Theo "khổ chủ" Huỳnh Uy Dũng (chủ khu Đại Nam), quyết định này chẳng qua là "giọt nước tràn ly", xuất phát từ việc công ty phải chịu đựng cách hành xử của chính quyền địa phương (?!). Tạm thời chưa bàn tới đúng sai của cả hai phía chính quyền và doanh nghiệp, nhưng sự kiện này đang đặc biệt thu hút sự quan tâm của dư luận.
"Già néo đứt dây"?
Đối với phần đông dư luận cả nước, sự việc chỉ thực sự "nổi sóng" khi đại gia Dũng "lò vôi" tuyên bố đóng cửa khu du lịch Lạc Cảnh Đại Nam Văn Hiến (gọi tắt là Đại Nam) cách đây ít ngày. Tuy nhiên, theo giới thạo tin, những lùm xùm liên quan đến vị đại gia tuổi Sửu (SN 1961) và chính quyền tỉnh Bình Dương đã âm ỉ từ trước đó khá lâu. Nói như lời ông Dũng "lò vôi", phát biểu với báo chí, sự việc lần này chỉ là "giọt nước tràn ly", nhằm phản ứng lại cách hành xử mà theo ông là o ép của chính quyền địa phương(?!).
Một góc khu du lịch Đại Nam. |
Câu chuyện bắt đầu khi tỉnh Bình Dương công bố thu hồi Quyết định (được ban hành tháng 7/2008) về việc cho phép thay đổi thời hạn sử dụng "đất ở" trong KCN Sóng Thần 3 từ 50 năm sang lâu dài đối với công ty cổ phần Đại Nam. Tuy nhiên, ông Dũng "lò vôi" không đồng ý với quyết định nói trên. Phát biểu với báo giới, vị đại gia tuổi Sửu cho biết: "Tôi tạo nên khu du lịch Đại Nam vì muốn tạo một sân chơi, cũng là nơi để giúp đỡ mọi người. Dù sẽ thiệt hại nhưng tôi vẫn quyết định đóng, vì tôi cảm thấy bị chính quyền địa phương dồn ép. Họ không cho mình cơ hội để cống hiến thì thôi, mình sống đơn giản cho mình".
Cũng cần nói thêm, ông Huỳnh Uy Dũng là một doanh nhân "nổi đình nổi đám" theo đúng nghĩa. Hiện có không ít đồn đoán về đại gia đất võ Bình Định này, tất nhiên không phải mọi đồn đoán đều có cơ sở. Tuy nhiên, không phải doanh nhân nào cũng làm được những việc ông Huỳnh Uy Dũng từng làm. Vốn là doanh nghiệp "con cưng" của tỉnh Bình Dương, ông từng được UBND tỉnh này "trải thảm đỏ" để phục vụ cho công cuộc kinh doanh. Hiện tại, đại gia Dũng "lò vôi" là chủ sở hữu của khu du lịch Lạc Cảnh Đại Nam Văn Hiến, là chủ đầu tư các KCN Bình Dương gồm Sóng Thần 1, 2, 3...
Một trong những câu hỏi được dư luận quan tâm nhất lúc này chính là việc đại gia Huỳnh Uy Dũng có đang "gây áp lực" với chính quyền tỉnh Bình Dương hay không? Điều này dư luận có quyền phân tích, mổ xẻ. Bởi, một khu du lịch tọa lạc tại vị thế đắc địa, được xây dựng trên diện tích hơn 700 ha, đầu tư ước tính khoảng 6.000 tỉ đồng, với những dịch vụ giải trí hàng đầu Đông Nam Á... nếu bị đóng cửa chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến rất nhiều đối tượng khác nhau chứ không riêng gì tỉnh Bình Dương. Đó là chưa kể, việc ông Dũng "lò vôi" đóng cửa khu du lịch này cũng đồng nghĩa với việc hàng nghìn lao động tại đây sẽ mất việc, hàng chục nghìn trẻ em mắc bệnh tim sẽ không được phẫu thuật miễn phí thông qua chính sách từ Đại Nam. Liệu chính quyền địa phương có thể "bình chân" nhìn nó bị đóng cửa?
