Nhà sáng lập, CEO của Tencent Holdings - công ty có vốn hóa lớn nhất châu Á, Ma Huateng (còn gọi là Pony Ma) vừa cán mốc tài sản 50 tỷ USD - điều chưa tỷ phú Trung Quốc đại lục nào từng làm được.
Cụ thể, theo thống kê thời gian thực của Forbes ngày 19/1, tài sản của Ma Huateng lần đầu vượt 50 tỷ USD nhờ cổ phiếu Tencent tăng 1% trên sàn chứng khoán Hồng Kông và đóng cửa ở mức kỷ lục 452,4 USD/cổ phiếu. Với khối tài sản đó, Ma Huateng trở thành người giàu nhất châu Á và giàu thứ 14 trên thế giới.
Đà tăng này cũng giúp công ty Trung Quốc lọt vào top 5 công ty lớn nhất toàn cầu, dẫn trước cả "người đồng hương" Alibaba. Các nhà đầu tư đặt cược rằng Tencent có thể tận dụng số lượng người dùng lớn và các game ăn khách để phát triển thành một công ty quảng cáo và giải trí sánh ngang Google hoặc Facebook.
Tỷ phú Ma Huateng. Ảnh: Business Insider |
Mới đây, Tencent Holdings Ltd và gã khổng lồ tìm kiếm Google đã đạt được thoả thuận chia sẻ nhiều bằng sáng chế của một loạt các sản phẩm và công nghệ mà cả hai đang nắm giữ, tạo nên một liên minh giữa hai tập đoàn lớn nhất thế giới ở thời điểm hiện tại.
Thoả thuận này có thể được ngầm hiểu rằng tập đoàn lớn thứ nhì (Google) và thứ năm (Tencent) thế giới này sẽ cùng hợp tác để phát triển những công nghệ trong tương lai. Ngoài ra, nó còn giúp việc kinh doanh của Google ở Trung Quốc trở nên dễ dàng hơn, trong khi Tencent thì có cơ hội vươn ra thị trường quốc tế.
Ma Huateng, sinh năm 1971, có biệt danh "Pony" (ngựa non), để phân biệt với Jack Ma - nhà sáng lập hãng thương mại điện tử Alibaba, bởi cả hai đều mang họ Ma (Mã). Trái ngược với phong cách của Jack Ma, "Pony" Ma đặc biệt ngại tiếp xúc với báo giới, hiếm khi trả lời phỏng vấn.
Ông từng theo học tại ĐH Thâm Quyến ngành khoa học máy tính. Ngay từ khi còn trẻ, ông đã chơi chứng khoán và thi được những khoản lợi nhuận đáng kể. Sau khi kiếm được một khoản tiền từ việc chơi chứng khoán, Ma Huateng đã sáng lập Tencent Holdings cùng 4 người bạn đại học năm 1998 khi mới 26 tuổi.
Trong những năm đầu, Tencent bị đánh giá là chỉ biết sao chép công nghệ từ bên ngoài, bị cáo buộc đánh cắp sản phẩm của phương Tây rồi điều chỉnh để thích nghi với thị trường Trung Quốc. Chẳng hạn, nền tảng nhắn tin trên máy tính cá nhân (PC) của Tencent bị cho là sao chép sản phẩm tương tự từ công ty Mỹ AOL.
Theo đó, sản phẩm lớn đầu tiên của công ty là dịch vụ nhắn tin trực tuyến miễn phí ở Trung Quốc QQ.
Năm 2000, Tencent nhận được 2,2 triệu USD từ công ty đầu tư IDC của Mỹ và hãng viễn thông Hong Kong Pacific Century CyberWorks (PCCW) đổi lấy 40% cổ phần. Số vốn đầu tư này giúp Tencent hỗ trợ thêm nhiều người dùng và quan trọng hơn là cho Huateng thêm thời gian để tìm nguồn thu từ hàng triệu người dùng QQ.
Sau thành công đầu tiên, Tencent nhanh chóng bổ sung thêm các dịch vụ gia tăng giá trị như hình ảnh, game và thử đẩy quảng cáo trực tuyến trên phần mềm QQ. Huateng cũng xây dựng hệ thống thanh toán riêng có tên QQ Coin để không phụ thuộc vào các nhà mạng.
Đến năm 2011, Tencent tiếp tục cho ra đời WeChat “lấy ý tưởng” từ ứng dụng nhắn tin Whatsapp và nhanh chóng lan rộng. Tính tới tháng 4/2017, WeChat và dịch vụ ăn theo Weixin có 938 triệu người dùng hằng tháng. Đây không chỉ là một ứng dụng tin nhắn, mà còn là một hệ sinh thái sản phẩm công nghệ, bao gồm công cụ tìm kiếm, mạng xã hội và nền tảng thanh toán trực tuyến.
Ngoài ra, Tencent còn xây dựng được một mảng trò chơi di động với quy mô lớn, đạt doanh thu 10 tỷ USD trong năm 2016 nhờ thành công vang dội của những trò chơi như "Clash of Clans" hay "Honor of Kings".
Năm 2007 và 2014, tạp chí Time bình chọn Ma Huateng là một trong những người có ảnh hưởng nhất trên thế giới. Năm 2015, ông còn được Forbes bình chọn là một trong những người có quyền lực nhất thế giới. Hai năm sau, Fortune xếp ông là một trong những doanh nhân hàng đầu của năm.
Năm 2016, tỷ phú Ma Huateng dành 100 triệu cổ phiếu Tencent, tương đương 2,14 tỷ USD khi đó cho một quỹ từ thiện mới thành lập. Ông hiện còn giữ cương vị đại biểu Quốc hội Trung Quốc.
Vũ Đậu (T/h)