(ĐSPL) - Em nghĩ rằng các bạn nữ thường phải khoảng từ 21, 22 tuổi trở lên, khi đã va vấp nhiều thì mới có nhiều vốn sống, nhận thức cũng đứng đắn hơn, tình cảm dễ bền chặt hơn nếu có.
Chào chị Thanh Tâm!
Cho đến thời điểm này, em vừa tròn 22 tuổi, đang học cao học và chưa từng cặp với một ai. Có một vài vấn đề em thắc mắc cần được tư vấn giúp. So với bạn bè đồng trang lứa thì em thường được đánh giá là già dặn, chững chạc hơn qua cách suy nghĩ, nhận thức. Em không quá nao núng việc tìm người yêu nhưng đắn đo rằng có thể mình phải yêu muộn?
Gia đình định hướng em nên quen những người nhỏ hơn khoảng 4 tuổi là vừa vặn, hợp lí cho đời sống hôn nhân, riêng bản thân em cũng thích những người nhỏ tuổi hơn mình nhưng chưa biết khoảng cách chênh lệch tuổi, quan niệm ấy đã là ổn chưa?
Bản thân em thấy các bạn gái tuổi 18, đôi mươi hiện nay vẫn đang trong độ tuổi đến giảng đường. Theo suy nghĩ của em thì ở lứa tuổi này, các bạn ấy gần như chưa thích hợp để yêu vì còn phải lo chuyện học hành, trường lớp và cũng chưa thật sự có nhiều trải nghiệm ở đời. Em nghĩ rằng các bạn nữ thường phải khoảng từ 21, 22 tuổi trở lên, khi đã va vấp nhiều thì mới có nhiều vốn sống, nhận thức cũng đứng đắn hơn, tình cảm dễ bền chặt hơn nếu có.
Nếu thế thì không lẽ em phải chờ đến khi mình 26-27 tuổi trở lên, cũng là chờ các bạn gái ấy lớn ra, suy nghĩ đứng đắn hơn, có công ăn việc làm ổn định thì em mới có thể bắt đầu yêu sao ạ?
Chuyên gia Tư vấn trả lời:
Thực ra chưa có một nghiên cứu nào về mối quan hệ giữa chênh lệch tuổi tác vợ chồng với hạnh phúc trong trong hôn nhân nhưng trong thực tế hiện nay chúng ta thấy phổ biến là chồng hơn vợ dăm ba tuổi. Thực tế phổ biến và hiển nhiên đó gần như đã trở thành quan niệm của đại đa số như một sự đương nhiên phải như vậy. Phổ biến đến mức nếu có ai làm trái quan niệm trên, lấy vợ hơn mình dăm ba tuổi là người ta cho là “có vấn đề”.
Nhưng trên thực tế cũng có nhiều cặp, vợ hơn chồng dăm ba tuổi là điển hình mẫu mực cho sự hòa hợp của hạnh phúc lứa đôi như C. Mác – Zeny, Xuân Quỳnh – Lưu Quang Vũ, là những ví dụ như vậy. Ở nước ta thời phong kiến, các cụ quan niệm “có phúc lấy được vợ già/sạch cửa sạch nhà lại ngọt cơm canh/ Vô phúc lấy phải trẻ ranh/nó ăn nó phá tan tành nó đi”. Vì thế “gái hơn hai, trai hơn một” hoặc là “cùng tuổi nằm duỗi mà ăn”. Như vậy, tuổi vợ chồng hơn, kém hay bằng nhau không phải là yếu tố quyết định cho hôn nhân có hạnh phúc bền vững hay không, mà đó là sự phù hợp, là sự đồng điệu của hai tâm hồn, hai con người trong điều kiện hoàn cảnh lịch sử cụ thể của họ.
Thời nay, đa số bạn trẻ 18 tuổi học hết phổ thông bước vào chuyên nghiệp đến khoảng 21, 22 tuổi mới ra trường tìm việc làm. Theo tính toán của em thì đến tuổi đấy các cô gái mới đủ lông đủ cánh, đủ điều kiện để yêu để đi đến hôn nhân bền vững hạnh phúc. Và khi đó, các anh nam giới muốn hơn vợ dăm ba tuổi thì đương nhiên phải ở lứa tuổi 26, 27, như em đã tính. Như vậy, nếu tính toán kỹ như em thì em phải kìm nén con tim nếu nó rung động trước một kiều nữ nào đó cho đến khi em trở thành Thạc sĩ có công ăn việc làm ổn định thì mới yêu (đúng hơn là hỏi vợ).
Thông thường những cặp vợ chồng trước hôn nhân mà được tính toán kỹ như vậy thì điều kiện sống thuận lợi hơn, ít gặp khó khăn trắc trở nhưng tình yêu thì chưa hẳn đã mạnh mẽ bởi thành phần lý trí tham gia trong đó quá nhiều. Đặc biệt, cặp vợ chồng nào mà thiếu vắng tình yêu chỉ còn có lý trí thì ngầm chứa nhiều sự bất hạnh, và sẽ bộc lộ khi gia đình gặp khó khăn.
Đời sống tình cảm có quy luật riêng của nó, nếu để lý trí lấn át thì nó không còn là nó nữa, nếu thiếu sự cân nhắc tính toán cần thiết sẽ gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống. Do vậy, tình yêu và cuộc sống của mỗi người phải do chính mình tự cân bằng sao cho hài hòa vừa có sự lãng mạn thơ mộng và cháy bỏng của tình yêu vừa có sự tỉnh táo điều khiển của nhận thức và lý trí sao cho phù hợp với hoàn cảnh xã hội và điều kiện của mỗi cá nhân.
Với em, một chàng trai 22 tuổi đang học cao học chắc là có đủ khả năng học hỏi để xây dựng cho mình một cuộc sống tình yêu hạnh phúc và sự nghiệp hài hòa phong phú.
Chúc em thành công và hạnh phúc!
Chuyên mục hợp tác giữa báo Đời sống & Pháp luật và Tư vấn Thanh Tâm thuộc Hội khoa học tâm lý tư vấn Giáo dục Việt Nam. Độc giả có thể gửi tình huống tư vấn tại đây hoặc gọi trực tiếp đến tổng đài 19006674. |