Đó là chia sẻ của Th.s Xã hội học Đặng Vũ Cảnh Linh – Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu truyền thống và Phát triển sau sự việc đau lòng xảy ra tại Việt Trì – Phú Thọ vào ngày 1/9 vừa qua.
Người mẹ ôm con tự tử đáng thương hay đáng trách?
Mới đây có một sự việc rất đau lòng là một cô gái trẻ ôm cậu con trai 2 tuổi nhảy xuống sông Lô tự tử, trong bụng cô gái còn mang bầu 3 tháng. Trước sự việc đó, nhiều người cho rằng người mẹ đó hoàn toàn không có quyền cướp đi tương lai của những đứa con. Quan điểm của ông như thế nào về sự việc trên?
Hai mẹ con nữ y tá Lê Thị Hương Mai khi còn sống. |
Đây là một câu chuyện rất đau lòng, gây nỗi đau cho cả gia đình và xã hội. Tuy nhiên, nếu xem xét những khía cạnh cụ thể của các trường hợp này thì chúng ta cũng nên nhìn về vấn đề một cách độ lượng hơn.
Trường hợp này, người phụ nữ chắc chắn đã phải chịu một sự đau đớn rất lớn, có thể cô ấy nghĩ rằng, cuộc sống của đứa con lớn lên mà không được chăm sóc đầy đủ, được mẹ bao bọc, yêu thương, chăm sóc thì chi bằng chọn cho con chết cùng với mẹ.
Có thể trong lúc túng quẫn, người phụ nữ không biết bấu víu vào đâu nên đã có những suy nghĩ tiêu cực.
Giả sử trong hoàn cảnh con người gặp phải tâm lý bất thường, hoàn cảnh trái ngang nào đó, không thể tự chủ hành vi mà nhận được sự giúp đỡ từ người khác đúng lúc (gia đình, xã hội) thì họ có thể sẽ không lựa chọn kết cục như vậy.
Về chuẩn mực xã hội, không ai đồng tình với việc tự sát và lôi kéo người khác tự sát. Rõ ràng hành vi của người phụ nữ là sai cả về mặt pháp luật và đạo đức, tự tử mà lôi theo người khác tự tử là vi phạm pháp luật, thậm chí có thể kết tội giết người. Đứng về phía đạo đức thì mẹ cũng không có quyền cướp đi quyền sống của con. Tuy nhiên, vẫn cần có một cái nhìn độ lượng hơn trong từng trường hợp, cảnh ngộ mà xã hội có trăm ngàn cảnh ngộ khác nhau như vậy. Với những nhóm tổn thương, yếu thế, chịu thiệt thòi nào đó trong xã hội thì chúng ta phải phân tích từng hoàn cảnh, vấn đề đặt câu hỏi tại sao người ta suy nghĩ như vậy, tâm lý lúc đó như thế nào, tại sao lúc đó không có một cánh tay nhân ái nào chìa ra với họ, cứu giúp họ? Các bài giảng về đạo đức xuất hiện nhan nhản, các hoạt động từ thiện, tình nguyện được thực hiện khắp mọi nơi, nhưng có phải lúc nào nó cũng xuất hiện đúng lức, đúng chỗ, đến được với tất cả các cảnh đời đâu, vì thế dư luận khi phán xét cần cẩn thận, công tâm nhưng cũng cần thông hiểu.
Trong sự việc trên, sau khi người phụ nữ ôm con nhảy sông tự tử, dư luận bắt đầu lên tiếng phê phán người chồng cùng gia đình nhà chồng, cho rằng đó là nơi đẩy người phụ nữ vào bế tắc dẫn đến sự việc đau lòng trên. Sau đó, người chồng cũng tâm sự, sau sự việc này thì anh “sống không bằng chết”. Vậy theo ông, khi sự việc đau lòng đã xảy ra, chúng ta có nên làm day dứt những người còn sống?
Trong trường hợp này, tôi không hoàn toàn đồng tình với hướng đi của dư luận khi tác động ngược với những cá nhân người trong cuộc, gây áp lực và tâm lý tiêu cực thêm với người trong cuộc.
Tôi nghĩ, nếu dư luận có cái nhìn độ lượng, tích cực thì sẽ giúp được người trong cuộc có cải thiện hành vi tốt hơn so với việc chúng ta chỉ trích, phê phán, và đẩy họ đến bế tắc. Sự việc này, người chồng chắc chắn cũng phải chịu đựng nỗi đau rất lớn. Nỗi đau của người vợ đã qua, cô ấy chọn cách giải thoát tiêu cực, nhưng nỗi day dứt để lại cả đời cho người chồng khi đối mặt với “toà án lương tâm” chắc chắn còn lớn hơn rất nhiều.
Vấn nạn tự tử đang… báo động
Theo ông, những nguyên nhân nào khiến người ta tìm đến cách tự tử để kết thúc cuộc sống? Và đâu là nguyên nhân quan trọng nhất?