Xem video:
Những hình ảnh ấn tượng khu du lịch Đại Nam
Tiền lệ xấu từ cách hành xử “một mình một chợ”?
Mặt khác, trên thực tế nhiều năm liền, tỉnh Bình Dương luôn là một trong những địa phương thu hút vốn đầu tư nước ngoài dạng "khủng" với hàng nghìn doanh nghiệp đóng trên địa bàn. Tuyên bố đóng cửa khu du lịch Đại Nam là quyết định cá nhân của ông Huỳnh Uy Dũng với tư cách chủ doanh nghiệp là quyền của ông. Xét về thiệt hại, ông Dũng là người phải chịu đầu tiên, bởi đó là "đứa con tinh thần" của ông ta. Vì, một khoản tiền khổng lồ đã được ông này dốc vào đây. Thế nhưng, điều dư luận đặt ra chính là cách hành xử của hai phía chính quyền và doanh nghiệp trong diễn biến của câu chuyện nêu trên.
Bình luận về sự vụ này, một chuyên gia kinh tế từng công tác tại Bộ Kế hoạch & Đầu tư (đề nghị giấu tên) nhận định: "Bình Dương đã không khéo léo xử lý vấn đề tồn tại của địa phương". Theo lời chuyên gia này, hiện tại, dù chưa biết đúng sai thế nào nhưng cách xử lý của chính quyền địa phương dễ khiến người ta nghĩ rằng, chính quyền o ép, làm khó doanh nghiệp.
Cách đây ít lâu, báo Đời sống và Pháp luật từng phản ánh doanh nghiệp đang đầu tư làm ăn ở Hà Tĩnh bị chính quyền địa phương "làm khó". Nhiều chủ doanh nghiệp phải "ngậm bồ hòn làm ngọt" vì trót đầu tư vào đây. Trong đó, công ty cổ phần Đa Quốc Gia (trụ sở tại phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội) đã phải lên tiếng.
Theo đại diện công ty, UBND tỉnh Hà Tĩnh ban hành quyết định thu hồi đất dự án 24h Non-Stop-City trong khu kinh tế Vũng Áng (xã Kỳ Trinh, huyện Kỳ Anh) của công ty là vi phạm pháp luật hiện hành, gây thiệt hại cho quyền và lợi ích của công ty. Được biết, năm 2007, công ty nhận bàn giao 126.535m2 đất (tương đương với gần 13ha) và gần 30.000m2 đất ngoài, gọi là đất lưu không, để thực hiện dự án. Ngay sau khi được bàn giao đất, công ty đã tiến hành đầu tư xây dựng một số hạng mục của dự án như kè móng, san lấp mặt bằng, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng...
Được biết, công ty đang thực hiện xây dựng các hạng mục công trình, giấy phép xây dựng vẫn chưa hết hạn đã bị thu hồi giấy chứng nhận đầu tư. Tiếp theo là quyết định số 1371/QĐ-UBND của UBND tỉnh thu hồi đất dự án, do vi phạm Luật Đất đai đối với công ty đa quốc gia. Chưa nói đến quyết định thu hồi vi phạm pháp luật nhưng quyết định thu hồi chưa có hiệu lực, lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh đã cho doanh nghiệp khác sử dụng, quản lý, xây dựng trên những hạng mục dự án mà công ty đang triển khai?!
Thực tế, đâu đó tại các địa phương, thỉnh thoảng lại xuất hiện những lùm xùm liên quan đến việc doanh nghiệp "tố" chính quyền gây khó dễ. Thế nhưng, với cách hành xử như của ông Dũng "lò vôi" thì quả là có một không hai. Điều dư luận lo ngại không chỉ dừng lại ở những thiệt hại kinh tế, lãng phí tiền của xã hội mà đây sẽ là tiền lệ xấu khiến doanh nghiệp tại các địa phương khác học theo.
