Mới đây, ông Hoàng Minh Tuấn Anh - chủ tịch UBND quận 7 (TPHCM), cho biết quận đã thành lập trung tâm nghiên cứu mô hình phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn bình thường mới để nghiên cứu phục hồi kinh tế sau dịch, từng bước hoạt động trở lại với từng loại hình kinh doanh.
Theo đó, dự kiến từ 20/9 đến 20/10 sẽ ưu tiên cho hoạt động trở lại đối với loại hình kinh doanh các mặt hàng thiết yếu và kinh doanh đường phố. Đi kèm đó là các điều kiện như tiêm vắc xin mũi 2, hoạt động theo bộ tiêu chí do quận thẩm định và cho phép hoạt động.
Vấn đề cho phép người lao động, công nhân được trở lại làm việc sau khi đã tiêm đủ 2 mũi vaccine cũng là điều mà nhiều doanh nghiệp đang “cầu cứu” tới Chính phủ, bởi lẽ việc “đóng băng” dây chuyền, nhà máy quá lâu sẽ dẫn tới những hệ luỵ xấu với nền kinh tế.
Trao đổi với PV Đời sống & Pháp luật, Tiến sĩ (TS) Lưu Bình Nhưỡng, Phó Trưởng Ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Đại biểu Quốc hội khóa XIV, cho rằng thành phố Hà Nội cần nới lỏng việc di chuyển và sinh hoạt cho những người đã tiêm đủ 2 mũi vaccine.
Từ vấn đề này, ông Lưu Bình Nhưỡng đưa ra đề xuất: Đối với nhóm người đã tiêm đủ 2 mũi vaccine COVID-19, có đủ thời gian 14 ngày để tạo kháng thể, thì cần cho phép họ sinh hoạt, đi lại, di chuyển “thoải mái trong khuôn khổ”, với điều kiện phải có giấy xác nhận kết quả xét nghiệm nhanh COVID-19 âm tính có hiệu lực trong 72h.
“Tất nhiên thoải mái không có nghĩa là họ được đi lung tung, mà vẫn phải tuân thủ chặt chẽ các biện pháp phòng chống dịch COVID-19, và đặc biệt cần phải có giấy xác nhận âm tính COVID-19 bằng phương phép test nhanh. Đó là cách để người dân dần dần trở lại với trạng thái bình thường mới, vừa chống dịch, vừa sản xuất”, TS Lưu Bình Nhưỡng phân tích.
Phó trưởng ban Dân nguyện Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng.
Nhắc lại việc quận 7 (TPHCM) chuẩn bị ưu tiên cho hoạt động trở lại đối với loại hình kinh doanh các mặt hàng thiết yếu và kinh doanh đường phố, với điều kiện người kinh doanh cần tiêm đủ 2 mũi vaccine, ông Lưu Bình Nhưỡng cho rằng đó chính là minh chứng cho việc chính quyền TP.HCM đã biết cách áp dụng trạng thái “bình thường mới, sống chung lâu dài với dịch bệnh” theo đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Phạm Minh Chính.
“Theo tôi nếu cứ tiếp tục áp dụng các biện pháp cực đoan thì đều không mang lại kết quả tốt. Nếu cứ tiếp tục thì sẽ gây ảnh hưởng cho xã hội, thiệt hại cho nền kinh tế”, ông Lưu Bình Nhưỡng nhấn mạnh.
Hà Nội nên bỏ giấy đi đường, thay vào đó là giấy chứng nhận tiêm đủ 2 mũi vaccine
Theo vị Phó Trưởng Ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, hiện nay, dư luận xã hội không đồng tình với một số quy định của thành phố, và theo ông nên nghiên cứu để bỏ giấy đi đường: “Người dân hoàn toàn có thể trình căn cước công dân kèm chứng nhận đã tiêm đủ 2 mũi vaccine COVID-19. Chính vì vậy, theo tôi nên bỏ giấy đi đường”, ông Nhưỡng đề xuất.
Nêu quan điểm cá nhân, ông Nhưỡng cho rằng đợt giãn cách xã hội này của Hà Nội là “hơi kéo dài”, và chưa mang lại hiệu quả cao: “Một số đơn vị vẫn cứng nhắc. Nếu người dân đang đi đường lại ngăn người dân lại rồi khám xét thì tôi cho rằng không nên. Hiện nay cái quan trọng nhất chính là các chốt ở dân cư phải đảm bảo kiểm soát tốt người đi ra-vào chứ không phải là câu chuyện giấy đi đường”, TS Lưu Bình Nhưỡng nói.
Cũng theo ông Lưu Bình Nhưỡng, thành phố cũng nên bỏ việc tập trung xét nghiệm quá đông, mà nên hướng dẫn cho người dân tự xét nghiệm nhanh tại nhà: “Một khi có kết quả test nhanh dương tính thì mới tiếp tục xét nghiệm khẳng định bằng phương pháp PCR”, ông Nhưỡng phân tích.
Ứng dụng công nghệ thông tin trong cấp giấy chứng nhận đi đường, cũng như kiểm soát người đi đường là việc làm rất cần thiết trong lúc dịch COVID-19 diễn biến phức tạp. Việc ứng dụng công nghệ sẽ giúp giảm được áp lực cho chốt kiểm soát dịch, tránh tụ tập đông người tại các trụ sở UBND phường để xin xác nhận cũng như giảm nguy cơ lây nhiễm. Quan trọng nhất, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong kiểm soát đi lại sẽ tạo thuận lợi người dân, doanh nghiệp. |
Hiếu Nguyễn - Khánh Ngân