Tổng thống Mỹ Joe Biden và Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ đối thoại trực tuyến bằng cuộc gọi video vào ngày 7/12 (giờ địa phương), hai nhà lãnh đạo sẽ thảo luận về tình hình căng thẳng ở Ukraine, Reuters đưa tin.
Người phát ngôn Nhà Trắng Jen Psaki cho biết: “Tổng thống Biden sẽ nhấn mạnh mối quan ngại của Mỹ với các hoạt động quân sự của Nga ở biên giới với Ukraine, đồng thời tái khẳng định sự ủng hộ của Mỹ đối với chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine”.
Bà Jen Psaki cho biết các chủ đề trao đổi khác trong cuộc đối thoại sẽ bao gồm "sự ổn định chiến lược, an ninh mạng và các vấn đề trong khu vực". Hai bên cũng sẽ thảo luận về quan hệ song phương và việc thực hiện các thỏa thuận đạt được tại hội nghị thượng đỉnh Geneva vào tháng 6, Điện Kremlin cho biết ngày 4/12.
Tổng thống Mỹ Joe Biden và Tổng thống Nga Vladimir Putin trong cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Nga tại Villa La Grange ở Geneva, Thụy Sĩ, ngày 16/6. Ảnh: Reuters.
Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nói với Reuters: “Cuộc đối thoại sẽ diễn ra vào ngày 7/12. Quan hệ song phương, đương nhiên cả Ukraine và việc thực hiện các thỏa thuận tại Geneva sẽ là những chủ đề trọng tâm trong chương trình nghị sự”, ông Peskov nói.
Thời gian chính xác của cuộc đối thoại không được tiết lộ.
Theo Reuters, hơn 94.000 binh sĩ Nga được cho là đang tập trung gần biên giới Ukraine. Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Oleksii Reznikov hôm 3/12 cho biết, Moscow có thể đang lên kế hoạch cho một cuộc tấn công quân sự quy mô lớn vào cuối tháng 1/2022, trích dẫn các báo cáo tình báo. Phía Ukraine cho biết các quan chức Mỹ đã đưa ra kết luận tương tự.
Trong khi đó, Tổng thống Biden đã từ chối các yêu cầu của Nga về đảm bảo an ninh trong khu vực. "Kỳ vọng của tôi là chúng ta sẽ có một cuộc thảo luận dài với ông Putin. Tôi không chấp nhận lằn ranh đỏ của bất cứ ai", ông Biden nói với các phóng viên hôm 3/12.
Moscow cáo buộc thủ đô Kyiv đang theo đuổi việc xây dựng quân đội của riêng mình. Chính phủ Nga cũng đã bác bỏ những cáo buộc rằng họ đang chuẩn bị cho một cuộc tấn công vào Ukraine, đồng thời bảo vệ quyền triển khai quân đội trên lãnh thổ của mình khi thấy phù hợp.
Bích Thảo (Theo Reuters)