Để câu chuyện trên không đi quá xa, dẫn đến những phản ứng thái quá, nhiều ý kiến cho rằng, cả phía doanh nghiệp và chính quyền nên ngồi lại với nhau và đi đến một tiếng nói chung. Việc gặp gỡ sẽ giúp chính quyền làm rõ được các khúc mắc của doanh nghiệp và đưa ra hướng giải quyết thỏa đáng nhất. Bởi, đôi khi một phút hành xử thiếu linh hoạt của cả hai bên sẽ dẫn đến những hệ quả khó lường với kinh tế, xã hội địa phương. "Nếu ở địa phương khác, doanh nghiệp cũng lấy việc đóng cửa hoạt động để phản đối lãnh đạo chính quyền, rõ ràng đây là tiền lệ không tốt", một chuyên gia kinh tế từng công tác tại Bộ KH&ĐT nhấn mạnh.
Đi tìm nguồn gốc của “lùm xùm”
Ngày 21/10/2013, ông Huỳnh Uy Dũng gửi đơn đến Thủ tướng Chính phủ và các cơ quan có thẩm quyền tố cáo ông Lê Thanh Cung - Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương về việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật trong việc không phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/500 khu chức năng thuộc Khu công nghiệp (KCN) Sóng Thần 3, gây thiệt hại cho công ty Đại Nam.
Ngày 23/7/2014, Thanh tra Chính phủ đã công bố kết luận, ông Lê Thanh Cung ký ban hành văn bản chỉ đạo nói trên là đúng thẩm quyền và đúng quy định của pháp luật". Chiều 5/8, ông Huỳnh Uy Dũng gửi đơn lên Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng và Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh để đề nghị cho phúc tra kết luận thanh tra. Ngày 12/9, UBND tỉnh Bình Dương đã ra quyết định thu hồi lại quyết định trước đây do chính UBND tỉnh Bình Dương ban hành.
Ngày 8/10/2014, Văn phòng Chính phủ đã ra công văn số 7868/VPCP-V.I, gửi Tổng TTCP cho biết: Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Tổng TTCP xem xét, giải quyết nội dung tố cáo dấu hiệu sai phạm của Kết luận số 1549 và báo cáo Thủ tướng. Đầu tháng 11/2014, ông Dũng đã tuyên bố chính thức đóng cửa khu du lịch Đại Nam đến hết năm 2014 vì cho rằng... "chịu hết nổi".
Tỉnh Bình Dương khẳng định không gây khó khăn cho doanh nghiệp
Tại buổi họp báo được tổ chức cách đây ít ngày, ông Trần Văn Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương cho biết: "Việc đóng cửa khu du lịch Đại Nam, tỉnh Bình Dương rất lấy làm tiếc vì người dân trong và ngoài tỉnh chịu ít nhiều thiệt thòi, ảnh hưởng đến việc tham quan, vui chơi giải trí của du khách. Tuy nhiên, việc tạm ngừng hoạt động đó cũng là quyết định của doanh nghiệp và luật không cấm điều này". ông Nam cũng tái khẳng định: "Tỉnh Bình Dương không hề có những hành động gây khó khăn, bức xúc khiến Đại Nam phải ngừng hoạt động".
Hai điều đáng suy ngẫm Vì không muốn vướng vào vòng thị phi, chuyên gia xã hội học này đề nghị ẩn tên trên báo. Thế nhưng, những phân tích của ông làm chúng tôi suy nghĩ. ông phân tích về những lùm xùm giữa đại gia và lãnh đạo chính quyền tỉnh Bình Dương như sau: Thứ nhất, họ “lình xình” với nhau đã lâu và phải chờ Thủ tướng kết luận cuối cùng mới biết đúng sai. Dù ai đúng, ai sai thì chúng ta cũng phải thừa nhận rằng, ông Dũng và lãnh đạo Bình Dương đều có những hành động chưa phù hợp với pháp luật nên đôi bên mới tạo kẽ hở cho nhau, kiện nhau. Thứ hai, ông Dũng bị lãnh đạo tỉnh Bình Dương "ý kiến" về đất ở khu công nghiệp Sóng Thần chứ không phải khu du lịch Đại Nam, sao lại đem chuyện đóng cửa khu du lịch này ra thông báo? Cách hành xử này chưa trọn vai là một doanh nhân. Bởi một doanh nhân ngoài làm giàu cho mình, cho gia đình thì trách nhiệm với xã hội lớn hơn công dân bình thường. Vì thế, theo tôi, sự việc này nên dừng lại ở đây đừng làm ảnh hưởng đến sự bình thường trong đời sống xã hội. |