhu nộp đơn xin làm trưởng phòng nhân sự của một công ty công nghệ. Sau đó, hai bên đã ký hợp đồng lao động và thỏa thuận: Hợp đồng lao động thời hạn 1 năm, thời gian thử việc 3 tháng, lương cơ bản 14.000 NDT/tháng (hơn 50 triệu đồng).
Không lâu sau khi vào làm, cô Zhu có thai và thường xuyên phải nghỉ phép để đi khám.
Vào tháng 1/2020, cô Zhu nhập viện vì thiểu ối, thai nghén phức tạp, thiếu máu... và được xuất viện sau 5 ngày điều trị. Bác sĩ đề nghị cô nghỉ một tuần và cấp giấy chứng nhận y tế.
Tuy nhiên, khi có nộp đơn lên công ty xin nghỉ ốm 1 tuần, kèm theo giấy chứng nhận y tế thì không được chấp thuận.
Vài ngày sau đó, công ty điều chỉnh vị trí của cô Zhu xuống trợ lý hành chính, đồng thời tiền lương hàng tháng của cô cũng bị giảm từ 14.000 NDT xuống chỉ còn 4.000 NDT (hơn 14 triệu đồng).
Điều khiến cô Zhu bức xúc hơn nữa là 5 ngày sau, công ty cho rằng cô đã nghỉ làm mà không xin phép ban quản lý, dẫn đến việc vắng mặt và thiếu trách nhiệm nghiêm trọng với công việc, gây thiệt hại nghiêm trọng cho người sử dụng lao động và đề nghị chấm dứt hợp đồng lao động với cô Zhu.
Sau khi mang thai, cô Zhu bị giáng cấp, trừ lương và chấm dứt hợp đồng lao động. Ảnh minh họa
Sau khi sinh con, để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình, cô Zhu đã nộp đơn lên Ủy ban trọng tài lao động để nhờ phân xử.
Tuy nhiên, phía công ty công nghệ này đã từ chối chấp nhận phán quyết của trọng tài và đệ đơn kiện lên Tòa án huyện Đồng Lư (thành phố Hàng Châu).
Tòa án Đồng Lư cho rằng, dù công ty công nghệ không chấp thuận cho cô Zhu nghỉ ốm nhưng do cô đã xin nghỉ phép và nhập viện trước đó, nên được xem là vắng mặt vì lý do chính đáng và không thể xác định rằng cô Zhu thiếu trách nhiệm trong công việc.
Ngoài ra, những bằng chứng mà công ty cung cấp chưa thể khẳng định cô Zhu đã có hành vi làm trái nghĩa vụ, thiếu trách nhiệm gây thiệt hại nghiêm trọng cho người sử dụng lao động. Do đó, công ty đã chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật với cô Zhu.
Cuối cùng, Tòa án Đồng Lư đã ra phán quyết rằng công ty công nghệ này phải trả cho cô Zhu tổng cộng hơn 196.000 NDT (hơn 700 triệu đồng) bao gồm tiền lương trong thời gian nghỉ sinh, tiền lương bị mất cùng các khoản phụ cấp và bảo hiểm xã hội.
Công ty công nghệ này đã từ chối chấp nhận bản án sơ thẩm và kháng cáo lên Tòa án Trung cấp Hàng Châu.
Mới đây, Tòa án Trung cấp Hàng Châu đã xét xử vụ án và ra phán quyết bác đơn kháng cáo và giữ nguyên bản án ban đầu.
Hoa Vũ (Theo Sohu)