Qua những công trình nghiên cứu có thể thấy nguyên nhân hành vi tự tử là tương đối nhiều. Có thể là tác động bên ngoài: hoàn cảnh khó khăn, gia đình, quan hệ, từ bản thân công việc, kinh tế, nợ nần… khiến các cá nhân rơi vào bế tắc, không có cách giải quyết. Những tác động bên trong từ sự rối loạn trong tâm lý, suy nghĩ…
Những người lựa chọn tự tử về bản chất họ cảm thấy “chán đời”, “bất lực” với chính họ, hoàn cảnh, không nhìn thấy tương lai cuộc sống trong đó có họ. Những trường hợp bột phát ít hơn, hầu hết người ta trải qua cả quá trình suy nghĩ với nhiều chuyện, nhiều áp lực gộp lại, tác động không lối thoát và không cảm nhận được những cứu cánh nào cho họ.
Sự sai lệch nguy hiểm nhất trong hành vi tự tử là nhiều cá nhân tự an ủi, bào chữa cho bản thân bằng cách cho rằng mình có quyền được chết, mình không làm phiền ai cả, đây là cuộc sống của cá nhân mình, nhưng thực tế hành vi tự tử của một người đều tạo ra hệ lụy lớn cho những người thân và xã hội.
Th.s Xã hội học Đặng Vũ Cảnh Linh – Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu truyền thống và Phát triển. |
Ai cũng biết rằng sinh mạng là quý giá. Trước việc 1 người tự tử, chúng ta có thể mạnh miệng phê phán họ dại dột, nhưng có ý kiến cho rằng, nếu chúng ta đặt mình vào trường hợp bế tắc của họ, thì chắc chắc ý nghĩ tự tử cũng sẽ thoáng qua. Quan điểm của ông như thế nào?
Chúng ta “phê phán” mọi hành vi tự tử nhưng chúng ta không nên “kết tội” họ.
Ở những hoàn cảnh khó khăn, ai cũng cần cần những sự giúp đỡ, động viên của mọi người xung quanh để đứng dậy, vượt qua. Có những người không thể đứng dậy, đó cũng không hoàn toàn là lỗi của họ. Nhiều nhà tâm lý cho rằng với con người, bao giờ cũng có những ý nghĩ tốt và ý nghĩ xấu, và hàng ngày, hàng giờ chúng ta đều phải đấu tranh với cái xấu trong suy nghĩ của mình. Với những cá nhân có bản lĩnh, ý thức thì dù gặp hoàn cảnh nào họ luôn coi những suy nghĩ về tự tử là ý nghĩ phản trắc, nên khi nó vừa xuất hiện trong đầu thì ngay lập tức họ kiểm soát và điều chỉnh kịp thời. Ngược lại nuôi dưỡng suy nghĩ về tự tử như một giải pháp cuối cùng đó là một sự nguy hiểm.
Dưới góc độ xã hội học, theo ông cần phải làm gì để có thể ngăn chặn tối đa nạn tự tử trong xã hội?
Hơn 100 năm trước nhà xã hội học người Pháp Emile Durkheim (1858 -1917) đã có công trình nghiên cứu về tự tử và ông cho rằng nạn tự tử không phải hoàn toàn là vấn đề tâm lý cá nhân mà là vấn đề xã hội. Durkheim khẳng định nạn “tự tử” tăng do tỷ lệ “đoàn kết xã hội” giảm, có nghĩa rằng con người càng khuynh hướng sống cá nhân, ít quan tâm tới người khác, ít ràng buộc, sinh hoạt cộng đồng thì nguy cơ về nạn tự tử tăng lên. Nhận định trên chính là gợi ý cho giải pháp. Chúng ta cần tăng cường hệ thống giáo dục, truyền thông, tư vấn tâm lý, xây dựng môi trường tích cực tại cộng đồng, huy động sự tham gia của các tổ chức xã hội, ưu tiên thực hiện tại những điểm nóng, như An Giang chẳng hạn.
Đồng thời tăng cường tuyên truyền trên các phương tiện truyện thông đại chúng. Nếu mọi người có đủ hiểu biết tự tử là hành vi tiêu cực, gây hậu quả nghiêm trọng không chỉ đối với bản thân mà đem lại nhiều hệ lụy, nỗi đau dai dẳng cho gia đình, thì trước hết họ cũng phải nghĩ đến trách nhiệm của mình nếu có ý định tự tử.
Gia đình cần thông hiểu, xã hội cần quan tâm, hỗ trợ đến cá nhân nhiều hơn, nhất là các nhóm yếu thế, nhóm nguy cơ có những hành vi bất thường. Hành vi tự tử đôi khi có thể ngăn chặn chỉ cần sự giúp đỡ hay trợ giúp tâm lý nhỏ nếu được thực hiện đúng lúc, đúng chỗ. Xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, định hướng tích cực về giá trị sống, giải quyết tốt các vấn đề mặt trái của xã hội được coi là giải pháp lâu dài, bền vững không chỉ với vấn nạn tự tử mà còn đối với nhiều vấn đề xã hội khác.
- Xin cảm ơn ông!