Ông chủ của Kinh Đô Trần Kim Thành vừa quyết định bán 80\% mảng kinh doanh bánh kẹo của tập đoàn này cho Mondelez International với giá 370 triệu USD.
Mới đây, Kinh Đô đã triệu tập Đại hội cổ đông bất thường để thông qua việc bán 80\% mảng kinh doanh truyền thống của tập đoàn, 20\% còn lại có thể được bán trong vòng 12 tháng tới cho nhà đầu tư nước ngoài. Quyết định này có thể xem như Kinh Đô sẽ rút khỏi thị trường bánh kẹo sau 20 năm hoạt động.
Ông Trần Kim Thành, Chủ tịch Kinh Đô. |
Ngay sau đó, Kinh Đô đã công bố kế hoạch sử dụng nguồn tiền sẽ thu được từ thương vụ này, dự kiến hoàn thành trong quý I năm 2015. Theo đó, công ty sẽ tăng đầu tư vào Vocarimex lên 51\% từ mức 24\% hiện tại; mua thêm một công ty trong lĩnh vực thực phẩm và đồ uống (F&B) và mua lại 20 triệu cổ phiếu quỹ (tương đương 8,7\% vốn điều lệ).
Ngoài ra, một phần tiền có thể được sử dụng để chia cổ tức cho cổ đông nếu được ban lãnh đạo Kinh Đô đề xuất và được thông qua tại ĐHCĐ thường niên năm 2015. “Ông vua bánh kẹo” Kinh Đô đã thay đổi lớn trong chiến lược kinh doanh khi chuyển sang đa dạng hóa ngành hàng, với các khoản đầu tư vào Vocarimex (dầu ăn), SaiGon Vewong (mỳ ăn liền) và Phil Deli (cà phê) từ quyết định tại ĐHCĐ năm 2014. Đầu năm 2014, Kinh Đô đã phát hành 40 triệu cổ phiếu để tăng vốn điều lệ lên hơn 2.000 tỷ đồng, thu về khoảng 1.700 tỷ tiền mặt, nhằm phục vụ cho chiến lược mở rộng. Đồng Tâm Long An và 3 nhà đầu tư khác đã mua toàn bộ số cổ phiếu này.
Hồ sơ
Gia đình ông Trần Kim Thành đã khởi nghiệp từ những năm 90 và xây dựng Kinh Đô trở thành thương hiệu thực phẩm và dẫn đầu trong thị trường bánh kẹo. Năm 2013, tập đoàn này đạt doanh thu hơn 4.500 tỷ đồng và lợi nhuân 619 tỷ đồng, hiệu quả trên vốn (ROE) đạt 10\%. Kinh Đô đang chiếm thị phần lớn trong hầu hết các dòng sản phẩm bánh kẹo, như bánh quy (biscuits), bánh bông lan, bánh mỳ và kem. Đặc biệt là bánh trung thu, luôn đóng góp lớn vào lợi nhuận hàng năm của công ty. Sau khi niêm yết công ty vào năm 2005, Kinh Đô đã liên tiếp bắt tay với các đối tác để phát triển, như đầu tư vào Tribeco (2005), Nutifood (2007) và mua lại Vinabico (2008). Năm 2012, hãng bánh kẹo Ezaki Glico (Nhật Bản) chi 660 tỷ để mua 10\% cổ phần Kinh Đô. Tuy nhiên, không phải thương vụ nào cũng thành công, Kinh Đô đã chấp nhận lỗ ở Tribeco và Nitifood, còn đối tác Nhật Bản mới đây đã rút khỏi Kinh Đô. Thương vụ thành công nhất là việc Kinh Đô mua lại nhà máy kem Wall’s của Unilever từ năm 2003. Trong lĩnh vực bất động sản, Kinh Đô đã đầu tư 1.015 tỷ đồng để sở hữu 50\% dự án Lavenue Crown, một mảnh đất vàng tại TP.HCM. Nhưng sau nhiều năm khu phức hợp 5 sao này vẫn chưa thể khởi công.
Tài sản
Theo báo cáo quản trị 6 tháng đầu năm 2014 của Kinh Đô, gia đình ông Thành đang nắm giữ trực tiếp và gián tiếp khoảng 26\% cổ phần công ty. Trong đó, chủ yếu là sở hữu của vợ chồng ông Trần Kim Thành, Chủ tịch HĐQT, và vợ chồng ông Trần Lệ Nguyên, Tổng giám đốc. Giá trị thị trường của số cổ phần này vào ngày 20/11 khoảng 3.400 tỷ đồng (giá cổ phiếu KDC: 52.000 đồng). Trên thực tế, những tin đồn về việc Kinh Đô bán mảng bánh kẹo trước thời điểm công bố đã đẩy giá cổ phiếu này tăng 28\%, từ mức 50.000 đồng lên 62.000 đồng/cổ phiếu. Sau khi thông tin được công bố, giá cổ phiếu đã giảm về mức hiện tại. Ngoài Kinh Đô, ông Thành và ông Nguyên còn tham gia vào HĐQT công ty Thiên Long, với vai trò là đại diện sở hữu của Kinh Đô tại công ty này. Thiên Long là công ty văn phòng phẩm có giá trị thị trường hơn 1.400 tỷ đồng.