Một số cho rằng, phải chăng anh là người chồng vô tâm khi sau cái chết của vợ vẫn thản nhiên nói “không ân hận gì?”
Hình ảnh nữ y tá đang mang bầu và cậu con trai đáng yêu khiến nhiều người không khỏi xót xa. |
Nhiều người đã rơi nước mắt khi nghe chuyện về cái chết bi thương của 3 mẹ con nữ y tá Lê Thị Hương Mai (SN 1986, Bến Gót, TP. Việt Trì, tỉnh Phú Thọ, mang thai 3 tháng ôm con trai 3 tuổi nhảy sông Lô tự tử.
Sau câu chuyện, nhiều người đặt ra câu hỏi vì sao người chồng lại không đứng ra hòa giải mối quan hệ mẹ chồng nàng dâu để sự việc đi đến kết thúc bi thảm. Một số cho rằng, phải chăng anh là người chồng vô tâm khi sau cái chết của vợ vẫn thản nhiên nói “không ân hận gì?”
Chồng chị Mai là anh Lê Hải Sơn, sinh năm 1984, làm việc ở Ban Dự án UBND TP Việt Trì trong khi trước đó, Sơn từng là một kiến trúc sư. Theo người dân chia sẻ, Sơn là người hiền lành, ít nói và khá chiều vợ. Tuy nhiên, trong con mắt của em vợ, Sơn "nhu nhược chỉ biết núp dưới vành váy mẹ, chỉ biết nhìn mà không biết làm trọng tài để giải quyết khúc mắc gia đình".
Chị Lê Vĩnh Phương, chị gái của chị Mai cũng tiết lộ, khi xảy ra sự việc đau lòng trên, “em rể có gọi cho tôi và bảo tôi xuống. Nhưng em ấy không hề thông báo cho tôi biết chuyện em gái tôi nhảy cầu mà vẫn nói với tôi rằng vợ và cháu vẫn đang ngồi bên cạnh vui vẻ. Cho đến khi tôi chạy xe máy xuống thì mới nghe người dân kể lại sự việc".
Trước đó, nhiều nguồn tin cho hay, khi quyết định ôm con nhảy cầu tự vẫn, chị Mai đã nhắn cho chồng chị một tin nhắn cuối cùng: “Ngày mai là ngày giỗ bố anh, còn giờ này sang năm là ngày giỗ của vợ và con anh”. Trả lời báo chí, Sơn cho biết, lúc đó đang đi xe máy, một phần cũng không nghĩ đó là sự thật nên anh không có phản ứng gì.
Anh Sơn tại khu chôn cất của mẹ con chị Mai |
Theo báo Người đưa tin, Sơn cho biết: "Nói thật, đến bây giờ mình nghĩ là, mình cũng không ân hận gì cả. Mình mồ côi bố từ nhỏ, sống với mẹ, vậy mà khi vợ mâu thuẫn với mẹ, mình đã chấp nhận đi cùng vợ chuyển ra ở riêng để mẹ ở nhà một mình.
Sau đó, vì mẹ ốm đau nên sau ngày 30/4 mình nói với vợ là, nếu không chấp nhặt những chuyện cũ thì 3 mẹ con ngồi nói chuyện với nhau, bỏ qua cho nhau rồi về nhà. Nhưng khi về nhà rồi vẫn có những mâu thuẫn mẹ con, rồi không vừa ý cái nọ, không vừa ý cái kia. Sau đó, từ những mâu thuẫn đó mà vợ chồng cũng đã có to tiếng với nhau, nhưng không ngờ được là nó cùng quẫn đến như thế”.
Nói về những chia sẻ của em vợ trên mạng xã hội, Sơn tỏ ra bức xúc: “Lúc phát hiện ra sự việc của vợ mình, rồi cả lúc tìm được xác của 2 mẹ con, mình phải tham khảo ý kiến của tất cả mọi người ở đây. Mình cũng rất muốn xuống với vợ con, nhưng không ai cho xuống cả…
Nhưng bây giờ, em vợ mình làm như thế thì đúng là đau lòng quá. Nhà họ mất con nhưng đây mình mất cả vợ cả con chứ không phải không. Mình biết tính em vợ mình, nhưng nó làm thế làm mình quá đau. Vợ chọn cách đi như thế này khiến mình sống không bằng chết".
Hiện tại dân mạng đang xôn xao bàn tán về sự việc trên, một số cá nhân tỏ rõ sự bức xúc khi cho rằng Sơn là anh chồng nhu nhược, kém cỏi không bảo vệ được vợ con khỏi cái chết thương tâm.
Khó quy chụp người chồng vô tâm? Trao đổi với phóng viên về vấn đề trên, một chuyên gia xã hội học- Khoa Xã hội học, Học viện Báo chí Tuyên truyền (Hà Nội) chia sẻ: Thực tế khi các bài viết trước đó đưa ra những trích dẫn lời của người chồng nói, liệu đã chính xác hay chưa? Người viết có đặt câu chuyện trong bối cảnh xã hội thực tại? Lời của người chồng nói không ân hận? Liệu có bao giờ chúng ta tự hỏi vấn đề anh ta nói là không ân hận về điều gì? Phải chăng anh ta nói không ân hận vì những gì đã làm với vợ? Không ân hận vì trong cuộc sống anh ta đã luôn nỗ lực làm đúng trách nhiệm người chồng, người cha. Người chồng đến với cuộc hôn nhân khi anh ta mồ côi cha, hiện tại sống cùng mẹ. Sự khó khăn khi sống giữa hai người phụ nữ mình thương yêu, một bên là mẹ, một bên là vợ. Và anh ta có thể, dành tình yêu cho người mẹ nhiều hơn một chút, người vợ cảm thấy bức xúc. Cùng với những mâu thuẫn giữa mẹ chồng- nàng dâu, không người sẻ chia tâm sự, người vợ cảm thấy hoang mang hụt hẫng nên mới có quyết định bi thảm như thế. Xét dưới góc độ nhà nghiên cứu xã hội học, chúng tôi không phân tích cá nhân nào đúng, cá nhân nào sai. Bởi khi một cuộc hôn nhân diễn ra, nó không phải là cuộc hôn nhân của riêng 2 cá thể, mà là cuộc hôn nhân gia đình, dòng họ. Người vợ đã có những xung đột về văn hóa, chuẩn mực giá trị cá nhân với gia đình chồng. Nếu nhìn kết quả, đặt trong bối cảnh gia đình như thế chúng ta không thể phán xét ai tốt ai xấu. Khi phát hiện thi thể người vợ và con, anh chồng không chạy vào cũng bởi có rào cản của phong tục tập quán, người ta đã ngăn không cho người chồng vào gặp vợ con. Bởi họ sợ rằng khi anh lại gần người thân vừa qua đời liệu điều gì sẽ xảy ra? Một số người còn thắc mắc khi cho rằng, đám tang vợ con sao lại im ắng mà không có kèn trống? Nhưng liệu người ta có nghĩ rằng, mỗi miền quê một phong tục tập quán. Với những người chết trẻ như chị Mai và 2 đứa con sẽ được chôn cất theo nghi thức nào hay chưa? Điều đó là một dấu hỏi lớn, và muốn có kết luận cuối cùng chúng ta nên tìm hiểu rõ hơn. Chúng ta khó có thể quy chụp cho người chồng này là nhu nhược hay vô tâm một cách thiếu khách quan như vậy được. |