(ĐSPL) - Vai trò lớn hơn trong an ninh toàn cầu của Nhật Bản sẽ nhận được nhiều ủng hộ, khi Châu Á ngày càng lo ngại trước thái độ hung hãn của Trung Quốc.
Theo hãng tin Reuters, Nhật Bản đang có tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc trên Biển Hoa Đông, trong khi căng thẳng cũng đang gia tăng giữa Bắc Kinh với một số nước Đông Nam Á ven Biển Đông vốn được cho là giàu dầu khí.
|
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe sẽ chỉ trích Trung Quốc "bắt nạt" tại Đối thoại Shangri-La 2014 ở Singapore |
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe sẽ có bài diễn văn quan trọng tại Đối thoại Shangri-La trong ngày 30/5, một diễn đàn dành cho các chuyên gia quốc phòng và an ninh đến từ ASEAN, Mỹ và Australia.
Hãng thông tấn Kyodo dẫn lời Thủ tướng Abe phát biểu trước Quốc hội Nhật Bản ngày 29/5: “Căng thẳng đang gia tăng ở Châu Á-Thái Bình Dương. Tôi muốn gửi thông điệp đến thế giới về vai trò chủ động của Nhật Bản đối với hòa bình, dựa trên hợp tác quốc tế”. Một số nước Đông Nam Á coi thông điệp trên là tích cực, do hành động “bắt nạt” ngày càng tăng từ phía Trung Quốc.
Malcom Cook, nghiên cứu viên cao cấp của Viện Đông Nam Á ở Singapore, nói: “Các nước ASEAN có tranh chấp với Trung Quốc sẽ ủng hộ ông Abe. Nhật Bản quyết đoán hơn nhiều so với ASEAN, khi chỉ trích Trung Quốc”.
Một trong những nước chỉ trích Bắc Kinh mạnh mẽ nhất là Philippines và gần đây là Việt Nam.
Đầu tháng này, Trung Quốc đã đưa một giàn khoan khổng lồ vào vùng biển mà Việt Nam tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông. Hàng chục chiếc tàu của hai bên đang đối đầu ở xung quanh chiếc giàn khoan. Ngày 27/5, một tàu cá Việt Nam bị chìm đang gây ra tranh cãi giữa Hà Nội và Bắc Kinh.
Trung Quốc cũng khiến Philippines phẫn nộ khi bắt đầu xây dựng một công trình, có vẻ như là đường băng sân bay, trên một hòn đảo có tranh chấp thuộc quần đảo Trường Sa ở Biển Đông. Một quan chức quốc phòng cấp cao của Philippines nói: “Chúng tôi hoan nghênh đóng góp của Nhật Bản nhằm củng cố an ninh và ổn định trong khu vực”.
Một vài quốc gia khác như Malaysia lại lo ngại làm phật lòng Trung Quốc, ảnh hưởng đến quan hệ kinh tế sâu rộng giữa hai bên. Các nước như Cambodia, Myanmar và Lào cũng khó có khả năng thể hiện tình đoàn kết với Nhật Bản.
Bài diễn văn tại Đối thoại Shangri-La trong ngày 30/5 của Thủ tướng Abe được kỳ vọng sẽ nhấn mạnh vào pháp quyền và phản đối việc thay đổi hiện trạng bằng vũ lực, vốn là ngôn từ chính mà Tokyo sử dụng để chỉ trích Bắc Kinh.
Trước đó, Thủ tướng Abe đã cho thấy rõ rằng ông muốn thay đổi Điều 9 Hiến pháp hòa bình nhằm cho phép Nhật Bản tham gia vào hoạt động quốc phòng tự vệ tập thể, hoặc cung cấp khí tài quân sự cho những quốc gia thân thiện bị tấn công.
Các chính phủ tiền nhiệm nói Tokyo có quyền làm vậy theo luật quốc tế, nhưng điều này lại vượt quá khuôn khổ hiến pháp chống chiến tranh của Nhật.
Đại diện của Trung Quốc tại diễn đàn này là Thứ trưởng ngoại giao Phó Oánh, một người được cho là cứng rắn và có tài hùng biện.
Nghiên cứu viên cao cấp Malcom Cook nhận xét: “Trung Quốc đã cử đại diện cấp cao hơn đến tham dự diễn đàn lần này, vốn thường có vị trí thấp hơn đại diện của các nước khác. Tôi tin rằng việc ông Abe có mặt góp phần vào quyết định đó của Bắc Kinh”.