Ngày 7/1, phát biểu họp báo tại khu nghỉ dưỡng Mar-a-Lago ở Florida, Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump tuyên bố không loại trừ khả năng sử dụng biện pháp cưỡng chế về quân sự hoặc kinh tế để mở rộng lãnh thổ của Mỹ.
Theo đó, ông Trump nhấn mạnh tham vọng mở rộng lãnh thổ, cho rằng Washington nên mua lại Greenland, đe dọa sẽ chiếm lại Kênh đào Panama và cân nhắc sử dụng “sức mạnh kinh tế” để biến Canada thành bang thứ 51 của Mỹ. Vị tổng thống đắc cử nhấn mạnh khả năng sẵn sàng gây hấn với các đồng minh và đưa ra những lời đe dọa sâu rộng, Vietnamplus thông tin.
Tổng thống đắc cử Donald Trump. Ảnh: Reuters
Ông Trump đồng thời cho biết ông sẽ đổi tên Vịnh Mexico thành "Vịnh Hoa Kỳ". Lời hứa đổi tên này gợi nhớ đến cam kết trước đó của ông Trump về việc đổi tên Denali, đỉnh núi cao nhất Bắc Mỹ, trở lại tên gọi Mount McKinley. Cựu Tổng thống Barack Obama đã đổi tên ngọn núi ở Alaska này để tôn trọng người bản địa.
Thông thường, Hội đồng Đặt tên Địa lý Mỹ là cơ quan đặt tên địa danh, mặc dù các tổng thống cũng có thể đổi tên các địa danh thông qua sắc lệnh hành pháp, theo Dân Trí.
Cũng theo ông Trump, "mọi địa ngục sẽ bùng nổ" ở Trung Đông nếu các con tin ở Gaza không được trả tự do trước Ngày nhậm chức vào 20/1 tới.
Bên cạnh đó, ông Trump tuyên bố sẽ "ân xá" cho những người bị buộc tội trong cuộc bạo loạn ngày 6/1 năm 2021 tại Tòa nhà Quốc hội Mỹ.
Buổi họp báo diễn ra một ngày sau khi Quốc hội chính thức chứng nhận chiến thắng của ông Trump trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ 2024.
Trong những tuần qua, ông Trump đã nhiều lần nhấn mạnh tầm quan trọng của kênh đào Panama và đảo Greenland của Đan Mạch, cho rằng Mỹ cần có những khu vực này.
Ông Trump mong muốn có Greenland vì vị trí chiến lược của hòn đảo, trong bối cảnh băng ở Bắc Cực tan chảy đang mở ra những cuộc cạnh tranh thương mại và hải quân mới, cũng như vì trữ lượng khoáng sản đất hiếm cần thiết cho công nghệ tiên tiến.
Thị trấn Tasiilaq của Greenland - hòn đảo lớn nhất thế giới. Ảnh: Reuters
Trong khi đó, vào tháng trước, ông Trump đã cáo buộc Panama tăng giá đối với các tàu thuyền của Mỹ đi qua kênh đào và gợi ý rằng nếu điều này không thay đổi, ông sẽ từ bỏ hiệp ước từ thời Tổng thống Jimmy Carter, vốn trao trả toàn bộ quyền kiểm soát khu vực kênh đào cho Panama.
Trong một diến mới nhất liên quan, ngày 7/1, Thủ tướng Canada Justin Trudeau đã lên tiếng bác bỏ ý định của Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump muốn sử dụng “sức mạnh kinh tế” để sáp nhập Canada vào “Xứ cờ hoa”.
Trên mạng xã hội, ông Trudeau tuyên bố: “Không có cơ hội nào để Canada trở thành một phần của nước Mỹ. Người lao động và cộng đồng ở cả hai quốc gia chúng ta đều được hưởng lợi khi trở thành đối tác thương mại và an ninh lớn nhất của nhau”.