Báo Dân trí đưa tin, trả lời phỏng vấn truyền thông Brazil ngày 20/4, Tổng thống Volodymyr Zelensky khẳng định miền tin đặt vào Ukraine đã không biến mất, niềm tin của người dân vào Lực lượng vũ trang và vào chính họ vẫn không hề mất đi.
"Nói về tâm lý mệt mỏi, tôi thừa nhận điều này là có, nhưng mỗi người có cách nhìn nhận khác về vấn đề này. Chúng tôi đều là con người. Kể cả khi các bạn làm công việc mà mình yêu thích, bạn vẫn trở về nhà vào buổi tối trong sự mệt mỏi. Nhưng điều đó không có nghĩa bạn sẽ nghỉ làm vào buổi sáng hôm sau", ông Zelensky nói.
Ông Zelensky tuyên bố, bất chấp tâm lý mệt mỏi, Ukraine vẫn sẽ không từ bỏ và đầu hàng Nga. Ông cũng cho biết, Ukraine sẽ tiếp tục theo đuổi kế hoạch gia nhập Liên minh châu Âu (EU). "Chúng tôi thậm chí không có lựa chọn đó. Chỉ có Nga tuyên truyền rằng mọi thứ ở Ukraine đều tồi tệ và rằng họ đang nắm thế chủ động. Điều này không hoàn toàn đúng", ông cho hay.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky. Ảnh: France 24
Theo nhà lãnh đạo Ukraine, đây là thời điểm đầy thử thách, không hề dễ dàng đối với quân đội nước này khi Nga đang sở hữu nhiều vũ khí hơn. Song, ông bày tỏ kỳ vọng về việc các đối tác sẽ dần dần thông qua gói viện trợ mới và nguồn cung vũ khí cho quân đội Ukraine sẽ được nối lại.
"Ukraine sẽ không rút lui. Chúng ta sẽ thấy, chúng ta có công nghệ phù hợp, chúng ta đang đấu tranh để có được nguồn cung từ các đối tác của mình. Điều đó không dễ dàng, nhưng chúng ta sẽ không bỏ cuộc", ông Zelensky khẳng định.
Trong một diễn biến có liên quan, báo điện tử VTC News đưa tin, Thiếu tướng Pat Ryder - phát ngôn viên Lầu Năm Góc cho biết, Mỹ đang xem xét gửi thêm cố vấn quân sự tới đại sứ quán nước này ở Kiev. Các cố vấn này sẽ đóng vai trò phi chiến đấu, chủ yếu hỗ trợ hậu cần, giám sát việc cung cấp vũ khí của Mỹ và hỗ trợ bảo trì vũ khí.
Tuy ông Ryder không tiết lộ cụ thể số lượng cố vấn quân sự mà Mỹ sẽ gửi tới Ukraine nhưng theo nguồn tin của Politico, con số này có thể lên tới khoảng 60 người. Những người này sẽ làm việc tại Văn phòng Hợp tác Quốc phòng tại Đại sứ quán Mỹ ở Kiev (Ukraine).
Trước đó, Hạ viện Mỹ cũng thông qua 4 dự luật về viện trợ nước ngoài. Trong đó, Mỹ sẽ dành gần 61 tỷ USD để viện trợ Ukraine, 26 tỷ USD cho Israel, hơn 8 tỷ USD cho các đối tác ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, trong đó có Đài Loan (Trung Quốc).
Các dự luật này sẽ được tổng hợp thành một dự luật và gửi tới Thượng viện để bỏ phiếu. Lãnh đạo Đa số Thượng viện Chuck Schumer cho biết, Thượng viện sẽ bắt đầu bỏ phiếu vào ngày 23/4 tới. Giới quan sát nhận định, Thượng viện Mỹ sẽ nhanh chóng thông qua và chuyển tới Tổng thống Joe Biden để ký thành luật.